Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hướng đến hình thành đô thị cảng biển trong tương lai
Theo kế hoạch đến năm 2025, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ hướng đến hình thành "Đô thị cảng trong tương lai" bằng việc phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa,...
Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP của tỉnh đạt xấp xỉ 4,4%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics bình quân là 8%; tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đạt bình quân 100 triệu tấn/năm.
Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh tại khu vực thị xã Phú Mỹ và TP.Vũng Tàu, nhằm nâng cao hiệu quả kết quả kết nối giữa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với các tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các nước trong khu vực tam giác phát triển.
Để hoàn thiện kế hoạch đặt ra, Lãnh đạo các Sở ban ngành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang kiên trì thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc các dự án quy mô lớn, có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, nỗ lực xây dựng tốt môi trường đầu tư kinh doanh, công khai, minh bạch các thông tin, đáp ứng nhu cầu, tạo sự thuận tiện hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp, từ đó phát triển khu vực kinh tế tư nhân, hướng tới hình thành một số doanh nghiệp địa phương đủ năng lực để tham gia liên kết với các tập đoàn kinh tế lớn.
Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ lâu tỉnh đã là một trong ba cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Nam, có điều kiện thuận lợi về hệ thống hạ tầng cảng biển, gần sân bay quốc tế Long Thành đang được xây dựng.
“Với các điều kiện thuận lợi nêu trên, ngành logistics đã được xác định là một trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh, là động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới”, ông Thọ nhấn mạnh.
Cần nhanh chóng hoàn thiện hệ sinh thái logistics
Theo ông Đỗ Công Khanh, Chủ tịch Cảng Quốc tế Gemalink, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gemadept - Gemalink (GML), tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông liên kết vùng, sớm triển khai trung tâm logistics Cái Mép Hạ, thu hút đầu tư đối với các ngành hàng sử dụng container, chính sách thông thoáng, đột phá để thu hút đầu tư.
“ Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần có chính sách ưu đãi đối với các hãng tàu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics, sản xuất lớn. Cùng với đó, đồng hành tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp...”, ông Khanh đề xuất.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thọ cho rằng, toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 57 bến cảng được quy hoạch, trong đó đã đưa vào khai thác 28 bến cảng, tổng chiều dài cầu bến 11,6km. Riêng khu vực Cái Mép-Thị Vải có 35 bến cảng, hiện đã đưa vào khai thác 17 bến. Cùng với phát triển cảng biển, ngành dịch vụ hậu cần cảng đang từng bước hình thành hệ sinh thái logistics, kết nối Bà Rịa-Vũng Tàu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Để hoàn thiện hệ sinh thái logistics nâng cao hoạt động hiệu quả của hệ thống cảng biển, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ nỗ lực hoàn thành các tuyến giao thông kết nối tỉnh với vùng Đông Nam bộ, thúc đẩy liên kết vùng.
Cùng với đó, hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, thành lập khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, thu hút nhà đầu tư chiến lược và thiết kế hệ sinh thái hoàn chỉnh, đồng bộ, áp dụng các chuẩn mực hàng đầu quốc tế”, ông Thọ thông tin thêm.
Định hướng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là tập trung phát triển các trung tâm logistics trên hành lang kinh tế ven biển, phát triển các trung tâm logistics phục vụ trung chuyển hàng hóa giữa địa phương với các tỉnh, thành khác ở khu vực phía Nam, trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua các cảng biển.
Đồng thời, phát triển khu mậu dịch tự do Cái Mép-Thị Vải để tạo điều kiện thu hút các tập đoàn kinh tế toàn cầu dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu về khu vực này.
Ngoài ra, thành lập trung tâm phân phối hàng hóa kết nối sân bay Long Thành và cảng Cái Mép-Thị Vải nhằm kết hợp vận tải đa phương thức.
Yến Thanh