Thứ năm, 28/11/2024 06:14 (GMT+7)
Thứ tư, 13/07/2022 19:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường nổi bật hôm nay ngày 13/7

Theo dõi KTMT trên

Nhà máy điện rác Sóc Sơn sẽ vận hành chính thức vào ngày 15/7; Bộ TN&MT đốc thúc giải quyết các vấn đề nóng trong 6 tháng cuối năm; Từ 10-12/7, mưa lớn, dông, lốc, gây thiệt hại ở một số tỉnh miền Tây... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 13/7.

Nhà máy điện rác Sóc Sơn sẽ vận hành chính thức vào ngày 15/7

Theo lãnh đạo Công ty CP Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội (Công ty Thiên Ý), các công đoạn hiệu chỉnh kỹ thuật đã hoàn tất, việc vận hành thử nghiệm quy trình đốt rác lấy điện đã được kiểm tra kỹ lưỡng và nghiệm thu; nhà máy điện rác Sóc Sơn nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội) sẵn sàng cho việc tiếp nhận rác và biến rác thành điện năng vào ngày 15/7. Trong ảnh: Toàn cảnh nhà máy điện rác Sóc Sơn. 

Mỗi ngày, nhà máy sẽ tiếp nhận và đốt khoảng 4.000 tấn rác, tương đương 70% lượng rác của cả thành phố Hà Nội. Khoảng 70% rác thải sinh hoạt không phân loại của 9 quận nội thành và 5 huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ được vận chuyển về đây mỗi ngày.

Tin tức môi trường nổi bật hôm nay ngày 13/7 - Ảnh 1
Nhà máy điện rác Sóc Sơn sẽ vận hành chính thức vào ngày 15/7. (Ảnh internet)

Việc vận hành nhà máy chia làm 3 giai đoạn với tổng số 5 lò đốt và 3 tổ máy phát điện. Giai đoạn 1 sẽ có 1 lò đốt và 1 tổ máy vận hành, khoảng 1.000 tấn rác được nhà máy tiếp nhận mỗi ngày. Giai đoạn 2 gồm 2 lò đốt và giai đoạn 3 gồm 2 lò đốt nữa sẽ vận hành trong năm 2022. Trong ảnh: Công nhân vận hành thử nghiệm quy trình đốt rác, biến rác thành điện năng tại nhà máy.

Dự kiến khoảng 20MW điện sinh ra từ quá trình đốt rác sẽ phục vụ hoạt động của nhà máy, và khoảng 50MW sẽ hòa vào điện lưới quốc gia. Trong ảnh: Vận hành thử nghiệm quy trình đốt rác, biến rác thành điện năng tại nhà máy.

Bộ TN&MT đốc thúc giải quyết các vấn đề nóng trong 6 tháng cuối năm

Nhấn mạnh khối lượng nhiệm vụ trong 6 tháng tới là rất lớn, trong đó có những nhiệm vụ hết sức phức tạp, nhạy cảm liên quan đến việc sửa đổi Luật Đất đai, sửa đổi Luật Tài nguyên nước… Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị các đơn vị của ngành cần rút ra bài học kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề “nóng” mà dư luận đang hết sức quan tâm.

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong ngày 13/7, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo, điều hành quyết liệt, phân công rõ trách nhiệm; đề xuất hiến kế các giải pháp về thể chế chính sách để tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy cải cách để tạo đột phá trong phát triển, chuyển dịch mô hình tăng trưởng.

Các đơn vị trực thuộc phải tập trung triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 và các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí; các dự án được giao đất nhưng chậm đưa vào sử dụng, tổ chức được giao đất, cho thuê đất có nguồn gốc đất công; việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng; việc quản lý, sử dụng các mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác theo giấy phép; việc xả nước thải vào nguồn nước,...

Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ giám định, định giá trong các vụ việc tố tụng để đưa ra xét xử các vụ việc vi phạm pháp luật về đất đai, tài nguyên, môi trường.

Đối với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; đẩy mạnh thanh/kiểm tra đối với các dự án giao khu vực biển để nhận chìm, phối hợp với các cơ quan có liên quan giải quyết hồ sơ khảo sát đầu tư điện gió ngoài khơi.

Tương tự, Tổng cục Môi trường có trách nhiệm đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; nghiên cứu cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư đẩy nhanh việc cải tạo, phục hồi các lưu vực sông bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn tăng cường công tác dự báo cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai nhất là trong mùa mưa bão. Triển khai đề án tổng thể Đề án tổng thể quản lý thông tin cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi và trung du..

Từ 10-12/7, mưa lớn, dông, lốc, gây thiệt hại ở một số tỉnh miền Tây

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, từ ngày 10-12/7, mưa lớn, dông, lốc… đã gây thiệt hại tại một số tỉnh miền Tây.

Tại tỉnh Kiên Giang, do ảnh hưởng của vùng áp thấp ở Biển Đông, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang xảy ra mưa lớn, dông lốc, gây nhiều thiệt hại về tài sản của Nhà nước và người dân. Ước tính thiệt hại về vật chất ban đầu là hơn 1,5 tỷ đồng.

Tại tỉnh Vĩnh Long, mưa lớn, gió mạnh đã làm tốc mái 25 căn nhà; sạt lở một đoạn đê bao sông Măng ở ấp Tân An, xã Chánh An, huyện Mang Thít chiều dài 40m, rộng 10m và sâu 7m. Ước tính tổng thiệt hại ban đầu trên 620 triệu đồng.

Tin tức môi trường nổi bật hôm nay ngày 13/7 - Ảnh 2
Từ 10-12/7, mưa lớn, dông, lốc, gây thiệt hại ở một số tỉnh miền Tây. (Ảnh internet)

Mưa to kèm theo dông lốc, nước biển dâng cao trong những ngày qua đã uy hiếp đến tuyến đê biển Tây tỉnh Cà Mau. Sáng 12/7, đoạn đê biển Tây qua địa phận xã Khánh Bình Tây xuất hiện 3 vị trí sạt lở mới rất nghiêm trọng với tổng chiều dài khoảng 110m. Ngoài ra, mực nước biển dâng cao gây tràn cục bộ 3 vị trí với chiều dài 75m tại khu vực tuyến đê thuộc địa phận xã Khánh Tiến, huyện U Minh.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ thu dọn, khắc phục, sửa chữa căn nhà bị thiệt hại nhẹ, giúp người dân ổn định cuộc sống, đồng thời khảo sát, đánh giá thiệt hại thiên tai để có biện pháp hỗ trợ.

Đối với đoạn đê bao bị sạt lở, chính quyền địa phương di dời người dân, tài sản đến nơi an toàn, đặt biển cảnh báo sạt lở nguy hiểm và khảo sát, đề xuất giải pháp khắc phục…

Các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo về diễn biến gió mạnh, sóng lớn trên biển; thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn về người, tài sản và có kế hoạch sản xuất phù hợp, nhất là các tàu nhỏ đánh bắt ven bờ; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Nghệ An: Hé lộ nguyên nhân nước sinh hoạt màu vàng và lắng cặn

Tại Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngày 13/7. Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Trường Giang cho rằng, nguyên nhân bước đầu nước sinh hoạt màu vàng và lắng cặn được xác định do trong quá trình vận chuyển từ nhà máy đến các hộ gia đình không đảm bảo.

Thời gian từ ngày 20-28/6 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chỉ đạo Sở Xây dựng các cơ quan thường trực Ban chỉ đạo cấp nước đã phối hợp với các sở, ngành liên quan như: Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Tài chính đã thực hiện kiểm tra tại thực địa hệ thống từ nhà máy đến các hộ nhà dân.

Qua báo cáo kết quả sơ bộ bước đầu, nước đầu vào sông Đào và sông Lam không có biến động nhiều so với các năm trước, có một vài chỉ số không đạt yêu cầu. Về nước sạch đầu ra, qua kết quả xét nghiệm Sở Y tế cho tổ chức kiểm tra theo định kỳ thì cũng phát hiện từ 1 đến 3 chỉ số chưa đạt.

Tin tức môi trường nổi bật hôm nay ngày 13/7 - Ảnh 3
Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An Nguyễn Trường Giang thông tin tại kỳ họp. (Ảnh: Báo Công Thương)

Tuy nhiên, qua kiểm tra chất lượng nước tại nhà máy và chất lượng các hộ nhà dân là có sự chênh lệnh về chỉ số xét nghiệm hóa học cả chỉ số về vật lý. Tại nhà máy chất lượng nước sạch cơ bản đảm bảo nhưng một số khu vực tại nhà dân nước có hiện tượng đục thậm chí rất đục.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy nước sản xuất cung cấp trên địa bàn thành phố Vinh có 3 nhà máy: Nhà máy nước Hưng Vĩnh, Nhà máy nước Cầu Bạch, nhà máy nước Hưng Nguyên. Qua kết quả xét nghiệm không phải các khu vực nước đều đục.

Nguyên nhân được xác định là do quá trình vận chuyển từ nhà máy đến các hộ gia đình, chất lượng nước tại nhà máy vào các hộ gia đình là khác nhau, các khu vực khác nhau chất lượng nước cũng khác nhau. Thứ hai thông số qua kiểm tra đối với chất lượng nước ở các hộ gia đình có 1 đến 4 thông số chưa đạt.

Đắk Lắk cần xây dựng phương án ứng phó các loại hình thiên tai mới xuất hiện

Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Trưởng Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai với UBND tỉnh Đăk Lăk trong buổi làm việc về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, sáng 13/7.

Phát biểu tại cuộc họp, các thành viên Đoàn công tác cho rằng, Đắk Lắk là tỉnh trung tâm của khu vực Tây Nguyên có diện tích lớn thứ 5, dân số đứng thứ 10 cả nước. Đắk Lắk chịu ảnh hưởng chịu ảnh hưởng 11/21 loại thiên tai, có 5 thiên tai chủ yếu là hạn hán, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất. Giai đoạn 2010-2020, thiên tai gây thiệt hại 15.000 tỷ đồng, bình quân thiệt hại 1.000 tỷ đồng/năm cho tỉnh. Tuy nhiên, những năm qua, tỉnh Đắk Lắk là điểm sáng trong khu vực về công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai. Mỗi năm tỉnh đã trích khoảng 700-900 triệu đồng cho công tác nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp; từ năm 2015, tỉnh đã thành lập và phát huy được vai trò của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy chuyên trách; tỉnh xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố về đánh giá kết quả Bộ chỉ số phòng chống thiên tai cấp tỉnh...

Tin tức môi trường nổi bật hôm nay ngày 13/7 - Ảnh 4
Đắk Lắk chịu ảnh hưởng chịu ảnh hưởng 11/21 loại thiên tai, có 5 thiên tai chủ yếu là hạn hán, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất. (Ảnh: TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Vỹ đề nghị tỉnh Đắk Lắk tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng về ứng phó, phòng chống thiên tai. Xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai theo quy định. Tổ chức kiểm tra, rà soát, bổ sung phương án ứng phó thiên tai, phương án phải được phổ biến đến cộng đồng. Chỉ đạo lực lượng xung kích phòng chống thiên tai địa phương 184/184 xã triển khai rà soát các điểm có nguy cơ cao mất an toàn về lũ quét, sạt lở đất. Đẩy nhanh tiến độ các công trình đang thi công, có phương án đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ chính vụ, dừng thi công khi có mưa, lũ lớn, nhất là các hồ chứa nhỏ. Tổ chức diễn tập để nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ, nhất là thiên tai cực đoan như năm 2009.

Để làm tốt hơn công tác phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn có phương án ứng phó cụ thể với các loại hình thiên tai mới xuất hiện trên địa bàn. Như nghiên cứu việc phát triển điện gió, điện mặt trời có gây ra những rủi ro thiên tai nào không? Bên cạnh đó, tỉnh cần đưa vào danh mục để có kế hoạch, phương án khắc phục sự xuống cấp của các hồ thủy lợi nhỏ được xây dựng từ lâu. Trao đổi các dữ liệu này với các cơ quan cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn để nhận các dự báo định lượng mưa, phục vụ việc đảm bảo an toàn hồ đập, tính mạng người dân.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường nổi bật hôm nay ngày 13/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới