Chủ nhật, 24/11/2024 07:57 (GMT+7)
Thứ sáu, 08/04/2022 18:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 8/4

Theo dõi KTMT trên

Cơn bão đầu tiên không có khả năng vào Biển Đông; Hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm môi trường; Thêm 2 nhà máy điện gió tại vùng ven biển Sóc Trăng đi vào hoạt động… là những tin tức môi trường nổi bật ngày 8/4.

Cơn bão đầu tiên không có khả năng vào Biển Đông

Sáng 8/4, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết một áp thấp nhiệt đới ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương đã mạnh thành bão. Đây là cơn bão đầu tiên hình thành trên khu vực trong năm nay, tên quốc tế Malakas.

"Theo dự báo, cơn bão này hầu như không có khả năng đi vào Biển Đông", cơ quan khí tượng nhận định.

Theo cơ quan khí tượng Nhật Bản, bão đang duy trì cường độ mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10 và có thể liên tục mạnh lên trong những ngày tới. Ngày 13/4, hình thái này khả năng ghi nhận sức gió cực đại ở cấp 12, giật trên cấp 15.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 8/4 - Ảnh 1
Dự báo cơn bão đang hoạt động ở Tây Bắc Thái Bình Dương không có khả năng di chuyển vào Biển Đông. (Ảnh: JMA)

Nhận định ban đầu cho thấy bão chỉ gây gió mạnh, sóng lớn ở khu vực vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương. Với hướng đi chủ yếu theo hướng bắc tây bắc, bão không có khả năng tác động đến đất liền Philippines.

Trước đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định vào nửa đầu tháng 4, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới. Tuy nhiên, cập nhật từ bản đồ Windy cho thấy từ nay đến ngày 15/4, khu vực chưa có dấu hiệu của bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động.

Ngày 8-9/4, ảnh hưởng của áp cao lạnh lục địa nên khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và giữa Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sóng cao 2-4 m.

Nhận định về mùa bão năm nay, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên khu vực Biển Đông sớm hơn so với trung bình nhiều năm, dự báo có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và 5-6 cơn có khả năng đi vào đến đất liền nước ta.

Trong đó, cần đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và gây gió mạnh trên biển trong các tháng mùa mưa bão năm 2022.

Hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm bảo vệ môi trường

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp trực tuyến nghe báo cáo hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo đó, Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị định cũng đã nghiên cứu tiếp thu, xem xét bổ sung hành vi vận chuyển trái phép chất thải vào Việt Nam theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính, hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động dầu khí trên biển theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; xem xét, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Kiểm ngư đối với một số hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường có liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng kiểm ngư và theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 8/4 - Ảnh 2
Ô nhiễm môi trường vẫn là một trong những vấn nạn nhức nhối hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống con người.

Xem xét, bổ sung thẩm quyền của Bộ Công an đối với các hành vi có thể phát hiện trực tiếp trên đường, bên ngoài hàng rào doanh nghiệp hoặc phù hợp với nghiệp vụ Công an nhân dân để phát hiện vi phạm như: hành vi Không trang bị hệ thống định vị vệ tinh (GPS) đối với phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại theo quy định; thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại ngoài địa bàn quy định; sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng thu gom, vận chuyển, đóng gói, bảo quản và lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định; thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại ngoài danh mục chất thải nguy hại quy định trong Giấy phép môi trường; sử dụng phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại không được đăng ký trong Giấy phép môi trường hoặc không có hợp đồng thuê phương tiện vận chuyển theo quy định.

Ngoài ra, Tổng cục Môi trường cũng đã chỉnh sửa mang tính kỹ thuật đối với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các thành viên Chính phủ khác góp ý liên quan đến vấn đề kỹ thuật soạn thảo; rà soát, chỉnh sửa kỹ thuật tại các Điều 8, 16, 25, 26, 27, 29, 30, 31 dự thảo Nghị định theo hướng quy định để phù hợp với các quy định hiện hành và dễ dàng áp dụng trong thực tế và đảm bảo đồng bộ với Bộ Luật hình sự.

Tiền phạt vi phạm trật tự xây dựng tăng gấp 1,5 lần

Nghị định số 16/2022/NĐ-CP đã điều chỉnh tăng mức phạt tiền từ 1,5 đến 2 lần so Nghị định 139/2017/NĐ-CP và tăng nặng đối với một số hành vi, nhóm hành vi có tỷ lệ vi phạm cao.

Đây là nội dung được Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn thông tin tại Hội nghị tuyên truyền và quán triệt thực hiện Nghị định 16/2022/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng diễn ra ngày 8/4.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 8/4 - Ảnh 3
Nghị định số 16/2022/NĐ-CP đã điều chỉnh tăng mức phạt tiền từ 1,5 - 2 lần so Nghị định 139 và tăng nặng đối với một số hành vi, nhóm hành vi có tỷ lệ vi phạm cao.

Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP đã điều chỉnh tăng mức phạt tiền từ 1,5 - 2 lần so Nghị định 139 và tăng nặng đối với một số hành vi, nhóm hành vi có tỷ lệ vi phạm cao. Cụ thể, vi phạm về lập, điều chỉnh quy hoạch xử phạt tối đa 300 triệu đồng (tăng 4,5 lần).

Vi phạm về trật tự xây dựng, mức xử phạt tiền cao nhất đến 1 tỷ đồng nhưng được phân tách cụ thể đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn... mỗi hành vi xử phạt tăng từ 1,5 lần trở lên; Đối với vi phạm về kinh doanh bất động sản, mức xử phạt lên đến 1 tỷ đồng; Vi phạm quy định quản lý, phát triển nhà lên 150 triệu đồng, tăng gấp 2 lần...

Thêm 2 nhà máy điện gió tại vùng ven biển Sóc Trăng đi vào hoạt động

Ngày 8/4, tại phường 2, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Vĩnh Châu - TDC đã tổ chức khánh thành nhà máy điện gió số 5 (dự án nhà máy điện gió Lạc Hòa 1).

Nhà máy điện gió số 5 có tổng mức đầu tư trên 2.400 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn. Theo ông Vũ Anh Đức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Vĩnh Châu-TDC, nhà máy đi vào hoạt động góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn nơi đây, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm; tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương, tạo điểm nhấn thu hút người thăm quan và vãng cảnh góp phần vào phát triển du lịch và tăng thu ngân sách cho địa phương.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 8/4 - Ảnh 4
Ngày 8/4, Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Vĩnh Châu - TDC đã tổ chức khánh thành nhà máy điện gió số 5 (dự án nhà máy điện gió Lạc Hòa 1).

Cũng trong ngày 8/4, tại ấp Mỹ Thanh, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng tổ chức khánh thành nhà máy điện gió số 6 (nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng).

Ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng, cho biết, nhà máy có mức đầu tư 1.420 tỷ đồng, với 6 tuabin tổng công suất 30MW.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, hiện tỉnh đang triển khai thực hiện các dự án điện gió theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) với 20 dự án với tổng công suất là 1.435 MW. Tính đến nay, tỉnh có 4 dự án đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 110,8 MW.

Tỉnh cũng đã đề nghị Trung ương tiếp tục bổ sung và Quy hoạch điện VIII các dự án điện gió cho giai đoạn tiếp theo với tổng công suất 6.358 MW gồm điện gió trên bờ là 1.108MW và điện gió ngoài khơi là 5.250 MW.

Bến Tre: Triển khai công tác ứng phó biến đổi khí hậu năm 2022

Ngày 8/4, UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu năm 2021, đồng thời triển khai các nội dung, nhiệm vụ năm 2022 theo Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2030.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 8/4 - Ảnh 5
Trong thời gian tới,Sở TN&MT Bến Tre tiếp tục triển khai có hiệu quả nhiệm vụ đảm bảo an ninh nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn.

Cụ thể, tiếp tục nghiên cứu, cập nhật đánh giá tác động biến đổi khí hậu; rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện các chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh phù hợp theo sự điều chỉnh, hướng dẫn của Trung ương và bám sát theo tình hình thực tế, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre đã được phê duyệt; tập trung phát triển kinh tế ưu tiên theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch và giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên; đẩy mạnh hợp tác vùng và quốc tế, tranh thủ mọi nguồn lực của Trung ương và tổ chức quốc tế cho các công trình, dự án quan trọng về ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre tiếp tục triển khai có hiệu quả nhiệm vụ đảm bảo an ninh nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn; thực hiện đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học, xác lập các khu bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Bến Tre, đến tháng 9/2022, trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả; đến cuối năm 2022, hoàn thành việc tham mưu Kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 8/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới