Chủ nhật, 24/11/2024 08:28 (GMT+7)
    Thứ hai, 21/03/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 21/3

    Theo dõi KTMT trên

    Giá xăng giảm hơn 600 đồng, dầu giảm gần 2.000 đồng; Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng được kéo mạnh cuối phiên...là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 21/3/2022.

    Giá xăng giảm hơn 600 đồng, dầu giảm gần 2.000 đồng

    Từ chiều 21/3, liên Bộ Công thương - Tài chính đã giảm giá xăng, dầu, sau khi tăng 7 kỳ liên tiếp kể từ đầu tháng 12/2021.

    Theo đó, giá xăng RON 95 giảm 630 đồng/lít, xăng E5 RON 92 giảm 650 đồng/lít so với giá bán hiện hành.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 21/3 - Ảnh 1
    Giá xăng dầu giảm sau 7 lần tăng liên tiếp.

    Sau khi điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng RON 95 không cao hơn 29.190 đồng/lít; Xăng E5 RON 92 không cao hơn 28.330 đồng/lít.

    Giá dầu cũng đồng loạt giảm sâu trong kỳ điều chỉnh hôm nay. Cụ thể, giá dầu diesel giảm 1.630 đồng/lít, xuống mức 23.630 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 1.670 đồng/lít xuống mức 22.240 đồng/lít.

    Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng được kéo mạnh cuối phiên

    Đóng cửa phiên giao dịch 21/3, VNIndex tăng 25,85 điểm (1,46%) lên 1.494 điểm. Trong đó, cổ phiếu bảo hiểm và bất động sản là tâm điểm với nhiều mã tăng kịch trần.

    Cổ phiếu ngân hàng buổi sáng khá ảm đạm nhưng cuối phiên cũng đã được kéo mạnh. 14 mã tăng hôm nay, trong khi 5 mã đứng giá tham chiếu và 8 mã giảm giá.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 21/3 - Ảnh 2
    Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng được kéo mạnh cuối phiên.

    HDB tăng mạnh nhất trong nhóm ngân hàng với mức tăng 2,5%, giá đóng cửa ở mức 28.300 đồng/cp. Cổ phiếu này tăng loanh quanh dưới mức 1% trong hầu hết thời gian giao dịch của phiên nhưng bất ngờ bật tăng mạnh trên 2,5% trong 15 phút cuối cùng.

    Các cổ phiếu tăng mạnh tiếp theo là SHB (2,3%), VPB (1,5%), VIB (1,1%),…Những mã này đều được kéo mạnh trong những phút giao dịch cuối cùng ngày hôm nay, giá đóng cửa cũng là mức giá cao nhất trong phiên.

    Ở chiều ngược lại 8 mã ngân hàng chìm trong sắc đỏ, NVB giảm mạnh nhất 3,6%, SHB giảm 1,1%, và các mã khác giảm dưới 1%. KLB có lúc giảm tới 5,6% nhưng về cuối phiên phục hồi, chỉ còn giảm 0,5%.

    Khối ngoại tiếp tục mua ròng một số mã ngân hàng như STB (hơn 3,5 triệu cp), SHB (hơn 1,8 triệu cp), VCB (hơn 400.000 cp),…Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài không bán ròng cổ phiếu ngân hàng nào trên 200.000 cp trong hôm nay.

    Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô điện chạy bằng pin

    Tổng cục Hải quan vừa có Công văn số 859/TCHQ-TXNK gửi các Cục Hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn về khai báo thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô điện chạy bằng pin nhằm đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

    Theo Tổng cục Hải quan, ngày 11/1/2022, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật thi hành án dân sự số 03/2022/QH15 (có hiệu lực từ ngày 1/3/2022).

    Theo đó, Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung số 03/2022/QH15 đã bổ sung nhóm hàng “xe ô tô điện chạy bằng pin” thuộc điểm g khoản 4 Mục I Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Điều 7 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và các mức thuế tiêu thụ đặc biệt tương ứng.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 21/3 - Ảnh 3

    Trên cơ sở các quy định trên, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt theo đúng Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung số 03/2022/QH15 của Quốc hội kể từ ngày 1/3/2022.

    Cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân có liên quan về nội dung thuế tiêu thụ đặc biệt tại Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung số 03/2022/QH15 của Quốc hội.

    Ngoài các nội dung trên, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn người khai hải quan chọn đúng mã TB235, TB245, TB255, TB265 để khai báo thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô điện chạy bằng pin từ ngày 1/3/2022.

    Xuất khẩu tôm dự báo tăng trưởng 40% trong tháng 3/2022

    Theo VASEP, XK tôm trong tháng 2/2022 đạt 244,8 triệu USD, tăng 55% so với tháng 2/2021, tính chung, 2 tháng đầu năm nay, XK tôm đạt gần 558 triệu USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. XK tôm 2 tháng đầu năm nay có sự tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ các năm trước đó. Đáng chú ý, XK tôm Việt Nam 2 tháng đầu năm nay tăng trưởng tốt ở tất cả các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh... trừ thị trường Nga do bị gián đoạn trước tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

    2 tháng đầu năm nay, XK tôm sang Mỹ đạt 117,5 triệu USD, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Mỹ mở cửa trở lại hậu Covid-19, nhu cầu nhập khẩu thủy sản trong đó có tôm tiếp tục tăng cao. Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn thứ 4 trên thị trường Mỹ sau Ấn Độ, Ecuador và Indonesia.

    Sau khi giảm mạnh 22% trong năm 2021, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc đã có tín hiệu phục hồi tăng trưởng tốt trong 2 tháng đầu năm nay với kim ngạch đạt 39,7 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

    VASEP dự báo, XK tôm tiếp tục tăng trưởng khoảng 40% trong tháng 3/2022 nhờ nhu cầu thị trường đang mạnh. XK tôm cả năm dự kiến đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2021.

    Tuy nhiên, giá xăng, dầu tăng cao kỷ lục trong thời gian qua, khiến phí vận tải tăng, ảnh hưởng nhiều tới chi phí sản xuất và lợi nhuận của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn như chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, phí vận chuyển quốc tế tiếp tục tăng, làm tăng giá thành sản phẩm và giảm sức cạnh tranh so với các nước đối thủ như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia... Cuộc xung đột Nga - Ukraine ít nhiều cũng tác động đến việc XK tôm sang Nga và Ukraine dù 2 thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng XK tôm Việt Nam.

    Tổ chức Hội nghị Chủ tịch lần thứ 36 Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN

    Hội nghị Chủ tịch lần thứ 36 Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN (ACMF) vừa được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Viện Tài chính Bền vững châu Á (SFIA).

    Ông Sou Socheat - Tổng Vụ trưởng Cơ quan Quản lý Chứng khoán và Giao dịch Campuchia (SERC) chủ trì hội nghị. Ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tham dự Hội nghị tại điểm cầu của Việt Nam.

    Hội nghị Chủ tịch lần thứ 36 Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN được tổ chức nhằm kiểm điểm tiến độ triển khai các sáng kiến hội nhập thị trường vốn ASEAN, thảo luận kế hoạch cũng như các biện pháp thực hiện trong thời gian tới với mục tiêu tái khẳng định cam kết phát triển bền vững, trong khi vẫn đảm bảo các thành quả của phát triển thị trường vốn sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các nước thành viên ASEAN và hỗ trợ quá trình hồi phục sau COVID-19.

    Hội nghị đã ghi nhận phản hồi tích cực của các bên liên quan đối với việc công bố Phiên bản lần thứ nhất Bộ Phân loại cho Tài chính Bền vững ASEAN (ASEAN Taxonomy) vào ngày 10/11/2021 của Hội đồng Phân loại cho Tài chính Bền vững ASEAN (ASEAN Taxonomy Board – ATB). Bộ Phân loại cho Tài chính Bền vững ASEAN cung cấp một hướng dẫn tổng thể, toàn diện và đáng tin cậy để xác định và phân loại các dự án và các hoạt động kinh tế bền vững trong khu vực ASEAN, với mục tiêu trở thành một trong những nền tảng quan trọng trong việc thu hút đầu tư và dòng tài chính vào các dự án bền vững trong khu vực. Trong thời gian tới, ATB sẽ thực hiện tham vấn các bên liên quan trong khu vực công và khu vực tư nhân để tiếp tục phát triển phiên bản tiếp theo của ASEAN Taxonomy.

    Hội nghị cũng hoan nghênh các hoạt động xây dựng năng lực trong khuôn khổ Chương trình Phát triển Thị trường Vốn ASEAN (A-MDP) do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Cơ quan Quản lý Chứng khoán và Giao dịch Campuchia (SERC) đồng chủ trì với kết quả nổi bật là chương trình đào tạo về tài chính bền vững cho các cán bộ cấp cao của ACMF. Đây là một phần trong kế hoạch đào tạo của ACMF hợp tác với Tổ chức Chương trình về Hệ thống Tài chính Quốc tế (PIFS) của Đại học Luật Harvard. Thời gian tới, PIFS sẽ tiếp tục thực hiện đào tạo cho ACMF về công nghệ tài chính (fintech) và tiền ảo (crypto).

    Hội nghị đã xem xét, đánh giá những tiến độ đã đạt được trong việc xây dựng một Trung tâm Thông tin về Tài chính Bền vững trên trang điện tử ACMF, cũng như xây dựng Thư viện số về Quỹ Đầu tư Tập thể ASEAN (ASEAN CIS) làm nền tảng cho việc quảng bá và công bố về các đợt chào bán chứng chỉ quỹ qua biên giới trong khu vực ASEAN.

    Hội nghị cũng đã nghe báo cáo thông tin cập nhật về tiến độ đánh giá Thẻ điểm quản trị Công ty ASEAN, thống nhất sẽ hoàn thành việc đánh giá và trao giải cho các công ty niêm yết của các nước ASEAN vào tháng 9/2022.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 21/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới