Thứ năm, 28/11/2024 02:11 (GMT+7)
Thứ năm, 14/04/2022 21:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 14/4

Theo dõi KTMT trên

Núi Chúa chính thức trở thành Khu DTSQ thế giới; Cuối tuần không khí lạnh tràn về, miền Bắc trời trở rét; Hoàn thiện Dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 14/4.

Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) chính thức trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới

Sáng 14/4/2022, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa từ UNESCO. Cũng tại sự kiện này, tỉnh Ninh Thuận đã vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Vịnh Vĩnh Hy từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, giá trị văn hóa bản địa; đồng thời, thể hiện sự đánh giá cao của thế giới đối với các chính sách, cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển, bảo tồn thiên nhiên, văn hóa bản địa và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững trong Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận, có tổng diện tích 106.646,45 ha, hội tụ đầy đủ 3 không gian: rừng, biển, bán sa mạc và là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á. Đây là nơi sở hữu nhiều giá trị về đa dạng sinh học rừng, biển với các loài động, thực vật quý hiếm, cảnh quan thiên nhiên đa dạng mang những nét đặc trưng riêng của vùng khí hậu khô hạn ven biển của Ninh Thuận.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 14/4 - Ảnh 1
Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) chính thức trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Đặc biệt, Núi Chúa còn là nơi hiếm hoi xuất hiện nhiều loài động vật quý hiếm có tầm quan trọng quốc tế như rùa biển, voọc chà vá chân đen, cheo cheo lưng bạc, hiện đang được bảo tồn bảo vệ nghiêm ngặt. Nơi đây được các nhà khoa học đánh giá là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất Việt Nam với lượng mưa thấp, nắng nóng quanh năm đã hình thành nên một hệ sinh thái bán khô hạn đặc trưng; để thích nghi với thời tiết và khí hậu khô hạn thì các loài thực vật thường mang những đặc trưng điển hình đó là rụng lá về mùa khô, cây thấp lùn, lá nhỏ và dày, có răng cưa, nhiều gai để giảm quá trình thoát hơi nước như: xương rồng, trâm bầu, mùng quân ấn, lọ nồi ô rô, huyết giác, quyển bá xoắn…

Cuối tuần không khí lạnh tràn về, miền Bắc trời trở rét

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, hiện nay, ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam.

Khoảng gần sáng 16/4, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực vùng núi Bắc Bộ. Khoảng đêm 17-18/4, không khí lạnh tăng cường mạnh hơn, ảnh hưởng đến các nơi khác ở Đông Bắc Bộ, sau đó đến Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ.

Từ đêm 16/4, Bắc Bộ trời chuyển lạnh, từ đêm 17-19/4 trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 16-19 độ C, vùng núi 13-16 độ C. Bắc Trung Bộ, từ đêm 17-19/4 trời chuyển lạnh với nhiệt độ thấp nhất 17-20 độ C.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 14/4 - Ảnh 2
Từ đêm 17-19/4 Bắc Bộ trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 16-19 độ C, vùng núi 13-16 độ C. 

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với hội tụ gió trên mực 1.500m được thiết lập nên từ đêm mai (15/4) đến 18/4, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 80-150mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt. Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa rào và dông, cục bộ mưa vừa, mưa to với lượng mưa 40-80mm/đợt, có nơi trên 100mm/đợt. Mưa dông tập trung trong ngày 16-17/4.

Khu vực Hà Nội từ gần sáng 16 đến 17/4 mưa rào và dông, cục bộ mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có thể xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Hoàn thiện Dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050

Ngày 14/4, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với Ban soạn thảo, Tổ biên tập (BST, TBT) xây dựng Dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Chia sẻ về nội dung dự thảo, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Quan điểm xuyên suốt Chiến lược khẳng định, biến đổi khí hậu là xu thế không thể đảo ngược và là thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Thích ứng với biến đổi khí hậu và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 14/4 - Ảnh 3
Thích ứng với biến đổi khí hậu và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển của Việt Nam.

Việt Nam sẽ ứng phó với biến đổi khí hậu trên nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế.

Dự thảo Chiến lược nhấn mạnh, ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện. Quá trình này cần sự nỗ lực liên tục, kiên định, thống nhất trong nhận thức và hành động.

Các giải pháp cấp bách giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu sẽ được triển khai. Trong đó, ưu tiên cao nhất bảo đảm an toàn, sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề; tập trung phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, miền.

WHO kêu gọi thế giới chung tay giảm thiểu khủng hoảng khí hậu

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp để bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu khủng hoảng khí hậu trên toàn cầu. Trong lời kêu gọi hành động, WHO đã đưa ra một báo cáo với số liệu đáng kinh ngạc rằng 99% người dân hít thở không khí không lành mạnh - chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Cuộc khủng hoảng khí hậu là một cuộc khủng hoảng sức khỏe. Chính những sự lựa chọn không bền vững đang hủy hoại hành tinh của chúng ta và hủy diệt con người”.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 14/4 - Ảnh 4
Theo cảnh báo của WHO, thế giới đang nóng dần lên, cùng với đó, các bệnh truyền nhiễm do muỗi ngày càng lan rộng và nhanh hơn bao giờ hết.

Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng thế giới đang nóng dần lên, cùng với đó, các bệnh truyền nhiễm do muỗi ngày càng lan rộng và nhanh hơn bao giờ hết.

Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, mất đa dạng sinh học, suy thoái đất và khan hiếm nước đang khiến nhiều người phải di dời và ảnh hưởng đến sức khỏe. Ô nhiễm và rác thải nhựa được tìm thấy ở đáy đại dương sâu nhất và những ngọn núi cao nhất trên thế giới, đang ngày càng xâm nhập vào chuỗi thức ăn và máu của con người.

Đại dịch Covid-19 đã làm rõ sự bất bình đẳng trên toàn thế giới, nhấn mạnh sự cấp thiết của việc tạo ra xã hội bền vững và lành mạnh, không vi phạm các giới hạn sinh thái.

WHO cho biết, chúng ta cần đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận với các công cụ, hệ thống, chính sách, môi trường cứu sinh và cải thiện cuộc sống. Tuyên bố của WHO về phục hồi xanh sau đại dịch quy định việc bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên có vai trò lớn nhất trong việc bảo vệ sức khỏe của con người.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế hỗ trợ các nước ứng phó với biến đổi khí hậu và đại dịch

Ngày 13/4, Ban điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phê duyệt việc thành lập một quỹ mới để giúp hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ứng phó với những thách thức kéo dài của biến đổi khí hậu và đại dịch.

Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva đã thông báo phê duyệt Quỹ khả năng phục hồi và bền vững mới sau cuộc họp hội đồng. Quỹ này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5, với mục tiêu huy động được ít nhất 45 tỷ USD.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 14/4 - Ảnh 5
IMF phê duyệt thành lập một quỹ mới để giúp hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ứng phó với những thách thức kéo dài của biến đổi khí hậu và đại dịch.

Theo bà, Quỹ sẽ góp phần vào việc phân bổ 650 tỷ USD cho Quyền rút vốn đặc biệt của IMF năm ngoái bằng cách cho phép các quốc gia thành viên giàu hơn chuyển nguồn dự trữ khẩn cấp của họ đến các nước dễ bị tổn thương để giải quyết những thách thức lâu dài đe dọa sự ổn định kinh tế của các nước này.

Các nhân viên của IMF đã tìm hiểu thông tin chi tiết về quỹ mới trong những tháng gần đây sau khi nó giành được sự ủng hộ của Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) vào tháng 10 năm ngoái.

Theo IMF, khoản tài trợ sẽ được cung cấp cho hầu hết các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình, bao gồm tất cả các quốc gia đang phát triển nhỏ. Nhiều nước trong số đó đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và tác động kinh tế.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 14/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới