Chủ nhật, 24/11/2024 09:53 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/05/2022 19:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h nổi bật nhất ngày 13/5

Theo dõi KTMT trên

Mưa lớn tại Bắc Bộ, 5 người chết, nhiều cơ sở vật chất bị phá hủy; Khẩn cấp hành động để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương; NASA phát hiện hiện tượng đảo nhiệt trong đợt nắng nóng ở Ấn Độ... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 13/5.

Mưa lớn tại Bắc Bộ, 5 người chết, nhiều cơ sở vật chất bị phá hủy

Thống kê từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, mưa lớn tại Bắc Bộ những ngày qua đã làm 5 người chết; nhiều nhà cửa, đường giao thông hư hỏng, hàng ngàn ha hoa màu bị ngập.

Cụ thể, về nông nghiệp và thủy sản, có 2.203 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập; 3,99ha thủy sản bị thiệt hại. Mưa lũ cũng làm sạt lở một số tuyến đường giao thông với khối lượng 41.733m3 đất đá (Bắc Giang 1.173m3; Điện Biên 350m3; Bắc Kạn 40.210m3); 1 ngầm tạm bị hư hỏng (Điện Biên); 2 cầu bị hư hỏng (Bắc Kạn);

Mưa lũ cũng làm 1 người mất tích (tại tỉnh Cao Bằng, do lũ cuốn trôi; 3 người bị thương; 11 nhà sập đổ (Bắc Giang 2, Lạng Sơn 8, Hà Giang 1); 231 nhà bị hư hỏng, thiệt hại (Bắc Giang 1, Lạng Sơn 169, Bắc Kạn 56, Hà Giang 1, Cao Bằng 4).

Tin tức môi trường 24h nổi bật nhất ngày 13/5 - Ảnh 1
Mưa lớn tại Bắc Bộ những ngày qua đã làm 5 người chết, nhiều nhà cửa, đường giao thông hư hỏng, hàng ngàn ha hoa màu bị ngập. (Ảnh: TTXVN)

Dự báo trong ngày và đêm nay (13/5), ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-80mm/24h, có nơi trên 100mm/24h; riêng khu vực Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ phổ biến 70-120mm/24h, có nơi trên 150mm/24h.

Cũng theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, khoảng 15/5, không khí lạnh ảnh hưởng đến khu vực vùng núi Bắc Bộ. Từ chiều và đêm 15/5, ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên từ đêm mai (14/5) đến hết ngày 15/5, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Từ chiều 15/5 đến ngày 16/5, khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp do mưa lớn kéo dài nhiều ngày trước đó.

Khẩn cấp hành động để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương

Trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu, chiều 13/5, đã diễn ra Phiên toàn thể đặc biệt: “Giải quyết vấn đề ô nhiễm và rác thải nhựa đại dương: Một thách thức lớn của thế kỷ 21”.

Bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT); bà Mona Aarhus, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý biển và Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Môi trường và Khí hậu Na Uy và ông Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đồng chủ trì Hội nghị.

Tin tức môi trường 24h nổi bật nhất ngày 13/5 - Ảnh 2
Toàn cảnh Phiên toàn thể đặc biệt: “Giải quyết vấn đề ô nhiễm và rác thải nhựa đại dương: Một thách thức lớn của thế kỷ 21”.

Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã và đang trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Tại Việt Nam, Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020 do Bộ TN&MT công bố năm 2021 đã chỉ ra chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3.8kg/năm/người năm 1990 tăng lên 54kg/năm/người vào năm 2018, trong đó, 37.43% sản phẩm là bao bì và 29.26% là đồ gia dụng. Đặc biệt, việc xả rác thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải nhựa từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm trong mùa du lịch đang là vấn đề đáng báo động ở vùng ven biển và hải đảo.

Trước những thách thức từ ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, theo ông Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, trong những năm qua, đã có nhiều các tuyên bố khu vực kêu gọi cần có hành động toàn cầu có tính pháp lý cao để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương như: Thỏa thuận toàn cầu chống lại rác thải nhựa đại dương và hạt vi nhựa, Tuyên bố Bangkok và Khung hành động chống lại rác thải nhựa đại dương, Thỏa thuận toàn cầu về nhựa của Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn mới của EU.

Phát biểu tại Phiên toàn thể, bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu lần này được xem là thời điểm khẩn cấp để hành động với tinh thần "quyết liệt" và "cấp bách" hơn nữa để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương.

Phát động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2022

Sáng 13/5, tại Trường Trung học cơ sở Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Đắk Lắk và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2022. Chương trình có chủ đề: “Quản lý, vận hành, khai thác bền vững công trình cấp nước và vệ sinh nông thôn”.

Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hằng năm diễn ra từ ngày 29/4-6/5 do Thủ tướng Chính phủ phát động từ năm 1998 và được các ban, ngành Trung ương, địa phương và nhân dân cả nước tích cực hưởng ứng. Đến nay, hoạt động đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về cấp nước và vệ sinh, góp phần làm thay đổi chất lượng và điều kiện sống của người dân nông thôn.

Tin tức môi trường 24h nổi bật nhất ngày 13/5 - Ảnh 3
Lễ phát động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2022. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn chủ đề “Quản lý, vận hành, khai thác bền vững công trình cấp nước và vệ sinh nông thôn” với mục đích nâng cao hiểu biết, trách nhiệm, sự tham gia, cam kết của gia đình, cộng đồng, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội và chính quyền địa phương về tầm quan trọng của việc quản lý khai thác, vận hành công trình cấp nước và vệ sinh nông thôn an toàn, bền vững để bảo vệ sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Mặt khác, kêu gọi người dân cùng hành động để người dân có đủ và dùng nước sạch một cách hiệu quả, bảo đảm vệ sinh và thực hành tốt vệ sinh cá nhân, phòng, chống dịch bệnh…

Thừa Thiên - Huế: Đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy xử lý rác thải gần 1.700 tỉ đồng

Theo quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn (thị xã Hương Thủy) có quy mô diện tích khu quy hoạch khoảng 11,234 ha; công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt khoảng 600 tấn/ngày đêm với tổng mức đầu tư gần 1.700 tỷ đồng. Dự án theo mô hình Nhà máy đốt rác - phát điện do Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB làm chủ đầu tư. Đây được xem là nhà máy xử lý rác thải lớn nhất của tỉnh.

Dự án gồm các phân khu chức năng như khu điều hành, phân loại- tái chế, khu xử lý theo công nghệ sinh học; khu đốt rác, chôn lấp, khu xử lý rác thải y tế, khu cây xanh, mặt nước... Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi đa cấp, phát điện đảm bảo tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Khi nhà máy đưa vào vận hành sẽ giải quyết tình trạng ô nhiễm, tái ô nhiễm do các khu chôn lấp rác ở phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) đã đến thời kỳ đóng cửa vì hết sức chứa.

Tin tức môi trường 24h nổi bật nhất ngày 13/5 - Ảnh 4
Thừa Thiên - Huế đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy xử lý rác thải gần 1.700 tỉ đồng. (Ảnh minh họa)

Đến nay đã hoàn thành 90% công đoạn bó tấm đáy hố rác của nhà máy chính, hoàn thành 100% công đoạn đổ tấm đáy bể thu gom nước rỉ rác; mái taluy trong chỉ giới đường đỏ hoàn thành thực hiện 100%, mái taluy ngoài chỉ giới đường đỏ hoàn thành thực hiện 90%; hoàn thành 80% xây móng tường rào khu vực đốt…

Theo đó, nhà máy xử lý rác sinh hoạt Phú Sơn hình thành sẽ giải quyết tình trạng ô nhiễm, tái ô nhiễm do chôn lấp và bức thiết nhất là đến thời kỳ đóng cửa các khu chôn lấp do hết sức chứa. Nhà máy đi vào vận hành khai thác không chỉ đảm nhận xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn mà còn là nơi phục vụ giáo dục môi trường, văn hoá bảo vệ môi trường, khu sinh thái du lịch xanh.

NASA phát hiện hiện tượng đảo nhiệt trong đợt nắng nóng khắc nghiệt ở Ấn Độ

Một đợt nắng nóng không ngừng đã bao trùm Ấn Độ và Pakistan kể từ giữa tháng 3/2022, khiến hàng chục người chết, hỏa hoạn, ô nhiễm không khí gia tăng và giảm năng suất cây trồng. Dự báo nắng nóng sẽ không có khả năng giảm thiểu.

Tin tức môi trường 24h nổi bật nhất ngày 13/5 - Ảnh 5
Hình ảnh nhiệt độ mặt đất gần Delhi (phía dưới bên phải), vào khoảng nửa đêm ngày 5/5. (Ảnh: NASA / JPL-Caltech)

Hình ảnh trên được chụp ngay trước nửa đêm ngày 5/5 (theo giờ địa phương), cho thấy các khu vực đô thị và vùng đất nông nghiệp phía Tây Bắc Delhi (khu vực màu đỏ lớn ở phía dưới bên phải) là nơi sinh sống của khoảng 28 triệu người. Hình ảnh bao trùm diện tích khoảng 12.350 km2.

Các thành phố thường ấm hơn rõ rệt so với các vùng nông thôn xung quanh do các hoạt động của con người và các vật liệu được sử dụng trong môi trường xây dựng. Hình ảnh phác họa rõ ràng những "đảo nhiệt" đô thị này.

Theo đó, nhiệt độ vào ban đêm ở Delhi và một số ngôi làng nhỏ hơn vào khoảng 35 độ C, đạt đỉnh khoảng 39 độ C, trong khi các khu vực nông thôn gần đó trải qua thời tiết lạnh, chỉ 15 độ C. Số liệu này cho thấy rằng cư dân thành phố đang trải qua nhiệt độ cao hơn đáng kể so với nhiệt độ trung bình được ghi nhận tại các khu vực của họ.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h nổi bật nhất ngày 13/5. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới