Chủ nhật, 24/11/2024 10:35 (GMT+7)
Thứ năm, 16/06/2022 18:00 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 16/6

Theo dõi KTMT trên

Hàng không nội địa Việt Nam phục hồi nhanh nhất thế giới; Chứng khoán hồi phục sau khi FED tăng lãi suất... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 16/6/2022.

Hàng không nội địa Việt Nam phục hồi nhanh nhất thế giới

Theo phân tích của Airbus phối hợp với Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dựa trên kết quả thống kê các số chuyến bay từ flightrada 24 and Airbus estimate, thị trường hàng không nội địa Việt Nam phục hồi nhanh nhất thế giới, với đà tăng trưởng là 123% so với cùng kỳ năm 2019.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho hay, các chuyến bay khai thác nội địa đã có sự bứt phá trong 6 tháng đầu năm 2022. Lượng hành khách và sản lượng hàng hóa tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 40,7 triệu khách, tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,8 triệu khách, tăng 904,6%. Khách nội địa đạt 38,9 triệu khách, tăng 52,6%.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 16/6 - Ảnh 1
Phân tích của Airbus phối hợp với Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế dựa trên kết quả thống kê các số chuyến bay từ flightrada 24 and Airbus estimate.

Các hãng hàng không nội địa đã vận chuyển 20,1 triệu khách, tăng 56,1% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, số lượng khách quốc tế đạt 667.000 khách, tăng 1.033%. Khách nội địa đạt 19,5 triệu khách, tăng 51,8%.

Theo dự kiến trong năm 2022, các cảng hàng không trên cả nước sẽ đón khoảng 87,8 triệu khách, tăng 190% so với năm 2021. Riêng khách quốc tế dự kiến đạt khoảng 5 triệu khách, tăng 844% và khách nội địa đạt khoảng 82,8 triệu khách, tăng 178,4%.

Đối với hàng hóa, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng hàng không trong 6 tháng đầu năm ước đạt 765.000 tấn, tăng 30,6% so với cùng kỳ 2021. Dự kiến trong năm 2022, sản lượng sẽ đạt khoảng 1,5 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2021.

Cục trưởng Đinh Việt Thắng đánh giá tiềm năng to lớn của thị trường hàng không du lịch nội địa là một trong những cơ hội để ngành hàng không bứt phá sau đại dịch. Trong suốt 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (2020, 2021), trừ những giai đoạn toàn quốc thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch thì thị trường nội địa là cứu cánh cho các hãng hàng khôngViệt Nam trong việc duy trì hoạt động khai thác, tạo dòng tiền khi mà thị trường quốc tế gần như đóng băng.

Trong các năm này, trong những giai đoạn dịch bệnh được khống chế tạm thời, nhu cầu vận chuyển hàng không nội địa tương đương, thậm chí còn tăng trưởng cao hơn cả năm 2019.

Việc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng không nội địa thực hiện vào Tháng 1-2022 cùng với nhu cầu du lịch nội địa bùng nổ sau khi bị kìm nén trong thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội toàn quốc đã tạo điều kiện cho thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh chóng, kết quả vận chuyển tăng dần qua các tháng đầu năm 2022. "Tiềm năng và nhu cầu rất lớn của thị trường nội địa thực sự là cơ hội để các hãng hàng không khai thác, tận dụng và phát tiển hoạt động của mình trong các năm tới"- ông Thắng khẳng định.

Chứng khoán hồi phục sau khi FED tăng lãi suất

Đặc biệt mã MWG đóng cửa ở mức giá trần +6,9% lên 79.000 đồng/cổ phiếu; VNM +5,4% lên 68.000 đồng/cổ phiếu; HPG +5,4% lên 31.000 đồng/cổ phiếu; MSN +4,4% lên 110.700 đồng/cổ phiếu; PDR +4,1% lên 50.800 đồng/cổ phiếu; VCB +3,4% lên 79.100 đồng/cổ phiếu; GAS và PNJ đều tăng ,2% lên 128.000 đồng/cổ phiếu.

Kết thúc phiên chiều 16/6, sàn HoSE có 298 mã tăng và 154 mã giảm, VN-Index tăng 22,70 điểm (+1,87%), lên 1.236,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 561,7 triệu đơn vị, giá trị 14.749,2 tỷ đồng, giảm hơn 18% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 39,3 triệu đơn vị, giá trị 932,9 tỷ đồng.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 16/6 - Ảnh 2
Chứng khoán hồi phục sau khi FED tăng lãi suất.

Chốt phiên chiều 16/6, sàn HNX có 113 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index tăng 4,52 điểm (+1,6%), lên 287,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 61,79 triệu đơn vị, giá trị 1.420,67 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4,9 triệu đơn vị, giá trị 81,3 tỷ đồng.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,60 điểm (+0,68%), lên 89,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 48,9 triệu đơn vị, giá trị 1.226,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,69 triệu đơn vị, giá trị 44,8 tỷ đồng.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa có động thái quyết liệt nhất trong nhiều thập kỷ nhằm sớm kiểm soát lạm phát khi nâng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản, mức tăng cao nhất kể từ năm 1994. Việc Fed tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ diễn ra trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ tăng cao. Đây được cho là giải pháp cần thiết mà Chính phủ Mỹ lựa chọn để kiềm chế lạm phát.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) nhận định: Thị trường chứng khoán (TTCK) có thể hồi phục sau thông tin nâng lãi suất từ FED. Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank dự báo: Việc Fed tăng lãi suất ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường trong trung hạn nhưng ngắn hạn có thể đã phản ứng vào tin trước đó rồi nên khả năng không có tác động quá xấu.

Còn ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng: Nhìn tổng thể, kinh tế Việt Nam vẫn đang trong quá trình phục hồi tích cực sau khi kiểm soát thành công làn sóng COVID-19. Các chỉ số về sản xuất công nghiệp (IIP), quản trị mua hàng (PMI), tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu du lịch đều đạt những con số khả quan trong tháng 5/2022. Vì vậy một số chuyên gia kinh tế bày tỏ kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ được cải thiện trong các quý tới. Về phía doanh nghiệp, “chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE ở mức 23% trong năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao và là yếu tố hỗ trợ mạnh cho TTCK trong thời gian tới”, ông Đinh Quang Hinh cho biết.

Bộ Công Thương: Cả nước có 27 mặt hàng xuất khẩu vượt 1 tỷ USD

Thông tin tại phiên họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 16/6, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng 16,7%.

Đáng chú ý, sau 5 tháng, Việt Nam có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn 4 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước.

Ông Hải cho biết thêm, xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn FDI, tăng 21,3% (khu vực FDI kể cả dầu thô tăng 15,1%) cho thấy sự phục hồi trở lại nhanh chóng của khu vực các doanh nghiệp trong nước và nối lại được các chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 16/6 - Ảnh 3
Ảnh minh hoạ.

Tuy vậy, ông nhấn mạnh, các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng, trong đó giá vận tải, kho bãi, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng.

Hơn nữa, một số nhóm hàng do các doanh nghiệp FDI sản xuất (Tập đoàn Samsung và Tập đoàn Electronic) giảm sản lượng sản xuất do nhu cầu thị trường suy giảm, đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng của cả sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong tháng 5.

Cùng đó, các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc để phòng chống dịch đã ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa; chậm trễ trong giao nhận hàng hóa...

Trước thực tế trên, ông Hải khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, đồng thời tiếp tục các giải pháp giao thiệp với phía bạn và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết tình trạng thông quan biên giới bền vững.

“Bộ sẽ rà soát, kiến nghị các giải pháp nhằm giảm các loại thuế, phí hoặc đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng lớn trong trường hợp giá đầu vào của một số mặt hàng,” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin thêm.

Top 10 tỉnh, thành có đóng góp lớn nhất vào quy mô GDP cả nước

Năm 2021, top 10 tỉnh, thành có GRDP cao nhất cả nước là TP. HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An.

Dẫn đầu trong top 10 tỉnh, thành có GRDP cao nhất cả nước là TP. HCM. Cụ thể, kinh tế thành phố chịu hưởng của đại dịch Covid-19, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước đạt khoảng 1.299 nghìn tỷ đồng. Tăng trưởng kinh tế của thành phố giảm 6,78% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm sâu nhất trong lịch sử.

Tính đến hết quý 1/2022, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TP. HCM ước tăng 1,88% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng dương của kinh tế thành phố sau khi giảm sâu ở quý 3 và quý 4/2021. Qua đó cho thấy kinh tế thành phố đang phục hồi nhanh, sớm hơn kỳ vọng.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, kinh tế TP. HCM tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.

Ngay sau TP. HCM, Hà Nội là thành phố có GRDP cao nhất cả nước, đạt khoảng 1045,67 nghìn tỷ đồng. Tính chung cả năm 2021, GRDP của thành phố ước tăng 2,92%, thấp hơn kế hoạch năm 2021 (7,5%) và thấp hơn mức tăng trưởng năm 2020 (4,18%), chủ yếu do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhất là trong quý 3 khi hầu hết các ngành, lĩnh vực bị suy giảm mạnh.

Sang quý 1/2022, GRDP của Hà Nội tăng 5,83% so với cùng kỳ năm trước, gấp 1,16 lần cả nước (5,03%), là một trong những dấu hiệu khôi phục tăng trưởng rõ nhất.

Theo Cục Thống kê TP. Hà Nội, nhờ thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh, các ngành dịch vụ, du lịch đã tăng trưởng trở lại trong 5 tháng đầu năm 2022, kinh tế tiếp tục tăng trưởng tạo đà tăng trưởng cho các tháng tiếp theo.

Phục hồi tăng trưởng của kinh tế Hà Nội quý 2/2022 dự kiến sẽ tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ. Đặc biệt là khu vực dịch vụ, du lịch, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… trong quý 2/2022 sẽ tiến triển rõ rệt.

Bình Dương là tỉnh có GRDP xếp thứ 3 trong danh sách top 10 tỉnh, thành có GRDP cao nhất cả nước năm 2021. Cụ thể, GRDP của tỉnh đạt khoảng 408,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,62% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức tăng trưởng tích cực nhất trong tứ giác kinh tế phía Nam gồm Đồng Nai, TP. HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng trong 5 tháng đầu năm 2022. Tính chung cả 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao so với cùng kỳ.

Đặc biệt, tính đến 15/5/2022, tỉnh đã thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) được 151 triệu USD, lũy kế 5 tháng đã thu hút được 2,5 tỷ USD, vươn lên đứng đầu cả nước về thu hút FDI.

Xếp ở vị trí thứ 4 và thứ 5 trong danh sách tỉnh, thành có GRDP cao nhất cả nước năm 2021 là Đồng Nai và Bà Rịa -Vũng Tàu. Đồng Nai trong năm 2021 có GRDP đạt khoảng 374,48 nghìn tỷ đồng, tăng 2,15% so với năm 2020. Bên cạnh đó, Bà Rịa – Vũng Tàu có GRDP đạt khoảng 330,75 nghìn tỷ đồng.

Xét về tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước năm 2021, TP. HCM đóng góp cao nhất, khoảng 15,9%. Theo UNBD TP. HCM, những năm trước khi đại dịch xảy ra, TP. HCM có đóng góp vào khoảng 23% GDP của cả nước.

Tuy nhiên, trong năm 2021, do do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, tỷ lệ đóng góp của kinh tế TP. HCM vào GDP cả nước bị giảm đi rõ rệt. Năm 2020, TP. HCM đóng góp khoảng 22% GDP cả nước, đến năm 2021 con số này giảm còn khoảng 15,9%.

Cùng với đó, Hà Nội xếp thứ hai, đóng góp khoảng 12,8%, Bình Dương đóng góp khoảng 5%, Đồng Nai đóng góp khoảng 4,58%, Bà Rịa -Vũng Tàu đóng góp khoảng 4,05%.

Top 10 tỉnh, thành có GRDP lớn nhất cả nước đóng góp khoảng 55,97% vào GDP của cả nước. 53 tỉnh, thành còn lại đóng góp khoảng 44,03% vào GDP cả nước.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 16/6. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới