Chủ nhật, 24/11/2024 11:11 (GMT+7)
    Thứ năm, 07/07/2022 17:07 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/7

    Theo dõi KTMT trên

    Thanh tra Chính phủ yêu cầu báo cáo loạt vấn đề về xăng dầu; Lô hàng tương ớt, chôm chôm, thanh long của Việt Nam bị tiêu hủy ở châu Âu... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 7/7.

    Thanh tra Chính phủ yêu cầu báo cáo loạt vấn đề về xăng dầu

    Thanh tra Chính phủ vừa có công văn số 1012, gửi Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), các thương nhân đầu mối xăng dầu… về việc cử tổ công tác làm việc và thu thập thông tin, tài liệu phục vụ công tác thanh tra năm 2022.

    Theo đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu các đơn vị nêu trên báo cáo, tổng hợp và cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.

    Các nội dung được yêu cầu báo cáo như quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu; việc tổ chức quản lý kinh doanh xăng dầu; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hoạt động kinh doanh xăng dầu.

    Niên độ báo cáo theo yêu cầu từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/3/2022.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/7 - Ảnh 1
    Thanh tra Chính phủ yêu cầu báo cáo loạt vấn đề về xăng dầu.

    Cụ thể, Bộ Công thương được yêu cầu báo cáo về việc lập và công bố công khai quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu; Quy hoạch phát triển hệ thống kho cảng xăng dầu đầu mối, kho xăng dự trữ chiến lược và dự trữ lưu thông… Các quy hoạch đã được phê duyệt, việc công khai, kết quả thực hiện quy hoạch, các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân…

    Về nội dung tổ chức và quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu, Thanh tra Chính phủ yêu cầu báo cáo về quy trình cấp phép kinh doanh xăng dầu đối với lĩnh vực kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu; Sản xuất, pha chế xăng dầu; Dự trữ xăng dầu... làm rõ tổng số đơn vị được cấp phép, trách nhiệm của từng đơn vị trong đảm bảo nhu cầu cung ứng xăng dầu trên thị trường và khi Nhà nước có yêu cầu.

    Bộ Công thương cũng được yêu cầu báo cáo việc quản lý về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu như quy trình kiểm định, kiểm tra, kiểm soát chất lượng, khối lượng xăng dầu...;

    Đồng thời, báo cáo về nhu cầu, kế hoạch, khối lượng, tiến độ nhập khẩu hàng năm đối với việc kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu; Kế hoạch sản xuất, khối lượng sản xuất hàng năm về sản xuất, pha chế xăng dầu...

    Về dự trữ xăng dầu, cơ quan thanh tra yêu cầu phải báo cáo tổng số cơ quan, tổ chức được giao thực hiện dự trữ xăng dầu (dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia), nêu trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể; Cơ sở hạ tầng lưu trữ; Quy trình dự trữ xăng dầu, quy trình xuất, cấp xăng dầu; Khối lượng xăng dầu dự trữ, thời gian dự trữ xăng dầu... trách nhiệm của các đơn vị tham gia dự trữ xăng dầu khi Nhà nước có yêu cầu phải đảm bảo cung cầu trên thị trường.

    Quy trình trích, sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu cũng được yêu cầu báo cáo. Đó là những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; Việc niêm yết công khai giá bán xăng dầu, công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu.

    Ngoài ra, tổng số các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát đã thực hiện, tổng hợp số liệu kiến nghị, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị xử lý... cũng được yêu cầu làm rõ.

    Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ đã được Chính phủ quy định tại các Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Nghị định 95 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83 và các văn bản pháp luật liên quan khác.

    Thanh tra chính phủ cũng đề nghị các Bộ Công thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ căn cứ vào trách nhiệm của bộ mình được quy định tại Nghị định số 83 và Nghị định số 95 báo cáo về các nội dung sau đây: Việc xây dựng, ban hành kế hoạch, quyết định phân công tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ.

    Việc tham mưu theo thẩm quyền để cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để thực hiện các nhiện vụ được giao.

    Việc ban hành chính sách và quy định pháp luật theo thẩm quyền để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Kết quả thực hiện hàng năm; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.

    Công tác tự thanh tra, kiểm tra, việc xử lý sau thanh tra về các nhiệm vụ được giao: Tổng số cuộc thanh tra, kiểm tra đã thực hiện; tồn tại hạn chế, vi phạm phát hiện sau thanh tra, kiểm tra; các biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý...

    Lô hàng tương ớt, chôm chôm, thanh long của Việt Nam bị tiêu hủy ở châu Âu

    Ngày 7/7, Tổ Điều hành kết nối nông sản 970 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức diễn đàn trực tuyến: "Đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến, bảo quản gắn với yêu cầu của thị trường tiêu thụ".

    Tại diễn đàn, TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam, thuộc Bộ NN-PTNT), cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam có 9 mặt hàng thuộc nhóm rau quả bị thị trường nhập khẩu cảnh báo tại châu Âu (EU).

    Các cảnh báo tập trung vào vi phạm mức dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá quy định của EU, 1 cảnh báo vi phạm cảm quan, 1 cảnh báo vi phạm aflatoxin… trong quá trình sơ chế, chế biến.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/7 - Ảnh 2
    Lô hàng tương ớt, chôm chôm, thanh long của Việt Nam bị tiêu hủy ở châu Âu.

    Trong 9 trường hợp bị cảnh báo, có thanh long (1 trường hợp do vượt dư lượng, 1 trường hợp không đạt về cảm quan), chôm chôm, vải, ớt, riềng sấy, xoài sấy, điều và tương ớt. Tùy mối nguy bị cảnh báo mà các lô hàng sẽ bị xử lý tiêu hủy, thu hồi, tạm giữ hoặc chỉ thông báo cho cơ quan chức năng.

    Trong số những trường hợp bị tiêu hủy, sản phẩm tương ớt bị cảnh báo tại Cộng hòa Síp, do chứa chất cấm E 110 - Sunset Yellow FCF và E124 - Ponceau 4R/cochineal red A. Nhà xuất khẩu sản phẩm này là Công ty TNHH Thực phẩm Đa Ta (phường 15, quận Tân Bình, TP HCM).

    Hai trường hợp bị tiêu hủy hàng còn lại là 1 lô chôm chôm xuất khẩu sang Hà Lan, thanh long xuất khẩu sang Pháp do vi phạm về chỉ tiêu thuốc bảo vệ thực vật.

    Tính trên diện rộng, từ tháng 1 đến tháng 6-2022, trên toàn thế giới có 2.251 cảnh báo từ hệ thống cảnh báo nhanh đối với nông sản, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) của EU, trong đó chỉ có 40 (chiếm 1,77%) cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm của Việt Nam.

    Điều này cho thấy nông sản, thực phẩm từ Việt Nam đã dần đáp ứng tốt quy định của thị trường nhập khẩu, giảm thiểu trường hợp vi phạm (rủi ro luôn có trong hoạt động sản xuất - kinh doanh).

    VN-Index bật tăng 17 điểm nhờ kéo trụ về cuối phiên

    Kết phiên giao dịch 7/7, VN-Index tăng 16,87 điểm (+1,47%) lên 1.166,48 điểm, trong khi đó HNX-Index giảm nhẹ 0,02% về 271,86 điểm, UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,19%) lên 86,09 điểm.

    Về cuối phiên giao dịch hàng loạt cổ phiếu lớn bứt phá mạnh, trong đó, VRE tăng 3,8%, VCB tăng 3,7%, VIC tăng 3,4%, VNM tăng 3,3%, VHM tăng 3,2%... điều này giúp cho VN30-Index đóng cửa tăng hơn 17,29 điểm, trong khi VN-Index tăng ít hơn với 16,87 điểm.

    Một số midcap ghi nhận đà hồi phục khá tích cực như DGC, MIG, CTD tăng trần, FRT, BVH, HBC, DIG, DPM, LCG, CII,... tăng trên 1%.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/7 - Ảnh 3
    VN-Index bật tăng 17 điểm nhờ kéo trụ về cuối phiên.

    Nhóm dầu khí lại giao dịch trong trạng thái khá ảm đạm vào cuối phiên với GAS giảm đến gần 1,8%, BSR giảm hơn 5% và không ít tên tuổi khác tiếp tục chìm trong sắc đỏ, như PVC, PVD, PVT, PVS, OIL…

    Sáng nay giá dầu Brent future đã quay trở lại lên trên 100 USD/thùng, nhưng vẫn chưa mang lại không khí tích cực hơn cho nhóm này.

    Khối ngoại mua ròng gần 500 tỷ đồng ở sàn HoSE, trong đó tập trung mua VNM, VND, VCB, CTG,...

    Xuất khẩu mỹ phẩm của Hàn Quốc cao kỷ lục

    Theo Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc, xuất khẩu mỹ phẩm của nước này trong năm đã tăng 21,3% so với năm trước đó và đạt 10,5 nghìn tỷ won (tương đương 8,1 tỷ USD). Con số này cao hơn kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dược phẩm sinh học và điện thoại thông minh, lần lượt là 8,4 tỷ USD và 4,9 tỷ USD.

    Với thành quả ấn tượng trên, Hàn Quốc hiện là nước xuất khẩu mỹ phẩm lớn thứ 3 thế giới, sau Pháp và Mỹ.

    Trong số 153 quốc gia nhập khẩu mỹ phẩm từ Hàn Quốc, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất, với thị phần lên tới 53,2%. Xuất khẩu mỹ phẩm của Hàn Quốc sang Mỹ và Nhật Bản cũng tăng trưởng, với mức tăng lần lượt là 17,7% và 22,4% trong năm 2021, so với năm trước đó.

    Thặng dư thương mại trong lĩnh vực mỹ phẩm của Hàn Quốc trong năm 2021 tăng 28,6% so với năm trước đó, lên 9,2 nghìn tỷ won, tiếp tục duy trì đà tăng trong 10 năm liên tiếp. Mỹ phẩm đóng góp tới 25,7% tổng thặng dư thương mại của Hàn Quốc trong năm 2021.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới