Chủ nhật, 24/11/2024 09:54 (GMT+7)
Thứ tư, 28/09/2022 17:55 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/9

Theo dõi KTMT trên

Giá USD vọt lên mức cao nhất 20 năm; Giá vàng lùi về mức thấp kỷ lục 2 năm rưỡi trong phiên 28/9 tại châu Á... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 28/9.

Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 có thể đạt mức 7,2%

Trong báo cáo vừa phát hành, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 7,2%, trên cơ sở nhu cầu quốc nội phục hồi mạnh mẽ cùng với hoạt động chế biến chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn tiếp tục phát triển vững chắc.

WB cho rằng, dù vẫn chưa phục hồi hoàn toàn nhưng nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Trong ngắn hạn, các nhà hoạch định chính sách vẫn phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là hài hòa giữ nhu cầu duy trì chính sách hỗ trợ để củng cố sự phục hồi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu, sức ép lạm phát tăng cao và các rủi ro khác.

Về trung và dài hạn, mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào tốc độ chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang mô hình dựa trên tăng năng suất đi đôi với sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn sản xuất, vốn tự nhiên, con người. Quá trình này đòi hỏi năng lực thể chế phải được tăng cường để phê duyệt và thực hiện các cải cách cơ cấu nhằm xây dựng một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh và phục hồi cao hơn.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/9 - Ảnh 1
Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 có thể đạt mức 7,2%.

Bao cáo của WB khẳng định, nền kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ sau dịch COVID-19. Sự phục hồi này chủ yếu dựa trên khởi sắc của ngành xuất khẩu và gần đây là sự quay trở lại dần của khách du lịch nước ngoài. Lạm phát nhích lên, chủ yếu do chi phí vận tải tăng, mặc dù các cơ quan quản lý Nhà nước đã nỗ lực kiềm chế áp lực tăng giá xăng dầu thông qua việc cắt giảm thuế tiêu thụ nhiên liệu.

Theo WB, các động lực tăng trưởng của Việt Nam dự kiến sẽ xoay quanh nhu cầu từ cả trong và ngoài nước, từ ngành chế biến chế tạo cho đến ngành dịch vụ khi xuất khẩu sang các thị trường lớn…

Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4% vào năm 2023 do tác động của đợt biến động giá cả hàng hóa trước khi giảm xuống 3,3% vào năm 2024.

Chi tiêu công dự kiến sẽ tăng nhanh trong nửa sau của năm 2022 và thâm hụt tài khóa của năm 2022 sẽ đạt 2,8% GDP, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giá USD vọt lên mức cao nhất 20 năm

Theo dữ liệu của Trading Economics, hôm 28/9, chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng tiền Mỹ với các tiền tệ chủ chốt khác - đã vượt mức 114,7 điểm, ngưỡng cao nhất kể từ tháng 5/2002.

Đầu tuần này, đồng bảng Anh đã rơi xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD, sau khi chính phủ mới của Anh công bố gói cắt giảm thuế để kích thích kinh tế.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, giá trị của đồng bạc xanh tiến sát đồng bảng đến vậy. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey đã phải gấp rút trấn an. Ông khẳng định ngân hàng vẫn đang "theo dõi sát sao những diễn biến trên thị trường tiền tệ".

Giá vàng lùi về mức thấp kỷ lục 2 năm rưỡi trong phiên 28/9 tại châu Á

Giá vàng lùi về mức thấp kỷ lục 2 năm rưỡi trong phiên 28/9 tại châu Á, khi đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm, trước khả năng lãi suất sẽ tăng với tốc độ mạnh hơn, làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này.

Giá vàng giao ngay giảm 0,5%, xuống 1.620,88 USD/ounce vào lúc 13 giờ 34 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,4%, xuống 1.629,7 USD/ounce.

Nhà chiến lược gia về tiền tệ Ilya Spivak tại DailyFX cho rằng khả năng Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) lãi suất tăng mạnh hơn và việc đồng USD lên giá sẽ gây sức ép lên giá vàng. Ông nhận định giá vàng có thể giảm xuống 1.600 USD/ounce.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/9 - Ảnh 2
Giá vàng lùi về mức thấp kỷ lục 2 năm rưỡi trong phiên 28/9 tại châu Á.

Vàng thường được coi là tài sản an toàn, nhưng đã để mất sức hấp dẫn ngay cả khi lãi suất tăng gây thêm lo ngại về suy thoái và khiến các thị trường chứng khoán lao dốc, khi các nhà đầu tư lựa chọn đồng USD.

Chỉ số USD ở mức cao kỷ lục mới trong hai thập kỷ, khiến vàng đắt hơn cho những người mua bằng các đồng tiền khác.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 4% lần đầu tiên kể từ năm 2010.

Chủ tịch Fed tại Chicago, Charles Evans, Chủ tịch Fed tại St. Louis, James Bullard và Chủ tịch Fed tại Minneapolis, Neel Kashkari đều nhắc lại cam kết của Fed trong việc tập trung đẩy lùi lạm phát. Theo ông Evans, Fed cần tăng lãi suất lên khoảng 4,5-4,75%.

Trong phiên này, giá bạc giảm 1,8%, xuống 18,09 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất trong ba tuần. Giá bạch kim giảm 1,3%, xuống 837,23 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 5/9. Giá pa-la-đi giảm 1,3%, xuống 2.059,63 USD/ounce.

Tại Việt Nam, vào lúc 14 giờ 52 phút, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giao dịch ở mức 64,2 – 65,2 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Đỏ lửa 4 phiên, VN-Index thủng đáy 20 tháng

Thị trường chứng khoán trong nước mở cửa phiên 28/9 tiếp tục bi quan, các chỉ số nhanh chóng chìm trong sắc đỏ với áp lực bán chưa hề suy giảm bởi dòng tiền bị thắt chặt sau chính sách tăng lãi suất điều hành.

VN-Index sau thời gian giằng co quanh vùng hỗ trợ 1.150 điểm (mức đáy tháng 7) đã không thể giữ được nhịp trước áp lực bán quyết liệt và chính thức mất thêm một ngưỡng hỗ trợ quan trọng, đưa thị trường vào vùng downtrend dài hạn.

Kết thúc ngày giao dịch, VN-Index rơi thêm 22,92 điểm (-1,96%) xuống 1.143,62 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021 đến nay. Đây đã là phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp với tổng mức giảm hơn 71 điểm (-5,85%).

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/9 - Ảnh 3
Đỏ lửa 4 phiên, VN-Index thủng đáy 20 tháng.

Sắc đỏ cũng ngập tràn trên các sàn ở Hà Nội. HNX-Index tiếp tục bị bán tháo 3,17 điểm (-1,24%) còn 252,35 điểm. UPCoM-Index giảm 1% về 85,84 điểm.

Áp lực bán tháo hiện diện rõ rệt nhất ở nhóm cổ phiếu trụ cột. Trong đó rổ chỉ số lớn nhất VN30 ghi nhận mức rơi 21,8 điểm (-1,84%) với 25/30 mã giảm giá. Nhóm vốn hóa vừa VNMID giảm 1,5% và nhóm vốn hóa nhỏ VNSML giảm nhanh nhất 2%.

Gây áp lực nhất lên chỉ số là GAS của PV Gas khi bất ngờ đổi màu từ sắc xanh sang bị bán tháo về cuối phiên, giảm đến 6,7% sát giá sàn tại 104.000 đồng. Nhiều cổ phiếu năng lượng khác cũng quanh giá sàn như NT2, VSH, BCG.

Nhóm cổ phiếu họ Vingroup cũng gây ra tác động rất tiêu cực. Trong đó mã chính VIC đóng cửa giảm 5,7% về mức thấp nhất trong ngày tại 57.500 đồng, VHM của Vinhomes rơi 5,4% còn 51.200 đồng.

Nhóm cổ phiếu bán lẻ tương tự diễn biến rất bi quan do lo ngại sức mua người dân suy giảm. Trong đó đáng kể MSN của Masan lao dốc 5,2%, MWG của Thế giới di động mất 3,1%, PET bị bán tháo 6,6% hay thậm chí có FRT giảm sàn.

Thị trường còn ghi nhận nhiều mã cổ phiếu nóng bất ngờ giảm kịch sàn, có thể kể đến bộ đôi HAG và HNG, cổ phiếu xây dựng CTD, HBC, VCG, cổ phiếu bảo hiểm có MIG và VNR, cổ phiếu họ Louis...

Cổ phiếu ngành tài chính là điểm sáng nhỏ trong bối cảnh thị trường tiêu cực. Nhóm ngân hàng có sự gượng dậy của VCB với mức tăng 0,9% lên 75.000 đồng và VPB đi lên 1,4% đạt 18.500 đồng là sắc xanh hiếm hoi của ngành này.

Cổ phiếu chứng khoán có sắc xanh đồng đều hơn với VND của VNDirect dẫn đầu về mức độ tác động. Mã VND tăng 1,7% đạt 17.800 đồng, SSI tăng 1% lên 19.750 đồng, các mã khác như HCM, APS, MBS cũng tăng hơn 1%.

Toàn thị trường vẫn tiếp tục chìm trong sắc đỏ do áp lực bán tháo cuối phiên. Toàn sàn có 673 mã giảm giá, 255 mã tăng giá và 172 mã đi ngang.

Mặc dù thị trường giảm sâu nhưng lực cầu không xuất hiện nhiều dẫn đến thanh khoản vẫn ở mức thấp, với tổng giá trị giao dịch nhích nhẹ lên 13.525 tỷ đồng. Trong đó khớp lệnh sàn HoSE tăng lên 10.715 tỷ đồng.

Điểm sáng của thị trường là khối tự doanh chứng khoán đã quay ngược mua ròng 159 tỷ đồng trên sàn HoSE. Trong khi đó khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng nhưng mức độ còn rất nhỏ chỉ gần 5 tỷ đồng.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới