Chủ nhật, 24/11/2024 10:32 (GMT+7)
    Thứ hai, 27/06/2022 17:55 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 27/6

    Theo dõi KTMT trên

    Thanh khoản cải thiện, VN Index 'nhẹ nhàng' vuợt mốc 1.200 điểm;  6 tháng đầu năm, doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 27/6/2022.

    Thanh khoản cải thiện, VN Index 'nhẹ nhàng' vuợt mốc 1.200 điểm

    Điểm khác biệt trong phiên hôm nay là lực cầu được đẩy vào khá “dứt khoát” ngay từ những phút đầu tiên. Ở phía ngược lại, bên nắm giữ không “vội vã” bán ra sau khi nhận thấy sự tích cực của dòng tiền.

    VN Index cũng được kéo xanh trong toàn bộ thời gian nhờ yếu tố tâm lý lạc quan này. Đà tăng càng về chiều càng được gia tốc mạnh hơn, giúp VN Index chinh phục mốc 1.200 điểm ngay trước đợt khớp lệnh ATC với số điểm tăng 15 điểm.

    Việc VN Index tái lập mốc điểm số quan trọng này cũng chính là động lực cho những NĐT còn đang “chần chừ” đi đến quyết định mua vào trong đợt ATC. Nhờ vậy, VN Index chốt phiên tăng hơn 17 điểm, tương đương 1,46%, lên 1.202,82 điểm.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 27/6 - Ảnh 1
    Thanh khoản cải thiện, VN Index 'nhẹ nhàng' vuợt mốc 1.200 điểm.

    Toàn sàn HoSE có 340 mã tăng (37 mã tăng trần), 58 mã đứng giá và 116 mã giảm (13 mã giảm sàn).

    Sắc xanh cũng chiếm vị thế chủ đạo ở rổ VN30 với 26 mã tăng và 4 mã giảm là VCB, VIC, VNM và MWG. Phía ngược lại, những mã đóng góp tích cực nhất cho VN30 gồm: MSN, HPG, NVL, POW, PNJ, SSI, VJC, VRE, VPB.

    Thanh khoản dù chưa quay trở lại với mức trung bình tháng nhưng vẫn ghi nhận được mức tăng khoảng 20% so với 2 phiên cuối tuần trước. Cụ thể, giá trị giao dịch trong phiên hôm nay đạt 12.315 tỷ đồng, tương đương 527 triệu CP được chuyển nhượng thành công.

    Sức nóng của HoSE cũng lan tỏa sang 2 sàn còn lại, giúp 2 chỉ số CK kết phiên trong sắc xanh. Chốt phiên, HNX Index tăng 4,5 điểm lên 280,42 điểm, trong khi UPCoM Index tăng 1,04 điểm lên 88,14 điểm.

    Hà Nội: Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững

    Ngày 27/6, UBND TP.Hà Nội ban hành Kế hoạch số 174/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

    Kế hoạch yêu cầu quán triệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ. Hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả giữa các ngành, lĩnh vực; phát triển dựa trên công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, đột phá về năng lực cạnh tranh và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế Thủ đô.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 27/6 - Ảnh 2
    Hà Nội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững.

    Mục tiêu của TP là tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng; phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tái cơ cấu, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững.

    Các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 của TP Hà Nội: Tăng trưởng GRDP: 7,5-8,0%.

    Cơ cấu ngành kinh tế: Dịch vụ: 65-65,5%; Thuế sản phẩm trừ nợ cấp sản phẩm: 10,4-10,6%; Công nghiệp – Xây dựng: 22,5-23%; Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản: 1,4-1,6%.

    Tốc độ tăng năng suất lao động từ 7-7,5%.

    Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt khoảng 30%.

    Doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 50%.

    Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: trên 70%.

    Giảm tối thiểu 20% đầu mối tổ chức bên trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015.

    Tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng: <3%.

    Số lượng hợp tác được thành lập và hoạt động: khoảng 2.500 hợp tác xã.

    Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, TP Hà Nội tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập. Phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực.

    Trong đó, chú trọng phát triển mạnh thị trường dịch vụ. Phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa. Ưu tiên phát triển du lịch văn hóa, làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đối với những địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi như Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Phú Xuyên… Thúc đẩy triển khai các công trình, dự án hạ tầng phát triển du lịch; hình thành một số cụm du lịch trọng điểm, giữ vững vai trò là một trong những trung tâm du lịch, nguồn phân phối du khách lớn của khu vực phía Bắc.

    Phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi giá trị; hỗ trợ ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng, áp dụng các giải pháp công nghệ số…

    Trong phát triển thị trường khoa học công nghệ, TP thúc đẩy chuyển giao công nghệ; nhập khẩu, giải mã các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, ưu tiên công nghệ từ các nước phát triển, có tiềm năng tác động lớn và lan tỏa, trước hết cả đôi với một số lĩnh vực công nghiệp/ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

    Bên cạnh đó, TP Hà Nội chú trọng phát triển lực lượng doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Trong đó, tập trung phát triển lực lượng doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân, thúc dẩy chuyển đổi số, liên doanh, liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh.

    TP tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế.

    UBND TP giao Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương tổ chức thực hiện Kế hoạch này, triển khai ngay các giải pháp, nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách để hoàn thành các chỉ tiêu và các nhiệm vụ đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ đề ra.

    Từ 1/8: Chính thức vận hành hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới

    Theo Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31-5-2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chính thức có hiệu lực thi hành.

    Thời điểm này, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới (hệ thống e-GP) cũng vận hành chính thức. Hệ thống e-GP có nhiều điểm thay đổi, đột phá, chạy được trên nhiều trình duyệt và đáp ứng mục tiêu quản lý thống nhất thông tin về đấu thầu cũng như thực hiện đấu thầu qua mạng, trên cơ sở đảm bảo an toàn, cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

    Để hoạt động đấu thầu, mua sắm công không bị gián đoạn sau mốc thời gian quan trọng này, từ ngày 1-7, hệ thống mới yêu cầu các bên mời thầu, nhà thầu, cơ sở đào tạo chính thức thực hiện chuyển đổi tài khoản của mình từ hệ thống hiện tại sang hệ thống mới.

    Công tác chuyển đổi dự kiến diễn ra trong vòng 1 tháng, hướng tới việc đảm bảo chuẩn hóa, cập nhật, làm sạch thông tin tài khoản, gộp các tài khoản trùng lặp trên hệ thống hiện tại.

    Sau giai đoạn 1-8 trở đi, các bên mời thầu, nhà thầu đã đăng ký nhưng chưa được phê duyệt trên hệ thống hiện tại sẽ phải thực hiện đăng ký lại trên hệ thống mới để được kiểm tra hồ sơ đăng ký và phê duyệt.

    Việc chuyển đổi tài khoản sẽ dành cho 3 nhóm đối tượng chính, là bên mời thầu, cần chuyển đổi thông tin tài khoản, thông tin đấu thầu và thông tin về lựa chọn nhà đầu tư; Nhà thầu, thực hiện chuyển đổi thông tin về tài khoản, thông tin các khoản nợ chi phí nhà thầu, thông tin về hồ sơ năng lực kinh nghiệm; Các cơ sở đào tạo, cần chuyển đổi cơ sở đào tạo và danh sách học viên của cơ sở đào tạo sang hệ thống mới.

    Được thiết kế, phát triển với 11 phân hệ thành phần, hệ thống mới hướng tới quản lý xuyên suốt quá trình mua sắm công, đấu thầu điện tử từ cập nhật thông tin dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu/nhà đầu tư, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), mở thầu, đánh giá xếp hạng nhà thầu, công khai kết quả đấu thầu đến việc thương thảo, ký kết hợp đồng trực tuyến, theo dõi quản lý quá trình thực hiện hợp đồng và kết nối với Kho bạc Nhà nước để nhận và quản lý kết quả thực hiện giải ngân.

    6 tháng đầu năm, doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục

    Thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm ghi nhận 116.900 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 76.233 doanh nghiệp, mức kỷ lục hiện nay.

    Theo đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2022 là 76.233 doanh nghiệp, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021.

    Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 6 tháng đầu năm vượt mốc 70.000 doanh nghiệp và cũng là mức kỷ lục trong giai đoạn này.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 27/6 - Ảnh 3
    6 tháng đầu năm, doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục.

    Về số vốn, dù có giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2021, với giá trị 882.122 tỷ đồng, nhưng vẫn gấp 1,2 lần so với trung bình giai đoạn 2017-2021 (749.019 tỷ đồng.

    Hà Nội và Tp.HCM tiếp tục ghi nhận sự gia tăng đáng kể của số doanh nghiệp thành lập mới. Hà Nội có 14.628 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2021; Tp.HCM có 22.469 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021.

    Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 là 40.667 doanh nghiệp, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,9 lần so với trung bình giai đoạn 2017-2021 (20.949 doanh nghiệp).

    Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm 2022 là: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (15.381 doanh nghiệp, chiếm 37,8%); Xây dựng (5.015 doanh nghiệp, chiếm 12,3%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (4.493 doanh nghiệp, chiếm 11,0%).

    Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 17/17 lĩnh vực, mức tăng cao nhất ghi nhận ở một số lĩnh vực sau: Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (652 doanh nghiệp, tăng 222,8%); Hoạt động dịch vụ khác (1.124 doanh nghiệp, tăng 202,2%); Kinh doanh bất động sản (1.409 doanh nghiệp, tăng 69,6%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (15.381 doanh nghiệp, tăng 68,2%); Giáo dục và đào tạo (977 doanh nghiệp, tăng 67,6%) và Dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.362 doanh nghiệp, tăng 63,5%)..

    Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022, ghi nhận tới 83.570 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,0% so với cùng kỳ năm 2021 (thấp hơn mức tăng 24,9% của 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020).

    Trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (50.909 doanh nghiệp, chiếm 60,9%).

    Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (18.417 doanh nghiệp, chiếm 36,2%); Xây dựng (7.206 doanh nghiệp, chiếm 14,2%) và Công nghiệp chế biến, chế tạo (5.948 doanh nghiệp, chiếm 11,7%).

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 27/6. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới