Chủ nhật, 24/11/2024 11:08 (GMT+7)
    Thứ hai, 04/07/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 4/7

    Theo dõi KTMT trên

    Sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu xăng dầu trong ASEAN; Phấn đấu tăng trưởng kinh tế 7% trong năm 2022... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 4/7/2022.

    Thêm một 'ông lớn' ngân hàng tham gia cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm

    Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa điều chỉnh biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân áp dụng từ tháng 7/2022. Đây là lần thay đổi lãi suất huy động đầu tiên của ngân hàng này kể từ tháng 9/2021 đến nay và cũng là lần tăng lãi đầu tiên sau 4 năm liên tiếp giảm.

    Lần gần nhất nhà băng này tăng lãi suất tiền gửi cá nhân kỳ hạn 12 tháng trở lên đã diễn ra từ tháng 9/2018, khi đó, Agribank nâng mức lãi suất này từ mức 6,6%/năm lên 6,8%/năm.

    Sau giai đoạn này, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên của Agribank liên tục giữ xu hướng giảm và duy trì ở vùng thấp nhất 5,5%/năm suốt từ tháng 9/2021 đến nay.

    Hiện tại, trong biểu lãi suất mới, Agribank giữ nguyên lãi suất huy động với các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn tại nhà băng này vẫn nhận lãi suất 0,1%/năm, các khoản tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng hưởng lãi suất 3,1%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng hưởng lãi 3,4%/năm và kỳ hạn 6-11 tháng nhận lãi suất 4%/năm.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 4/7 - Ảnh 1
    Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa điều chỉnh biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân áp dụng từ tháng 7/2022.

    Tuy nhiên, từ kỳ hạn 12 tháng trở lên, các khách hàng gửi tiền tại Agribank sẽ được hưởng lãi suất 5,6%/năm, cao hơn 0,1 điểm % so với trước đó. Đây hiện là mức lãi suất tối đa khách hàng cá nhân gửi tiền tại Agribank có thể nhận được.

    Với động thái tăng lãi suất kể trên, Agribank trở thành ngân hàng quốc doanh thứ 2 trong hệ thống tăng lãi suất huy động trong năm 2022. Trước đó, BIDV cũng có đợt tăng lãi suất tiền gửi cá nhân lần đầu kể từ tháng 7/2019.

    Trước đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng thông báo thay đổi biểu lãi suất mới theo hướng tăng thêm 0,1 điểm % lên mức 5,6%/năm áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 12 – 36 tháng.

    Hiện, biểu lãi suất huy động các kỳ hạn tại Agribank đều tương đương BIDV.

    Hai "ông lớn" khác trong nhóm Big 4 là Vietcombank, VietinBank hiện vẫn giữ nguyên mức lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất tiền gửi cao nhất tại Vietcombank là 5,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng, trong khi tại VietinBank là 5,6%/năm áp dụng cho các khoản tiền gửi trên 12 tháng.

    Phấn đấu tăng trưởng kinh tế 7% trong năm 2022

    Trong phiên họp Chính phủ tháng 6/2022 đang diễn ra hôm nay (4/6), báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định kinh tế có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP.

    Trong đó, GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011. Tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ (kịch bản theo Nghị quyết 01 là từ 5,1-5,7%), cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (5,74%) và tương đương mức bình quân các năm trước dịch từ năm 2016-2019 (6,38%).

    Trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7,0%, cao hơn mức phấn đấu cao khoảng 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (từ 6-6,5%), tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 4/7 - Ảnh 2
    Phấn đấu tăng trưởng kinh tế 7% trong năm 2022.

    Bên cạnh những tín hiệu tích cực của đà phục hồi kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh nước ta vẫn đối mặt với không ít khó khăn như: Thách thức về lạm phát, nguồn cung nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, mặt bằng lãi suất, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thiếu hụt lao động cục bộ, dịch bệnh… tiềm ẩn rủi ro đến phục hồi kinh tế trong thời gian tới.

    Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng thời gian tới chính sách tiền tệ cần thận trọng, chủ động thích ứng với rủi ro lạm phát, tỷ giá, điều hành tín dụng đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí quản trị, hoạt động để giảm lãi suất cho vay, giảm bớt áp lực chi phí vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế.

    Ngoài ra, chính sách thương mại, sản xuất cần chủ động phương án điều tiết để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là thời gian cuối năm 2022, đầu năm 2023, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh lương thực.

    Bình Định: 6 tháng thu hút hơn 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư

    Theo đó, từ đầu năm đến hết tháng 6-2022, tỉnh miền Trung này thu hút đầu tư với tổng vốn hơn 10.500 tỷ đồng, trong đó gần 8.100 tỷ đồng đến từ 38 dự án mới. Bên cạnh đó, có 8 dự án đang hoạt động thực hiện tăng vốn với tổng giá trị hơn 2.400 tỷ đồng.

    Về chi tiết, có 29 dự án đầu tư trong khu kinh tế, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trong khi 9 dự án còn lại nằm ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, phần lớn các nhà đầu tư mới đến từ lĩnh vực công nghiệp (với 28 dự án) trong khi 7 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; và 3 dự án thuộc lĩnh vực bất động sản.

    Một số dự án lớn có thể điểm tên như khu chung cư cao tầng kết hợp thương mại – dịch vụ 01 và Khu du lịch nghỉ dưỡng thuộc phần diện tích đất còn lại của dự án Khu đô thị và du lịch sinh thái Diêm Vân của Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành Phố, vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng; Khu đô thị Bình Chương Nam, phường Hoài Đức, thị xã Hoài Nhơn của Liên danh Công ty cổ phần Bất động sản Mỹ, Công ty TNHH Bất động sản Quảng Bình, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang với vốn đăng ký đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng hay Khu vui chơi giải trí Đầm Thị Nại của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Sơn Thuận với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 800 tỷ đồng

    Về đầu tư nước ngoài (FDI), trong 6 tháng đầu năm tỉnh Bình Định chỉ ghi nhận 2 dự án hoạt động trong Khu Kinh tế Nhơn Hội điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn tăng là 6,98 triệu đô la. Cả tỉnh hiện có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 1,1 tỉ đô la, trong đó có 38 dự án trong khu kinh tế và khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 846,07 triệu đô la.

    Theo Tổ Công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, trong tháng 6 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý Khu kinh tế tiếp nhận và xử lý 31 hồ sơ liên quan đến đầu tư mới và điều chỉnh đầu tư.

    Trong đó, có một số dự án đáng chú ý như Khu du lịch sinh thái Biển Cát do Công ty cổ phần Đầu tư Sài gòn Bình Định đăng ký đầu tư tại xã Cát Hải, huyện Phù Cát, Trang trại sinh thái Hốc Kông Farmstay do Công ty TNHH Nolyco đăng ký đầu tư tại Khu núi đá, thôn Cảnh An, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước hay hai nhà máy sản xuất viên nén gỗ và chế biến gỗ của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Thảo Nguyên Xanh và của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Kỹ Thuật Danh Sơn.

    Trong khi đó, theo số liệu từ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư (IPC) Bình Định, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm của Bình Đĩnh đạt 842,9 triệu đô la, tăng 25,3% so với cùng kỳ. Các mặt hàng, nhóm hàng xuất khẩu tăng khá như: thủy sản tăng 103,1%; gỗ tăng 11,7%; sản phẩm gỗ tăng 16,3%; hàng dệt may tăng 90,1%… Một số sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu giảm như: gạo giảm 56,5%; giày dép các loại giảm 39,8%…. Giá trị nhập khẩu đạt 218,1 triệu đô la, tăng 6,4% so với cùng kỳ.

    Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Việt Nam năm 2021, tỉnh Bình Định đạt 68,32 điểm, xếp thứ 11 và thuộc nhóm tốt. So với cùng kỳ đã tăng 26 bậc và 5,14 điểm (cùng kỳ xếp thứ 37 và đạt 63,18 điểm).

    Cũng trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Bình Định đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 671 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 6.604 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước tăng 22,5% về số doanh nghiệp và 19,1% về vốn đăng ký. Thực hiện cấp đăng ký cho 294 Chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh; đăng ký thay đổi 1.030 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện; giải thể và chấm dứt hoạt động 76 trường hợp; tạm ngừng hoạt động 476 trường hợp; hoạt động trở lại 322 trường hợp.

    Định hướng trong 6 tháng cuối năm 2022, tỉnh Bình Định tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, chất lượng tốt nhằm thu hút thêm nhiều chủ đầu tư trong và ngoài nước, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục đầu tư; huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng.

    Trong công tác xúc tiến đầu tư, tỉnh tiếp tục tỉnh linh hoạt áp dụng hình thức trực tiếp và trực tuyến, mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh để đầu tư các dự án then chốt vào 5 trụ cột chính, gồm: công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng và logistics, kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.

    Sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu xăng dầu trong ASEAN

    Theo cam kết trong Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN giai đoạn 2022-2027 (Hiệp định ATIGA), Việt Nam sẽ phải xóa bỏ thuế nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong ASEAN với lộ trình dài nhất vào năm 2024.

    Bộ Tài chính cho biết, do thay đổi danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN từ phiên bản 2017 sang Biểu thuế hài hòa ASEAN 2022, biểu thuế ATIGA bao gồm 4 dòng hàng bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi mã hàng, tách gộp dòng. Một số nhóm hàng chính có sự thay đổi thuế suất khi chuyển đổi Biểu thuế ATIGA theo Biểu thuế hài hòa ASEAN 2022 bao gồm: Các chế phẩm từ thịt, cá hay động vật giáp xác, động vật thân mềm hoặc động vật thủy sinh không xương sống khác và các chế phẩm ăn được khác. Ngoài ra, thuế suất ATIGA được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ cam kết theo Lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam quy định tại Hiệp định ATIGA.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 4/7 - Ảnh 3
    Sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu xăng dầu trong ASEAN.

    Về tổng thể, Biểu cam kết của Việt Nam bao gồm 10.583 dòng thuế (không bao gồm 230 dòng thuế CKD) theo Biểu thuế hài hòa ASEAN 2017 và 11.150 dòng thuế (không bao gồm 264 dòng thuế CKD), theo Biểu thuế hài hòa ASEAN 2022, dòng chi tiết ở cấp độ 8 số.

    Theo cam kết, Việt Nam đã hoàn thành cơ bản việc xóa bỏ thuế quan trong ASEAN vào năm 2015, chỉ còn 7% dòng thuế được linh hoạt đến năm 2018 (chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng như ôtô, xe máy, phụ tùng linh kiện ôtô, xe máy, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, đồ điện dân dụng như tủ lạnh, máy điều hòa, sữa và các sản phẩm từ sữa...).

    Đáng chú ý, lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế đối với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu có lộ trình giảm thuế riêng theo kết quả đàm phán trong ASEAN và đã được ASEAN thông qua năm 2010. Theo cam kết, Việt Nam sẽ phải xóa bỏ thuế nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong ASEAN với lộ trình dài nhất vào năm 2024. Ngoài ra, khoảng 2% số dòng thuế của Biểu ATIGA được loại trừ khỏi cam kết xóa bỏ thuế quan gồm các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm (SL) được phép duy trì thuế suất ở 5% gồm: Gia cầm sống, thịt gà, quả có múi, thóc, gạo lứt, thịt chế biến, đường, các mặt hàng thuộc danh mục loại trừ.

    Về danh mục cam kết, theo kết cấu mới, số dòng thuế thuộc các danh mục xóa bỏ thuế quan và không cam kết theo Biểu thuế hài hòa ASEAN 2022 tăng hơn so với Biểu thuế hài hòa ASEAN 2017, số dòng thuế thuộc danh mục cắt giảm thuế giảm xuống. Về tỷ lệ trên tổng biểu thì hầu như không thay đổi. Tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu của Việt Nam theo Hiệp định ATIGA giữ ở mức khoảng 98%.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 4/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới