Chủ nhật, 24/11/2024 11:50 (GMT+7)
Thứ hai, 25/07/2022 18:55 (GMT+7)

Tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 25/7

Theo dõi KTMT trên

Nhà máy điện rác lớn nhất chính thức hòa lưới điện quốc gia; Phạt đến 1 tỷ đồng nếu nhập khẩu phế liệu không có trong Danh mục; EU nóng kỷ lục, đề nghị đặt giới hạn nhiệt độ để làm việc ngoài trời... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 25/7.

Nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam chính thức hòa lưới điện quốc gia

Sáng 25/7, Nhà máy Điện rác Sóc Sơn đã chính thức hòa lưới điện quốc gia với công suất phát điện từ việc đốt rác của giai đoạn 1 là 15 MW.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Tổng giám đốc phát triển thị trường tại Đông Nam Á của Công ty cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý (Công ty Thiên Ý) cho biết, vào hồi 8 giờ 5 phút sáng 25/7, nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn đã hòa lưới điện quốc gia. Như vậy, sau rất nhiều những lần lỗi hẹn vì các lý do khách quan và chủ quan, cuối cùng, nhà máy này đã chính thức vận hành giai đoạn 1.

Tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 25/7 - Ảnh 1
Nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam chính thức hòa lưới điện quốc gia.

Dự kiến khoảng 20 MW điện sinh ra từ quá trình đốt rác sẽ phục vụ hoạt động của nhà máy và khoảng 50 MW sẽ hoà vào điện lưới quốc gia. Việc vận hành nhà máy chia làm 3 giai đoạn với tổng số 5 lò đốt và 3 tổ máy phát điện. Giai đoạn 1 sẽ có 1 lò đốt và 1 tổ máy vận hành, khoảng 1.000 tấn rác tươi sẽ được nhà máy tiếp nhận mỗi ngày. Giai đoạn 2 gồm 2 lò đốt và giai đoạn 3 gồm 2 lò đốt nữa sẽ vận hành trong năm 2022.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng bằng vốn nước ngoài. Chủ đầu tư là Công ty CP môi trường năng lượng Thiên Ý, Tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện. Dự án này được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương từ cuối năm 2017, do nhà đầu tư nước ngoài thi công và vận hành.

Đây được xem là nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam với công suất 4.000 tấn rác khô, tương đương gần 5.000 tấn rác tươi mỗi ngày. Tổng công suất của nhà máy sẽ xử lý được 5.000 tấn rác/ngày; giải quyết được từ 60-70% lượng rác đang chôn lấp của TP.Hà Nội hiện nay. 

Như vậy, mỗi ngày, nhà máy này sẽ tiêu thụ đến 80% lượng rác cần chôn lấp mỗi ngày của TP Hà Nội. Nếu điều này thành hiện thực thì đây sẽ là lời giải cho bài toán xử lý rác của Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước khi thực tế, các bãi chôn lấp rác đã gần đầy và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nhiều nơi.

Phạt đến 1 tỷ đồng với hành vi nhập khẩu phế liệu không có trong Danh mục

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó Phạt tiền từ 900.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu phế liệu có chứa chất phóng xạ; nhập khẩu phế liệu không thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường.

Ngoài ra, phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng đối với hành vi kho hoặc bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định; lưu giữ phế liệu nhập khẩu tại khu vực không phải là kho, bãi lưu giữ đã được cấp giấy phép môi trường;

Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi không có kho hoặc bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu đáp ứng điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; không ký hợp đồng trực tiếp với tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất;

Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng đối với hành vi không có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu theo quy định; không xử lý tạp chất đi kèm phế liệu hoặc không chuyển giao tạp chất cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định; không phân định, phân loại chất thải phát sinh từ quá trình sử dụng phế liệu nhập khẩu để có phương án xử lý chất thải phù hợp theo quy định;

Phạt tiền từ 170.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu phế liệu vượt quá khối lượng cho phép trong giấy phép môi trường;

Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 230.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phế liệu nhập khẩu không đúng quy định;

Phạt tiền từ 230.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu phế liệu không đúng chủng loại trong giấy phép môi trường theo quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Đợt nắng nóng mới tại miền Bắc sẽ lên cao điểm vào ngày nào?

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tại, hiện tượng ENSO đang tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina và nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương trong tuần cuối tháng 7 tiếp tục thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) là 0,6 độ C.

Dao động MJO trong thời kỳ 10 ngày tới ít ảnh hưởng đến nước ta.

Trong cả thời kỳ dự báo, có khoảng 1 xoáy thuận nhiệt đới xuất hiện trên khu vực Biển Đông nhưng xác suất xuất hiện không cao.

Nắng nóng tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ vẫn có khả năng xuất hiện nhưng không gay gắt và không kéo dài. Nắng nóng có khả năng tập trung nhiều trong khoảng đầu tháng 8/2022.

Tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 25/7 - Ảnh 2
Nắng nóng có khả năng tập trung nhiều trong khoảng đầu tháng 8/2022.

Trong cả thời kỳ dự báo nhiệt độ trung bình phổ biến trên phạm vi toàn quốc có xu hướng cao hơn từ 0,5-1,0 độ; riêng khu vực Trung Bộ ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.

Tổng lượng mưa (TLM) tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có xu hướng thấp hơn từ 10-20% so với TBNN cùng thời kỳ; khu vực Trung và Nam Trung Bộ cao hơn từ 10-30%; khu vực Tây Nguyên xấp xỉ TBNN và Nam Bộ TLM cao hơn từ 5-10% so với TBNN cùng thời kỳ.

Dự báo ngày 25/7, ở khu vực Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; khu vực vùng núi từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trên 35 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày từ 55-65%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 13-16h.

Bước tiến mới kiểm soát khai thác khoáng sản bằng công nghệ viễn thám

Các nhà khoa học của Cục Viễn thám quốc gia vừa nghiên cứu, ứng dụng thành công công nghệ kết hợp ảnh viễn thám và ảnh UAV trong giám sát kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản ở Việt Nam. Đây là cải tiến mới trong công tác giám sát, kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản bằng ứng dụng công nghệ số, mang lại hiệu quả cao về kinh tế , tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian và sức lực của người lao động.

Theo bà Lê Minh Huệ, Phó Giám đốc Đài Viễn thám Trung ương, Chủ nhiệm đề tài, công nghệ viễn thám ngày càng phát triển, đa dạng với nhiều loại thông tin, dữ liệu có tần suất cao, đa thời gian, đa độ phân giải, độ phủ rộng trên phạm vi lãnh thổ, thời gian truyền dữ liệu đạt tới gần thời gian thực; cho phép tiếp cận các vùng sâu, vùng xa, nguy hiểm mà con người khó hoặc không thể tiếp cận bằng các phương pháp truyền thống.

Trong khuôn khổ Dự án sản xuất thử nghiệm “Giám sát, kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản tại một số tỉnh trọng điểm phía Bắc bằng công nghệ kết hợp ảnh viễn thám và ảnh chụp từ thiết bị bay không người lái”, Nhóm nghiên cứu đã phân tích ảnh viễn thám về tinh và ảnh UAV theo phương pháp kỹ thuật số, kết hợp phương pháp chuyên gia để xác định diễn biến hoạt động khai thác khoáng sản theo đơn vị tỉnh.

Cùng với đó, kiểm chứng, đánh giá hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ kết hợp ảnh viễn thám vệ tinh và ảnh chụp từ thiết bị không người lái (UAV) để xác định vùng khai thác mới xuất hiện định kỳ với tần suất cần thiết.

EU nóng kỷ lục, đề nghị đặt giới hạn nhiệt độ để làm việc ngoài trời

Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục khi nhiệt độ ở hầu hết các nước thành viên đều vượt ngưỡng 40 độ C hồi cuối tuần qua. Trước thực tế này, các công đoàn đã kêu gọi Ủy ban châu Âu đặt giới hạn nhiệt độ tối đa với người lao động khi làm việc ngoài trời.

Ngày 25/7, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Công đoàn châu Âu (ETUC) Claes-Mikael Stahl cho hay: "Những người có đặc thù làm việc ngoài trời hiện là bộ phận bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng khí hậu và họ cần được bảo vệ khỏi những mối nguy khi nhiệt độ ngày càng khắc nghiệt".

Theo ETUC, Bỉ, Hungary và Latvia là ba nước duy nhất tại EU có quy định về việc hạn chế người lao động phải làm việc ngoài trời khi nhiệt độ tăng cao.

Tây Ban Nha cũng có một số giới hạn về nhiệt độ môi trường làm việc nhưng chỉ tập trung vào một vài ngành nghề nhất định. Và tuần trước, khi nhiệt độ vượt quá 40 độ C, ít nhất 3 lao động phải làm việc ngoài trời ở Madrid đã thiệt mạng vì sốc nhiệt.

Tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 25/7 - Ảnh 3
EU đang hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục khi nhiệt độ ở hầu hết các nước thành viên đều vượt ngưỡng 40 độ C hồi cuối tuần qua.

Năm 2020, ít nhất 12 người đã thiệt mạng khi làm việc ngoài trời trong đợt nắng nóng kỷ lục tại Pháp.

Ông Claes-Mikael Stahl nhấn mạnh: “Những đợt nắng nóng cực đoan có thể gây tử vong cho những ai phải làm việc dưới ánh nắng mặt trời mà không được bảo vệ. Châu Âu cần một chính sách chung về giới hạn nhiệt độ tối đa để làm việc ngoài trời vì thời tiết biến động là yếu tố không thể lường trước".

Sự ấm lên toàn cầu được cho là nguyên nhân của đợt nắng nóng khủng khiếp ở châu Âu thời gian qua. Liên hợp quốc đã cảnh báo hàng chục triệu người sẽ bị ảnh hưởng khi nhiệt độ trái đất tăng lên.

Theo khảo sát của Eurofound, 23% lao động ở châu Âu tiếp xúc với nhiệt độ cao trong 1/4 thời gian làm việc. Con số này tăng lên 36% và 38% trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng.

Nhiều nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra rằng nhiệt độ cao có liên quan đến một số căn bệnh mãn tính và làm tăng nguy cơ xảy ra chấn thương tại nơi làm việc.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 25/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới