Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 24/3
Rừng bị tàn phá, Đắk Lắk đề xuất sửa luật; Xây dựng tài khoản đại dương; Sau 10 năm mới có 30/63 tỉnh công bố hồ, ao không san lấp;Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia tại 3 địa phương... là những tin tức môi trường nổi bật trong ngày 24/3.
Rừng Tây Nguyên bị tàn phá, Đắk Lắk đề xuất sửa luật để bảo vệ
Là khu vực vốn có trữ lượng rừng giàu bậc nhất cả nước, đánh giá nhiều cơ chế, chính sách bảo vệ rừng không còn phù hợp với thực tế khiến rừng vẫn bị tàn phá, tỉnh Đắk Lắk đề nghị sửa đổi một số điều luật, tăng nguồn đầu tư nhằm nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý bảo vệ rừng tại Tây Nguyên.
Trên thực tế rừng ở Tây Nguyên bị phá, lấn chiếm trái pháp luật để trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp, cây đặc sản đã diễn ra gay gắt từ nhiều năm, tập trung ở khu vực giao cho các lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, UBND xã quản lý. Hình thức phá rừng ngày càng tinh vi, liều lĩnh, có tổ chức như: Phá vào ban đêm, cắt cử người cảnh giới; sử dụng công cụ cơ giới (cưa xăng có gắn thiết bị giảm thanh).
Vì vậy, diện tích rừng bị phá, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật tương đối lớn, nhiều vụ việc chưa được phát hiện và xử lý. Đối tượng trực tiếp phá rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, dân di cư tự do, hầu hết thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống khó khăn nên khó có khả năng thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Cùng với đó, còn có tình trạng một số đối tượng thuê đồng bào phá rừng, các đối tượng này khó nhận diện và cần phải có sự điều tra của các cơ quan chức năng. Hầu hết các tỉnh không phát hiện và xử lý được các đối tượng cầm đầu thuê người dân phá rừng trái pháp luật. Do đó, việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm diện tích rừng trên địa bàn Tây Nguyên.
Xây dựng tài khoản đại dương hướng tới tăng trưởng bền vững của nền kinh tế biển
Mới đây, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng hạch toán tài khoản đại dương tại Việt Nam.
Theo nhận định của TS Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, đại dương là nguồn sinh kế và dinh dưỡng quan trọng đóng góp vào quá trình tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những hệ sinh thái biển và ven biển lành mạnh góp phần phát triển toàn diện, điều hòa khí hậu cũng như cải thiện đời sống người dân, hướng tới một tương lai bền vững.
Do đó, việc áp dụng cách tiếp cận tài khoản đại dương sẽ hỗ trợ xác định phát triển kinh tế biển một cách bền vững, đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách liên quan đến kinh tế biển xanh của Việt Nam.
Tài khoản đại dương cung cấp phương tiện để đo lường tiến độ hướng tới tăng trưởng và bền vững của nền kinh tế đại dương ngoài Tổng sản phẩm quốc nội, phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững cũng như các tiêu chuẩn thống kê quốc tế.
Ngoài ra, tài khoản đại dương cung cấp cơ sở hạ tầng thông tin chung để xây dựng chính sách phát triển đại dương, quy hoạch không gian biển và quản lý môi trường tổng hợp.
Cũng tại Hội thảo, TS Kim Thị Thúy Ngọc, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, cho biết, qua thực hiện thí điểm hạch toán tài khoản đại dương tại tỉnh Quảng Ninh từ tháng 9/2021 đến 3/2022 cho thấy, đóng góp từ kinh tế biển tăng từ 14,117 tỷ đồng vào 2018 lên 17,730 tỷ đồng vào 2020.
Tổng diện tích rừng ngập mặn 2015-2020 ổn định, có xu hướng tăng nhẹ về diện tích 1.9%, tuy nhiên diện tích quy hoạch cho đặc dụng phòng hộ giảm mạnh do chuyển sang rừng sản xuất.
Sau 10 năm mới có 30/63 tỉnh thực hiện công bố hồ, ao không san lấp
Chiều 24/3, đại diện Bộ TN&MT cho biết, sau 10 năm triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012, tính đến nay, trên cả nước mới có 30/63 tỉnh, thành phố lập, công bố danh mục “hồ ao không được san lấp” với hơn 4.480 hồ, ao, đầm, phá theo quy định của luật.
Ngoài ra, thống kê cho thấy cả nước hiện mới chỉ có 42/63 tỉnh, thành phố đã công bố danh mục nguồn nước cần phải lập hành lang bảo vệ; và 12/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh mục nguồn nước nội tỉnh.
Phía Bộ TN&MT cho rằng việc chậm trễ trong việc lập, công bố các danh mục nêu trên là do tại một số địa phương, công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa được quan tâm, chú trọng…
Đáng chú ý, thời gian qua, tại một số địa phương, tình trạng san, lấp hồ ao, kè bờ, lấn sông, cải tạo cảnh quan, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đang diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp và chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Trước thực tế trên, ngay trong sáng nay, 24/3, Bộ TN&MT đã có văn bản đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương đôn đốc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; lập và công bố danh mục nguồn nước nội tỉnh và danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ phục vụ công tác lập quy hoạch cấp tỉnh.
Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia tại 3 địa phương
Sáng 24/3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đối với các mỏ tại Yên Bái, Thái Nguyên và Tây Ninh.
Báo cáo kết quả thăm dò quặng sắt khu vực Làng Mỵ 2, xã Nghĩa Tâm và xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, ông Lê Văn Quang thuộc Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm, đơn vị tư vấn cho biết: Liên đoàn đã nghiên cứu, thu thập tài liệu địa chất khoáng sản, tổng hợp kết quả thi công thực địa và các tài liệu kinh tế - xã hội có liên quan đến khu vực thăm dò nhằm bảo đảm chất lượng và nâng cao hiệu quả công tác thăm dò.
Kết quả thăm dò đã tính được trữ lượng quặng sắt cấp 122 trong diện tích thăm dò là 1.706 nghìn tấn. Ngoài ra, báo cáo đã dự tính tài nguyên cấp 333 là 550 nghìn tấn.
Cụ thể, báo cáo kết quả thăm dò mỏ than khu mỏ Núi Hồng, thuộc các xã Yên Lãng, Na Mao và Phú Cường, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, ông Lê Đức Long - Giám đốc Công ty Cổ phần Địa chất Việt Bắc - TKV, đơn vị tư vấn cho biết, đơn vị đã xác lập được cấu trúc địa chất, các yếu tố uốn nếp và sự tồn tại trong không gian của các vỉa than, xác định các thông số về chất lượng than, điều kiện địa chất thủy văn - địa chất công trình và khí mỏ của khu mỏ Núi Hồng đáp ứng yêu cầu thiết kế, khai thác than khu vực.
Báo cáo kết quả tổng hợp tài liệu đánh giá bổ sung trữ lượng chất lượng đá vôi dolomit đi kèm trong phạm vi Giấy phép khai thác số 922/GP-BTNMT ngày 28/4/2017 mỏ đá vôi, đá sét sroc Con Trăng, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, ông Võ Khắc Yên thuộc Công ty CP tư vấn mỏ và xây dựng Trường Xuân, đơn vị tư vấn cho hay, tổng trữ lượng đá vôi dolomit đi kèm cấp 121+122 xác định trong phạm vi của Giấy phép khai thác 922 trong báo cáo thăm dò năm 2006 là 16.307,62 nghìn tấn. Trong đó, trữ lượng đá vôi dolomit còn lại tính theo hiện trạng đến tháng 6/2021 là 14.385,69 nghìn tấn, trữ lượng đã khai thác là 1.921,93 nghìn tấn.
Hòn đảo ở Bồ Đào Nha hứng chịu 1.800 trận động đất chỉ trong 3 ngày
Một loạt các trận động đất nhỏ và không gây thiệt hại cho đến nay đã được ghi nhận dọc theo khe nứt núi lửa Manadas của hòn đảo ngoài khơi Đại Tây Dương. Lần gần nhất khu vực này xảy ra phun trào là vào năm 1808.
Các chuyên gia địa chấn lo ngại, một loạt các trận động đất nhỏ xảy ra trong 3 ngày qua trên đảo Sao Jorge thuộc quần đảo Azores của Bồ Đào Nha có thể báo hiệu 1 trận động đất mạnh hơn hoặc 1 vụ phun trào núi lửa. Chính quyền các khu vực trên đảo Sao Jorge đã kích hoạt các kế hoạch ứng phó khẩn cấp để phòng ngừa.
Ông Rui Marques, người đứng đầu Trung tâm Thông tin và giám sát địa chấn núi lửa khu vực Azore (CIVISA) cho biết, số lượng trận động đất được xác định trên đảo núi lửa Sao Jorge kể từ chiều thứ bảy tuần trước đã tăng lên khoảng 1.800 trận, so với con số 1.329 trước đó.
Cho đến nay, chỉ có 94 trong số 1.800 trận động đất kể trên là có thể được cảm nhận thấy. Hầu hết các trận động đất này có cường độ nhỏ, dao động trong khoảng từ 1,7 đến 3,3 độ.
Là 1 trong 9 hòn đảo thuộc quần đảo Azores, đảo Sao Jorge là nơi sinh sống của khoảng 8.400 người và là một phần của khu vực trung tâm của quần đảo, bao gồm các địa điểm du lịch nổi tiếng gồm 2 hòn đảo núi lửa Faial và Pico.
Lan Anh