Chủ nhật, 24/11/2024 10:01 (GMT+7)
    Thứ hai, 16/05/2022 17:55 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h: Vinasinco không còn là công ty con của Vinaconex

    Theo dõi KTMT trên

    Đảo chiều bất ngờ, VN-Index giảm 3 phiên liên tiếp; Vinasinco không còn là công ty con của Vinaconex... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 16/5/2022.

    Đảo chiều bất ngờ, VN-Index giảm 3 phiên liên tiếp

    Thị trường chứng khoán mở cửa phiên đầu tuần có sự hồi phục khá tốt với đà tăng lan rộng, VN-Index có thời điểm tăng hơn 32 điểm. Tuy nhiên nhịp phục hồi chỉ mang tính kỹ thuật, bên bán bắt đầu nhập cuộc trong buổi chiều đã khiến thị trường lao dốc mạnh, các chỉ số tiếp tục mất các ngưỡng hỗ trợ quan trọng.

    Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đảo chiều sang giảm 10,82 điểm (-0,91%) về mốc 1.171,95 điểm. Như vậy chỉ số chính đã mất gần 44 điểm so với lúc cao nhất phiên và là phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp.

    Trong khi đó sàn niêm yết HNX có sự khác biệt, mặc dù cũng chịu áp lực bán lớn dần nhưng chỉ số vẫn giữ được sắc xanh khi tăng 4,66 điểm (1,54%) đạt 307,05 điểm. Sàn này có giá trị vốn hóa nhỏ hơn nhiều so với HoSE nên biến động thường không đại diện cho thị trường chung.

    Nhóm vốn hóa lớn tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt xu hướng chính cho thị trường. Riêng rổ VN30 đảo chiều mạnh sang giảm 8,68 điểm (-0,71%) với nhiều mã giảm rất sâu; trong đó có MSN của Masan và STB của Sacombank bất ngờ bị bán sàn.

    Tin tức kinh tế 24h: Vinasinco không còn là công ty con của Vinaconex - Ảnh 1
    Ảnh minh hoạ.

    Một số cổ phiếu trụ khác cũng có tác động rất tiêu cực lên chỉ số như VHM của Vinhomes giảm 3,2% về 65.800 đồng, GAS của PV Gas lao dốc 5% xuống 95.000 đồng, BCM của Becamex giảm sàn tại 68.200 đồng, TCB rơi 3,6% hay VIC giảm 1,3%.

    Bộ đôi cổ phiếu DXG của Tập đoàn Đất Xanh và DXS của Đất Xanh Services gây chú ý khi tiếp tục bị bán tháo khối lượng lớn, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu bất động sản này đang chịu thiệt hại nặng nề. Riêng DXG giảm sàn phiên thứ 3 liên tiếp về 25.000 đồng, mất 46% kể từ đầu tháng 4 đến nay. DXS tương tự bị bán sàn 3 phiên còn 19.850 đồng.

    Cổ phiếu thủy sản bị xả rất quyết liệt khi phần lớn các mã đều có dư bán sàn hàng trăm nghìn đơn vị. Đáng kể như VHC, ANV, IDI, ACL của nhóm cá tra và FMC, CMX của các công ty xuất khẩu tôm đều giảm kịch sàn.

    Nhóm bán lẻ công nghệ cũng không nằm ngoài vòng xoáy khi các mã DGW, PET và FRT giảm hết biên, riêng MWG của Thế giới Di Động mất thêm 1,7% giá trị. Cổ phiếu hàng hóa như thép (HSG, NKG), phân bón (DPM, DCM), hóa chất (CSV) cũng giảm kịch sàn...

    Nhóm gồng đỡ cho thị trường đến tư cổ phiếu ngân hàng khi được giao dịch khá thuận lợi, sắc xanh vẫn chiếm ưu thế ở nhóm này. Trong đó VCB của Vietcombank tăng 1,6% lên 74.200 đồng là mã có tác động tốt nhất, ngoài ra còn có một số mã ngân hàng khác như CTG, BID, MBB, TPB.

    Cổ phiếu ngành chứng khoán và dầu khí cũng có sự đóng góp quan trọng. Cổ phiếu đầu ngành chứng khoán SSI tăng 5,8% lên 27.300 đồng, HCM và APS tăng trần, SHS bứt phá 8,5%, SBS tăng 3,9%, VCI hay VND tăng hơn 3%. Hay nhóm dầu khí có PVS và PVC tăng trần, PVD có thêm 4,8%, PLX tăng 4,7%...

    Mặc dù giảm điểm nhưng độ rộng thị trường vẫn khá tốt bởi sắc xanh vẫn nhiều hơn. Toàn sàn có 563 mã tăng giá, 407 mã giảm giá và 154 mã đứng tại tham chiếu.

    Thanh khoản thị trường khá thấp đạt tổng cộng 16.738 tỷ đồng cho thấy sự dè dặt nhất định của nhà đầu tư. Riêng giá trị khớp lệnh sàn HoSE là 13.790 tỷ đồng, giảm 25% so với phiên liền trước. Khối ngoại mua ròng hơn 250 tỷ đồng.

    Vinasinco không còn là công ty con của Vinaconex

    Vinaconex vừa công bố thông tin hoàn tất bán 2 triệu cổ phần, tương ứng 50% vốn điều lệ của CTCP Đầu tư và Dịch vụ Đô thị Việt Nam (Vinasinco). Hình thức giao dịch thực hiện là bán trực tiếp cho nhà đầu tư quan tâm.

    Tỉ lệ sở hữu của Vinaconex tại Vinasinco là 75% tính đến thời điểm 31/3. Sau khi tiến hành bán số cổ phần trên, Vinaconex chỉ còn giữ 1 triệu cổ phần, tương ứng 25% vốn điều lệ của Vinasinco.

    CTCP Đầu tư và Dịch vụ Đô thị Việt Nam - Vinasinco là một thành viên trực thuộc Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex, được thành lập vào năm 2003.

    Vinasinco chuyên cung cấp dịch vụ vệ sinh nhà cửa và các công trình khác. Các dự án được doanh nghiệp này cung cấp dịch vụ gồm tòa nhà 2B Vinata Tower - 289 Khuất Duy Tiến và cụm tòa nhà Vinaconex 1- 289 Khuất Duy Tiến; dự án Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính; tòa nhà Vinaconex 34 Láng Hạ; tòa nhà 97 - 99 Láng Hạ;…

    Tin tức kinh tế 24h: Vinasinco không còn là công ty con của Vinaconex - Ảnh 2
    Vinasinco không còn là công ty con của Vinaconex.

    Trước đó trong quý I, Vinaconex đã bắt đầu thực hiện tái cơ cấu hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bằng động thái thoái vốn và tăng vốn tại nhiều công ty khác nhau.

    Cụ thể, Vinaconex đã tiến hành thoái vốn tại CTCP Phát triển Thương mại Vinaconex (VCTD). Sau giao dịch, tỉ lệ sở hữu tại VCTD giảm từ 55% xuống còn 45%, VCTD từ công ty con đã trở thành công ty liên doanh, liên kết của Vinaconex.

    HĐQT Vinaconex cũng đã phê duyệt phương án chào bán toàn bộ phần vốn góp 46 tỷ đồng tại Công ty TNHH Phát triển Hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc, tương đương tỉ lệ 20% vốn tại doanh nghiệp này.

    Ngược lại, Vinaconex đã góp hơn 1.133 tỷ đồng để nâng tỉ lệ sở hữu tại CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (MCK: VCR) lên 51%, chính thức đưa công ty này vào danh sách công ty con.

    Kết thúc kinh doanh quý I, Vinaconex đạt 1.333 tỷ đồng doanh thu thuần và 780 tỷ đồng lãi sau thuế, tương ứng tăng 40% và 126% so với quý I/2021. Với mục tiêu đạt 15.300 tỷ đồng doanh thu và 1.400 tỷ đồng lãi sau thuế năm 2022, như vậy doanh nghiệp đã thực hiện được 13% mục tiêu doanh thu và 55,6% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

    Khủng hoảng năng lượng làm suy yếu tăng trưởng, leo thang lạm phát ở EU

    Giới chức EU sắp phải công bố giảm dự báo tăng trưởng GDP, đồng thời tăng triển vọng lạm phát trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng khởi nguồn từ xung đột Nga-Ukraine gây ra tác động kinh tế tiêu cực đối với EU.

    Theo báo cáo dự thảo của Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến được công bố trong ngày 16/5 (giờ địa phương), kinh tế của cả EU và khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đều được dự báo tăng trưởng 2,7% trong năm nay, giảm sâu so với kỳ vọng trước đó là 4%. Mức tăng trưởng trong năm 2023 vào khoảng 2,3%, giảm so với mức 2,7% trong kỳ báo cáo được EC công bố hồi tháng 2.

    Lạm phát được dự báo vọt lên 6% trong năm nay ở cả EU và eurozone. Đáng chú ý, lạm phát ở một số quốc gia Trung và Đông Âu nhiều khả năng sẽ ở mức hai con số. Tỉ lệ lạm phát tại eurozone sẽ giảm xuống còn 2,7% trong năm 2023, vẫn cao hơn ngưỡng mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra. Đây là lần đầu tiên EC đưa ra báo cáo về dự báo tăng trưởng, lạm phát và việc làm kể từ thời điểm nổ ra xung đột ở Ukraine vào cuối tháng 2 vừa qua.

    Tin tức kinh tế 24h: Vinasinco không còn là công ty con của Vinaconex - Ảnh 3
    Lòng tin của người tiêu dùng EU suy yếu sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. (Ảnh: Bloomberg)

    Tuần trước, Chủ tịch ECB Christine Lagarde phát đi thông điệp ủng hộ tăng lãi suất chủ chốt vào tháng 7 tới, mở đường cho kỳ tăng lãi suất đầu tiên sau hơn một thập kỷ. Trước đó, EC từng dự báo lạm phát sẽ trở về mức dưới 2% trong năm tới.

    Việc Nga can thiệp quân sự ở Ukraine đã khiến giá năng lượng tại châu Âu trong vọt, làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng. Các nước thành viên EU đã thông qua năm vòng trừng phạt chống Moskva và đang trong tiến trình hoàn thiện gói trừng phạt thứ sáu nhằm vào ngành dầu khí của Nga.

    Tuy nhiên, nội bộ EU hiện chưa đạt thống nhất về gói này, do gặp phải phản ứng từ những nước phụ thuộc lớn vào nguồn dầu nhập khẩu từ Nga, điển hình là Hungary. Giới chức EC vẫn đang mở các vòng đàm phán với Hungary cùng với Cộng hòa Séc và Slovakia về những điều khoản đặc biệt giúp ba nước này giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.

    Kinh tế châu Âu tăng trưởng trong năm nay, nhưng EC cho rằng động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ bước đà đã được thiết lập trong năm 2021. Trong khi đó thách thức cho tăng trưởng đang dần tích tụ. Dự thảo của EC nhận định nếu Nga bất ngờ dừng bơm khí đốt sang châu Âu, kinh tế khu vực sẽ chịu thiệt hại lớn hơn nữa.

    Cụ thể, trong kịch bản này, GDP của EU sẽ giảm 2,5% so với dự báo, chỉ còn 0,2%. Tăng trưởng trong năm 2023 cũng xuống mức 1,7%. Ở chiều ngược lại, lạm phát trong năm nay và năm tới sẽ lần lượt ở mức 9% và 3,7%. Một số chuyên gia kinh tế mong đợi EC sẽ thông báo ngừng áp quy định về thâm hụt ngân sách và nợ công trong năm tới.

    Cùng với đà tăng giá của mặt hàng năng lượng, vốn đã tăng tới 38% tại thời điểm tháng 4/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, các hộ gia đình tại châu Âu còn đối mặt với xu thế giá lương thực tăng cao, với mức tăng 6% trong cùng thời kỳ này.

    Sản xuất công nghiệp vẫn gặp phải rào cản đến từ đứt gãy chuỗi cung ứng. Các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt được áp dụng tại nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc để phòng chống COVID-19 đang hủy hoại thương mại toàn cầu. Cùng lúc, triển vọng kinh tế Mỹ ngày một bất chắc hơn trong bối cảnh Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) đứng trước thách thức phải kiểm soát được lạm phát bằng công cụ lãi suất, nhưng không được gây tổn hại quá nhiều đến hoạt động kinh tế.

    Bất chấp triển vọng bấp bênh, EC kỳ vòng tỷ lệ thất nghiệp trong EU sẽ tiếp tục được cải thiện sau khi tăng do diễn biến của đại dịch COVID-19. So với dự báo công bố hồi tháng 2, Tỉ lệ thất nghiệp được điều chỉnh giảm, từ 7,7% xuống còn 7,3% trong năm 2022 trong eurozone và xuống 7% trong năm tới.

    Cân bằng ngân sách cũng sẽ dần được cải thiện. Tính chung cho cả eurozne, thâm hụt ngân sách từ mức 5,1% GDP trong năm 2021 sẽ giảm xuống còn 3,7% GDP trong năm nay và 2,5% GDP trong năm 2023

    G7 chỉ trích quyết định ngừng xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ

    Các Bộ trưởng G7 cho rằng, quyết định này của Ấn Độ sẽ khiến giá lúa mỳ leo thang và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

    Ấn Độ là quốc gia sản xuất lúa mì thứ 2 thế giới. Quyết định của Ấn Độ được công bố giữa thời điểm thị trường hàng nông sản toàn cầu đang chịu sức ép lớn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

    Giá lúa mì toàn cầu tăng cao do lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine kể từ ngày 24/2, quốc gia chiếm tới 12% tổng kim ngạch xuất khẩu lúa mì toàn cầu.

    Trước xung đột, Ukraine xuất khẩu 4,5 triệu tấn nông sản mỗi tháng qua các cảng biển, chiếm 12% lúa mì thế giới, 15% ngô và 50% dầu hướng dương. Ước tính, hiện khoảng 20 triệu tấn lúa mì đang tồn kho ở Ukraine cần được xuất khẩu.

    Tại cuộc họp tại Stuttgart (Đức), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Đức Cem Oezdemir cho biết: "Nếu tất cả chúng ta bắt đầu áp đặt những giới hạn xuất khẩu này, hoặc thậm chí đóng cửa thị trường, điều đó chỉ làm cho cuộc khủng hoảng lương thực trở nên tồi tệ hơn".

    Ông nói thêm, lệnh cấm này sẽ gây tổn hại cho chính Ấn Độ và những người nông dân nước này. Bộ trưởng Ozdemir kêu gọi Ấn Độ thực thi trách nhiệm của mình với vai trò một thành viên Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h: Vinasinco không còn là công ty con của Vinaconex. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới