Chủ nhật, 24/11/2024 05:26 (GMT+7)
Thứ tư, 21/12/2022 17:55 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 21/12

Theo dõi KTMT trên

Xăng, dầu giảm giá lần thứ tư liên tiếp, E5RON92 xuống dưới 20.000 đồng/lít; Australia đầu tư 5 tỷ USD xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo...là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 21/12.

Xăng, dầu giảm giá lần thứ tư liên tiếp, E5RON92 xuống dưới 20.000 đồng/lít

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21/12, Liên Bộ Công Thương - Tài chính trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) đối với xăng E5RON92 và RON95 lần lượt ở mức 300 đồng/lít và 400 đồng/lít. Trong khi dầu hỏa và dầu mazut cùng được trích lập ở mức 500 đồng thì mức trích lập với dầu diesel là 800 đồng/lít.

Với mức trích lập này, xăng E5RON92 được điều chỉnh giảm 370 đồng/lít về mức 19.970 đồng/lít; xăng girm gàn 500 đồng/lít xuống 20.700 đồng/lít. Dầu hỏa và diesel lần lượt có mức giả, 65 đồng và 69 đồng/lít xuống còn 21.800 đồng và 21.600 đồng/lít. Trong khi đó, dầu mazut giảm 150 đồng/kg về mức 12.800 đồng/kg.

Theo cơ quan điều hành, trong lần điều chỉnh này, mặc dù giá thế giới của mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa tăng nhưng do tỷ giá USD/VND của ngân hàng Vietcombank (mức tỷ giá dùng để tính giá cơ sở xăng dầu) giảm nên giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu đều giảm.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 21/12 - Ảnh 1

Thị trường xăng dầu thế giới từ ngày 12-21/12 chịu tác động bởi chỉ số lạm phát của Mỹ đang chậm lại; Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; Cơ quan Năng lượng quốc tế nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của toàn cầu trong năm nay và năm sau; khả năng các ngân hàng trung ương Châu Âu tiếp tục tăng lãi suất gây lo ngại về nguy cơ suy thoái…Các yếu tố trên đã tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng nhẹ đối với dầu diesel và dầu hỏa và giảm nhẹ đối với xăng và dầu mazut.

Đây là lần thứ tư liên tiếp giá xăng dầu được điều chỉnh giảm. Trong kỳ điều hành gần nhất ngày 12/12 vừa qua, giá xăng E5 RON 92 giảm hơn 1.300 đồng/lít còn 20.340 đồng/lít, xăng RON 95-III hạ hơn 1.500 đồng/lít, về mức 21.200 đồng/lít. Các loại dầu cũng được điều chỉnh giảm mạnh.

Australia đầu tư 5 tỷ USD xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo

Chính phủ Australia ngày 21/12, cam kết đầu tư 4,7 tỷ AUD (3 tỷ USD) để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo ở bang New South Wales (NSW), hướng tới mục tiêu tạo ra nhiều hơn nữa nguồn cung, giúp giảm giá năng lượng nội địa, trong khi vẫn đảm bảo mục tiêu xuất khẩu.

Đây là một phần của thỏa thuận năng lượng quốc gia mà chính phủ liên bang và các chính quyền địa phương đã thống nhất ký kết sau cuộc họp Nội các ngày 9/12.

Cụ thể, khoản ngân sách quốc gia này sẽ được dùng để xây dựng các đường dây truyền tải điện, giúp đưa điện năng sẽ được tạo ra từ năm 2030, từ các khu khai thác năng lượng tái tạo đang được hình thành, vào mạng lưới điện chung của bang NSW. Bên cạnh đó, mạng lưới truyền tải cũng được mở rộng để kết nối điện năng từ nhà máy thủy điện mới Snowy 2.0 vào lưới điện của địa phương.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 21/12 - Ảnh 2

Australia đầu tư 5 tỷ USD xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết mạng lưới điện quốc gia cần được củng cố và cấu hình lại. Ông khẳng định Canberra sẽ phối hợp chặt chẽ với các chính quyền tiểu bang và các vùng lãnh thổ để đảm bảo các hộ gia đình và doanh nghiệp có thể “chống chịu” lại những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới.

Hơn nữa, nhà lãnh đạo Australia tin rằng việc tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng năng lượng, về mặt dài hạn, sẽ giúp nền kinh tế Australia có thể nắm bắt tốt hơn các cơ hội, trở thành cường quốc về năng lượng tái tạo trên thế giới.

Cùng với khoản tài trợ của Canberra, kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở lưới điện của NSW cũng nhận được 3,1 tỷ AUD (1,98 tỷ USD) từ nguồn ngân sách của địa phương. Trong thông cáo chung với Thủ tướng Albanese, Thủ hiến bang NSW Dominic Perrottet cho biết số tiền 7,8 tỷ AUD (5 tỷ USD) sẽ được giải ngân thông qua hình thức hỗ trợ cho khoản đầu tư tư nhân, dự kiến trị giá 32 tỷ AUD (20,48 tỷ USD), cho kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng khu vực vào năm 2030.

Ông nhấn mạnh việc chú trọng đầu tư vào các ngành công nghiệp tương lai sẽ thúc đẩy tạo ra thêm nhiều việc làm mới và mang lại nguồn thu cho địa phương trong tương lai.

Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực năng lượng của NSW Matt Kean cho biết 3.900 việc làm mới sẽ được tạo ra trên toàn tiểu bang, đồng thời mở ra nguồn năng lượng sạch hơn, rẻ hơn và an toàn hơn.

Thông báo được đưa ra trong bối cảnh chính phủ của Thủ tướng Albanese đang xem xét ban hành luật năng lượng mới, bao gồm thiết lập mức trần đối với giá khí đốt ở ngưỡng 12 AUD/gigajoule (7,68 AUD) và ban hành một bộ quy tắc ứng xử bắt buộc đối với thị trường khí đốt, triển khai chương trình hỗ trợ một phần tiền điện cho những người được hưởng tiền trợ cấp phúc lợi.

Thị trường ảm đạm, khối ngoại chi nghìn tỷ gom cổ phiếu ngân hàng

Phải đến phiên giao dịch buổi chiều, khi thanh khoản tăng nhanh, giao dịch khối ngoại gia tăng, sự ảm đạm trên thị trường mới vơi bớt. Trước đó, trong phiên sáng, thanh khoản thị trường sụt giảm hơn 50% so với hôm qua.

Nhóm vốn hóa lớn tiếp tục chiếm vai trò chi phối trên thị trường. Trên nền thanh khoản thấp, chỉ cần biến động ở một số cổ phiếu lớn cũng lập tức tạo tác động lên chỉ số. Cuối phiên, VN30-Index hồi phục, tăng hơn 3 điểm, kéo VN-Index thu hẹp đà giảm, đóng cửa chỉ còn giảm 4 điểm.

Dẫn đầu đà tăng trong nhóm VN30 là VPB, VNM, STB, VHM, SAB, MSN, ACB, STB... Đây đồng thời là nhóm dẫn dắt thị trường. Cổ phiếu ngân hàng neo giữ chỉ số, nhờ diễn biến tích cực của STB, VPB, LPB, ACB, EIB, HDB, MBB.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 21/12 - Ảnh 3
Thị trường ảm đạm, khối ngoại chi nghìn tỷ gom cổ phiếu ngân hàng.

EIB gây bất ngờ hút dòng tiền khối ngoại, là mã được mua ròng mạnh nhất hôm nay, giá trị lên tới 1.257 tỷ đồng. Sự xuất hiện của dòng vốn ngoại “nuốt” 3,5% room ngoại của EIB. Sau giao dịch đột biến hôm nay, room ngoại tại EIB chỉ còn 2,87%. Hiệu ứng thanh khoản đột biến cũng kéo EIB từ giá đỏ, đóng cửa bật tăng hơn 1%. Tổng cộng, EIB sang tay hơn 83,5 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 2.337 tỷ đồng.

Trong khi nhóm ngân hàng nỗ lực neo giữ chỉ số thì cổ phiếu bất động sản tiếp tục ngụp lặn, làm khó thị trường chung. NVL, PDR cùng nhau giảm sàn. LDG, DIG, ITA, DRH, HPX, QCG, GEX, CEO, L14... giảm kịch sàn. Cổ phiếu thị trường lao dốc, ngược lại các mã vốn hóa lớn VRE, VHM tìm lại sắc xanh.

Nhóm chứng khoán cũng có nhiều mã giảm sàn: FTS, VIX, APS. UBCKNN vừa công bố quyết định xử phạt một công ty chứng khoán, là CTCP Chứng khoán Việt Thành (VTSC) do mua cổ phiếu CII và VPB quá giới hạn quy định.

Cụ thể, VTSS bị phạt tiền 125 triệu do vi phạm quy định về hạn chế đầu tư của công ty chứng khoán. Công ty đã đầu tư quá 15% vốn chủ sở hữu vào một cổ phiếu niêm yết. Tại thời điểm 31/12/2021, công ty đầu tư 19,69% vốn chủ sở hữu vào cổ phiếu CII. Tại thời điểm 31/3/2022, công ty đầu tư 28,21% vốn chủ sở hữu vào cổ phiếu CII và 16,09% vốn chủ sở hữu vào cổ phiếu VPB. Tại thời điểm 30/06/2022, Công ty đầu tư 33.61% vốn chủ sở hữu vào cổ phiếu CII.

Bên cạnh đó, công ty còn bị phạt tiền 150 triệu đồng do báo cáo có nội dung sai lệch về tỷ lệ an toàn tài chính. Tại thời điểm 31/12/2021 và 31/3/2022, công ty không tính giá trị rủi ro thị trường tăng thêm khi tính tỷ lệ an toàn tài chính đối với khoản đầu tư vào cổ phiếu CII, VPB từ trên mức 10% vốn chủ sở hữu Công ty. Ngoài phạt tiền, UBCKNN còn buộc Chứng khoán Việt Thành khắc phục, báo cáo thông tin chính xác đối với nội dung sai lệch.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,25 điểm (0,42%) xuống 1.018,88 điểm. HNX-Index giảm 3,07 điểm (1,48%) xuống 204,46 điểm. UPCoM-Index giảm 0,33 điểm (0,46%) xuống 70,7 điểm. Thanh khoản sụt giảm đáng kể, trên HoSE, giá trị khớp lệnh chỉ hơn 11.000 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng 1.695 tỷ đồng trên HoSE, và chiếm 1.257 tỷ đồng giá trị mua ròng EIB.

ADB ký gói tài trợ dự án trị giá 107 triệu USD với Công ty cổ phần Điện gió BIM

Ngày 21/12, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã ký gói tài trợ dự án trị giá 107 triệu USD với Công ty cổ phần Điện gió BIM (Điện gió BIM) để hỗ trợ vận hành một trang trại điện gió công suất 88 mê-ga-oát (MW) ở tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam.

Nhà máy điện này sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về năng lượng sạch và hành động khí hậu với việc bù trừ khoảng 215.000 tấn carbon dioxide mỗi năm.

Gói tài trợ dự án sáng tạo trị giá 107 triệu USD do ADB thu xếp với vai trò Bên chủ trì thu xếp và bảo lãnh chính thức, bao gồm 25 triệu USD từ quỹ nguồn vốn thông thường của ADB, 25 triệu USD từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, 13 triệu USD từ Công ty TNHH Tập đoàn Tín chấp Hồng Kông (Hong Kong Mortgage Corporation Limited), 17 triệu USD từ Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui; 18 triệu USD từ Ngân hàng ING; và 9 triệu USD từ Ngân hàng Cathay United.

Ông Jackie B. Surtani, Trưởng Ban Tài chính Cơ sở hạ tầng Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương thuộc Vụ Nghiệp vụ Khu vực tư nhân của ADB nhận định: “Nhu cầu năng lượng tại Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng ngay cả trong đại dịch, và điều hết sức quan trọng là cần đáp ứng nhu cầu này bằng nguồn năng lượng sạch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Dự án này là bước đi quan trọng góp phần nâng cao khả năng chống chịu và công cuộc phục hồi đang diễn ra của Việt Nam nhờ việc mở rộng hơn nữa nguồn năng lượng tái tạo của quốc gia và đóng góp cho các mục tiêu phát thải ròng bằng không”.

ADB cũng sẽ quản lý một khoản viện trợ trị giá 5 triệu USD từ Quỹ Phát triển và Đổi mới Khí hậu do Ngân hàng Goldman Sachs và tổ chức từ thiện Bloomberg Philanthropies tài trợ. Khoản viện trợ này sẽ được sử dụng cho các sáng kiến liên quan tới các biện pháp bảo đảm an toàn môi trường và xã hội, như giảm tác động của bóng tối đối với các cư dân tại khu vực dự án và bảo tồn môi trường sống hoang dã.

Giám đốc điều hành của Công ty cổ phần Điện gió BIM, ông Đoàn Quốc Huy, chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự được nhận tài trợ từ một tổ chức tài chính phát triển hàng đầu ở Châu Á cũng như các ngân hàng thương mại quốc tế. Chúng tôi đã rất nỗ lực làm việc cùng với ADB và các bên cho vay khác để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt trong vấn đề môi trường, xã hội và quản trị. Thành công của giao dịch này giúp hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp. Chúng tôi tiếp tục theo đuổi sứ mệnh hướng tới phát triển bền vững năng lượng sạch ở Việt Nam”.

Điện gió BIM thuộc sở hữu của Tổng Công ty ACEN (thông qua công ty con là Công ty TNHH Đầu tư ACEN) và Tập đoàn BIM (thông qua công ty con là Công ty Cổ phần Tập đoàn Năng lượng BIM - viết tắt là BIMEH). ACEN và Tập đoàn BIM đã và đang phát triển các dự án năng lượng tái tạo từ năm 2019. ACEN sở hữu 3.700MW công suất năng lượng đang được vận hành và xây dựng tại Australia, Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Việt Nam, với tỉ trọng năng lượng tái tạo chiếm 93%, thuộc nhóm cao nhất trong khu vực.

ACEN là một công ty con của Tập đoàn Ayala, một trong những tập đoàn lớn nhất và đa dạng nhất tại Philippines. Tập đoàn BIM là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất tại Việt Nam với bề dày lịch sử hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, khách sạn, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, năng lượng tái tạo và dịch vụ khách hàng. BIMEH nằm trong số 5 nhà sản xuất năng lượng tái tạo hàng đầu ở Việt Nam, với tổng công suất vận hành gần 800MW.

ADB cam kết đạt tới một khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 21/12. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới