Chủ nhật, 24/11/2024 09:42 (GMT+7)
    Thứ tư, 06/04/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 6/4

    Theo dõi KTMT trên

    Ôtô nhập khẩu tăng hơn 100%; Điện than chiếm 45% sản lượng điện toàn hệ thống... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 6/4/2022.

    Cuộc chiến Nga – Ukraine làm tăng rủi ro và lạm phát ở Việt Nam

    Trong báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam công bố hôm 6-4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, cuộc chiến Nga – Ukraine đang có những tác động đến kinh tế Việt Nam, trong đó có áp lực gia tăng lạm phát.

    Theo ABD, tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại và giá dầu thế giới tăng cao do cuộc chiến Nga – Ukraine sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và giá dầu trong nước, ảnh hưởng đến lạm phát.

    Hơn nữa, những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu và việc các nền kinh tế phát triển ngừng thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng sẽ làm suy yếu đồng nội tệ của Việt Nam, làm cho nhập khẩu đắt hơn và gia tăng áp lực lạm phát.

    Tính đến cuối quý I-2022, lạm phát bình quân đã tăng lên 1,9%, so với mức 0,3% của năm 2021. Lạm phát ở Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4,0% vào năm 2023.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 6/4 - Ảnh 1
    Cuộc chiến Nga – Ukraine làm tăng rủi ro và lạm phát ở Việt Nam.

    ADB nhận định, triển vọng phục hồi của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi những rủi ro ngắn hạn. Tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.

    Thêm vào đó, nợ xấu gia tăng cũng là một rủi ro khác trong trung hạn. Nếu tính thêm các khoản cho vay được cơ cấu lại vẫn giữ nguyên nhóm nợ, tỷ lệ nợ xấu tiềm năng của Việt Nam ước tính là 8,2% tổng dư nợ. Bên cạnh việc chi phí vật liệu xây dựng tăng nhanh, thủ tục giải ngân vốn đầu tư công phức tạp có thể làm chậm đà tăng trưởng kinh tế.

    Cũng theo ADB, một thách thức nữa mà Việt Nam phải đối mặt là trong khâu thực thi chính sách. Phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những cấu phần quan trọng nhất của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và hoạt động này đã được phân bổ ngân sách 113 nghìn tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD) cho các năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, việc đảm bảo triển khai cấu phần hạ tầng một cách kịp thời có thể gặp rủi ro do vấn đề mang tính hệ thống trong quá trình chuẩn bị, phê duyệt và giải ngân dự án ở Việt Nam gây nên bởi các thủ tục đầu tư công phức tạp và cứng nhắc, đặc biệt là trong công tác thu hồi đất đai, tái định cư và mua sắm đấu thầu.

    Hiện nay, tổng mức hỗ trợ lãi suất lên đến 40.000 tỷ đồng (khoảng 1,7 tỷ USD). Đây là cấu phần tài khóa chính của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, dự kiến khi triển khai sẽ thúc đẩy tổng cầu. Tuy nhiên, do mức độ tín nhiệm và khả năng hồi phục là những điều kiện quan trọng để doanh nghiệp có thể tiếp cận các khoản vay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể không đáp ứng được các tiêu chí này do tình hình tài chính và năng lực của họ đã bị suy yếu vì đại dịch Covid-19.

    Một mối quan ngại khác là chương trình hỗ trợ lãi suất có thể gặp rủi ro do các khoản vay được trợ cấp bị sử dụng sai mục đích, bao gồm đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro, như cổ phiếu hoặc bất động sản. Điều này đã xảy ra với một chương trình tương tự vào năm 2009.

    Bởi vậy, ADB khuyến khị, để tránh xảy ra tình huống này một lần nữa, cần phải có hướng dẫn rõ ràng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan nhằm tăng cường giám sát việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

    Điện than chiếm 45% sản lượng điện toàn hệ thống

    Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong quý I/2022, EVN đã đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống 3 tháng đạt 63,03 tỷ kWh, tăng 7,8% so với cùng kỳ.

    Số liệu được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố ngày 6/4/2022 cho thấy phụ tải tháng 3/2022 tiếp tục tăng và cao hơn trung bình khoảng 4,2 triệu kWh/ngày so với phương án dự kiến.

    Theo đó, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 3/2022 đạt 23,45 tỷ kWh, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 3 tháng đạt 63,03 tỷ kWh, tăng 7,8% so với cùng kỳ.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 6/4 - Ảnh 2
    Điện than chiếm 45% sản lượng điện toàn hệ thống.

    Trong tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống, thủy điện đạt 16,48 tỷ kWh, chiếm 26,1%; Nhiệt điện than đạt 28,37 tỷ kWh, chiếm 45%; Tua bin khí đạt 7,56 tỷ kWh, chiếm 12%; Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 10,01 tỷ kWh, chiếm 15,9% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống (điện mặt trời đạt 6,86 tỷ kWh, điện gió đạt 2,95 tỷ kWh); Điện nhập khẩu đạt 451 triệu kWh, chiếm 0,7%.

    Trong quý 1/2022, điện sản xuất của EVN và các Tổng Công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 26,66 tỷ kWh, chiếm 42,29% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống.

    Sản lượng điện truyền tải tháng 3/2022 đạt 18,34 tỷ kWh. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2022, sản lượng điện truyền tải đạt 48,83 tỷ kWh, tăng 4,6% so cùng kỳ năm trước.

    Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN tháng 3/2022 ước đạt 18,84 tỷ kWh, tăng 9,4% so với tháng 3/2021. Lũy kế 3 tháng năm 2022 đạt 54,78 tỷ kWh, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.

    Trong quý 1/2022, EVN gặp một số khó khăn trong cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện với lượng than được cung cấp thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng.

    Do đó, đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát; các nguồn nhiệt điện than huy động thấp hơn kế hoạch là 1,365 tỷ kWh. EVN đã chủ động làm việc với các đối tác cung ứng than trong nước nhằm tìm cách tháo gỡ các vướng mắc phát sinh và báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo.

    Tháng 4/2022, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 779 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 42124 MW (tương ứng tăng trưởng khoảng 5,3% so với cùng kỳ 2021). Trong thời gian tới, tình hình cung cấp than cho sản xuất điện có thể còn tiếp tục khó khăn, EVN kêu gọi người dân và các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

    Ôtô nhập khẩu tăng hơn 100%

    Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2022 số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu đã tăng mạnh tới 102,3% so với lượng nhập khẩu của tháng trước.

    Cụ thể, lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại trong tháng 2/2022 đạt 9.152 chiếc, tương ứng trị giá đạt 212 triệu USD. Trong khi đó, ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu được Tổng cục Hải quan ghi nhận trong tháng trước đạt 4.524 chiếc với trị giá đạt 127 triệu USD.

    Trong tháng 2 năm 2022, ô tô nguyên chiếc các loại được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ 4 thị trường chính là từ Thái Lan với 4.688 chiếc; từ Inđônêxia với 2.592 chiếc; từ Trung Quốc với 1.033 chiếc và từ Hoa Kỳ với 415 chiếc. Số xe nhập khẩu từ 4 thị trường này đạt 8.728 chiếc, chiếm tới 95% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 6/4 - Ảnh 3
    Ôtô nhập khẩu tăng hơn 100%.

    Với xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống: trong tháng 02/2022, có 8.046 chiếc được làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam với trị giá đạt 159,5 triệu USD, chiếm 87,9% lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu. Với kết quả này, số xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập về Việt Nam trong tháng đã tăng mạnh 100,7% (tương đương tới 4.038 chiếc) so với tháng trước.

    Trong đó, số xe được đăng ký tờ khai nhập khẩu chủ yếu ở khu vực cửa khẩu, cảng thành phố Hải Phòng với 4.422 chiếc, tăng 106% và thành phố Hồ Chí Minh với 3.610 chiếc, tăng 95% so với tháng trước.

    Xe ô tô nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống được đăng ký nhập khẩu trong tháng 02/2022 chủ yếu là xe xuất xứ từ thị trường Thái Lan với 4.616 chiếc, tăng 86%; từ Inđônêxia với 2.592 chiếc, gấp 5 lần so với tháng trước.

    Xe ô tô trên 9 chỗ ngồi: trong tháng 02/2022, Việt Nam chỉ làm thủ tục nhập khẩu 12 chiếc xe ô tô trên 9 chỗ ngồi, giảm 46,9% so với tháng trước.

    Xe ô tô vận tải: lượng xe ô tô tải làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào nước ta trong tháng 02/2022 là 304 chiếc, với trị giá đạt 18,9 triệu USD; tăng 16,9% về lượng và tăng 61,9% về trị giá so với tháng trước.

    Trong đó, có 211 chiếc xe có xuất xứ từ Trung Quốc, tăng 37,9% và có 70 chiếc xuất xứ từ Thái Lan, giảm 33,3% so với tháng trước.

    Xe ô tô vận tải được đăng ký tờ khai nhập khẩu trong tháng 02/2022 chủ yếu tại khu vực cửa khẩu thành phố Lạng Sơn với 211 chiếc, tăng 56,3%; thành phố Hải Phòng với 49 chiếc, tăng 44,1% và thành phố Hồ Chí Minh với 36 chiếc, giảm 59,6% và so với tháng trước.

    Xe ô tô loại khác (xe ô tô chuyên dụng): trong tháng 02/2022, các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu 790 chiếc xe chuyên dụng với trị giá khai báo 33,7 triệu USD, tăng mạnh tới 223,8% về lượng và tăng 110,2% về trị giá so với tháng trước. Trong đó, có tới 774 chiếc xuất xứ từ Trung Quốc, gấp 4 lần so với tháng trước và chiếm tỷ trọng 98% tổng số xe loại này nhập khẩu về Việt Nam.

    Xe ô tô loại khác được đăng ký tờ khai nhập khẩu trong tháng 02/2022 chủ yếu tại khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn với 769 chiếc, gấp 4 lần so với tháng trước.

    Tính chung lũy kế 2 tháng năm 2022, lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam là 13.690 chiếc, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống là 12.075 chiếc, giảm 0,7%; ô tô vận tải là 569 chiếc, giảm 87,9%.

    Linh kiện & phụ tùng ô tô: cũng theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 02/2022 đạt gần 390 triệu USD linh kiện & phụ tùng ô tô các loại được các doanh nghiệp nhập khẩu vào nước ta, trong khi đó con số này của tháng trước là 395 triệu USD. Như vậy, linh kiện & phụ tùng ô tô các loại được nhập về Việt Nam trong tháng này đã giảm nhẹ 1,3% so với tháng trước.

    Các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng qua có xuất xứ rất đa dạng, chủ yếu từ Hàn Quốc với 117 triệu USD, từ Trung Quốc với 78 triệu USD, từ Thái Lan với 73 triệu USD, từ Nhật Bản với 63 triệu USD, từ Ấn Độ với 22 triệu USD. Tính chung, linh kiện và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ 5 thị trường, nước xuất xứ này đạt 354 triệu USD, chiếm tỷ trọng 91% trong tổng trị giá nhập khẩu linh kiện & phụ tùng ô tô của cả nước trong tháng qua.

    Tính chung lũy kế trong 2 tháng năm 2022, trị giá nhập khẩu nhóm hàng linh kiện & phụ tùng ô tô đạt 787 triệu USD, tăng 7,6% tương ứng tăng 55,6 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

    Tập đoàn FLC phát hành xong 1.150 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, kỳ hạn 2 năm

    Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) vừa thông báo kết quả phát hành trái phiếu mã FLCH2123003 với tổng giá trị 1.150 tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng. Trái phiếu được hoàn tất vào ngày 25/3/2022, đáo hạn ngày 28/12/2023.

    Được biết, trước khi lô trái phiếu chính thức được phát hành một ngày, Tập đoàn FLC đã đem thế chấp dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng FLC Hải Ninh 2 tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh và xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho phía Ngân Hàng TMCP Quốc Dân - Chi Nhánh Hà Nội.

    Tài sản bảo đảm là toàn bộ quyền và lợi ích phát sinh từ khai thác, kinh doanh, phát triển dự án, bao gồm cả các quyền tài sản là quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền được bồi thường thiệt hại, quyền thụ hưởng bảo hiểm phát sinh từ hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, hợp đồng cho thuê, hợp đồng cho thuê mua công trình xây dựng giữa giữa tổ chức với cá nhân hoặc giữa tổ chức, cá nhân với chủ đầu tư dự án.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 6/4 - Ảnh 4

    Trước đó, trong năm 2021, Tập đoàn FLC cũng chào bán thành công 2 lô trái phiếu khác với tổng giá trị 580 tỷ đồng, lãi suất dao động khoảng 10,5%/năm. Để bảo đảm cho các khoản vay này, doanh nghiệp đã cầm cố các quyền lợi, lợi nhuận từ 2 dự án, là dự án khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn, phường Quảng Cư, Sầm Sơn, Thanh Hóa với bên nhận thế chấp là Ngân Hàng TMCP Bảo Việt - Chi Nhánh Hà Nội; và dự án khu đô thị tại phường Hà Khánh, thành phố Hạ Long (giai đoạn 1), tỉnh Quảng Ninh với đơn vị nhận bảo đảm là Ngân hàng TMCP Phương Đông - Chi nhánh Hà Nội, cũng là trái chủ duy nhất.

    Mục đích huy động vốn của Tập đoàn FLC là để phục vụ đầu tư, phát triển dự án khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn (giai đoạn 2) và khu đô thị Tropical City 1 tại Quảng Ninh.

    Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021, Tập đoàn FLC ghi nhận tài sản 33.787 tỷ đồng, giảm 10% so với hồi đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt giảm mạnh từ 1.215 tỷ đồng xuống còn 176 tỷ đồng, trước tình hình dòng tiền thuần kinh doanh âm tới hơn 1.088 tỷ đồng.

    Thời điểm 31/12/2021, Tập đoàn FLC nợ ngắn hạn 15.951 tỷ đồng, chiếm gần 65% nợ phải trả, với hơn 2.000 tỷ đồng là vay nợ các ngân hàng. Nợ dài hạn cũng ở mức cao với 8.112 tỷ đồng, đóng góp một nửa từ các hợp đồng tín dụng với ngân hàng (gần 4.170 tỷ đồng).

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 6/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới