Tình trạng báo động nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa nắng nóng
Ủy ban sông Mê Công Việt Nam nhận định, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang có chiều hướng giảm nhưng do lượng nước về từ thượng lưu còn ở mức thấp, mùa mưa bắt đầu muộn nên xâm nhập mặn vẫn ở mức cao.
Tình trạng báo động nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa cao điểm nắng nóng
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng khủy văn quốc gia, mùa mưa năm 2024 đến muộn, tổng lượng mưa trên các khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong tháng 5/2024 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 20%.
Ủy hội sông Mê Công quốc tế và các tổ chức quốc tế dự báo lượng mưa trong tháng 5/2024 trên lưu vực sông Mê Công thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-30%. Các hồ trên sông Lan Thương đang chứa ở mức khoảng 40% tổng dung tích hữu ích, các hồ ở Hạ lưu vực sông Mê Công cũng đang chứa ở mức khoảng 35% dung tích hữu ích và có thể sẽ tiếp tục phát điện như hiện nay. Với các điều kiện như trên và nhận định dòng chảy từ sông Lan Thương vẫn ở mức thấp, dòng chảy qua trạm Kra-chê trong tháng 5/2024 biến động trong khoảng từ 8,9 tỷ m3 đến 10,7 tỷ m3, trong khi lượng nước trữ ở Biển Hồ hiện tại là 1,2 tỷ m3 nên sẽ đóng góp không đáng kể ra dòng chính sông Mê Công trong thời gian tới.
Trong tháng 5/2024, tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có diễn biến như sau: Mực nước lớn nhất ngày tại trạm Tân Châu trong tháng 5/2024 có xu thế biến động theo thủy triều trong khoảng từ 0,9 m đến 1,4 m. Lưu lượng trung bình ngày tới Đồng bằng sông Cửu Long qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 5/2024 được nhận định là sẽ biến động trong khoảng từ 3.200 m3/s đến 5.200 m3/s, ở mức thấp hơn TBNN và cùng kỳ năm 2023 nhưng cao hơn so với năm 2020. Tổng lượng dòng chảy trong tháng 5/2024 qua hai trạm này có thể sẽ ở mức từ 9,7 tỷ m3 đến 11 tỷ m3 ở mức thấp hơn TBNN khoảng từ 19 đến 28%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 khoảng từ 7 đến 18% nhưng cao hơn cùng kỳ năm 2020 khoảng từ 16 đến 30%.
Ủy ban sông Mê Công Việt Nam nhận định, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã vượt qua thời kỳ xâm nhập mặn lớn nhất và đang có chiều hướng giảm, tuy nhiên do lượng nước về từ thượng lưu còn ở mức thấp, mùa mưa ở ĐBSCL bắt đầu muộn nên xâm nhập mặn vẫn ở mức cao và có thể tiếp tục ảnh hưởng đến cuối tháng 5. Đặc biệt là trên sông Vàm Cỏ Tây, do nguồn nước cung cấp trong thời gian tới vẫn rất hạn chế, nên tình hình xâm nhập mặn tiếp tục kéo dài và có thể ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Dự báo chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các sông chính ở mức 40-50km trên sông Tiền, sông Hậu, từ 90-110 km trên sông Vàm Cỏ Tây.
Do tình hình xâm nhập mặn vẫn còn diễn biến phức tạp, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam khuyến nghị các địa phương cần tiếp tục chủ động giám sát mặn, cập nhật các thông tin dự báo mặn để chủ động điều tiết mặn ngọt phục vụ sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như các tác hại khác của hạn mặn trên địa bàn. Các địa phương vùng thượng nguồn đồng bằng xem xét xuống giống vụ hè thu sớm tại các chân ruộng đủ điều kiện về nguồn nước.
Tìm giải pháp đảm bảo nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 27/4 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giải pháp về nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long" tại TP. Cần Thơ. Hội thảo nhằm thúc đẩy, tìm giải pháp, đồng thời, đề xuất các cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng nguồn nước hợp lý, hướng tới mục tiếu phát triển bền vững cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Hồng Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) đã nêu ra những thách thức đối với nguồn nước vùng ĐBSCL là phụ thuộc vào nước ngoài; đồng thời, phân bố không đồng đều theo không gian và thời gian; chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, cùng với đó là vấn đề suy giảm dòng chảy, nguy cơ ô nhiễm xuyên biên giới, áp lực về gia tăng dân số và phát triển kinh tế - xã hội.
Từ những thách thức trên, ông Nguyễn Hồng Hiếu cho rằng, về giải pháp trước mắt là tiếp tục theo dõi chặt chẽ, cập nhật liên tục các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng hạn chế thiệt hại.
PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Giảng viên Cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ đưa ra nhiều giải pháp về nguồn nước vùng ĐBSCL. Trong đó, cần tập trung cắt giảm các sản xuất công nghiệp có mức xả thải cao; tăng cường pháp chế liên quan kiểm soát nguồn nước; thường xuyên theo dõi các vấn đề nước xuyên biên giới trên lưu vực; tăng cường bảo tồn nguồn nước và sử dụng nước hợp lý và chia sẻ thông tin nguồn nước rộng rãi, hiện đại hóa hệ thống quan trắc nguồn nước.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đưa ra cảnh báo an ninh nguồn nước từ các tác động lớn gây ra nhiều bất lợi đối với Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện, Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu 3 loại tác động lớn và rất bất lợi như phát triển thượng lưu sông Mê Công, với nhiều hồ chứa được xây dựng, dung tích hữu ích hiện nay ước tính khoảng 69-73 tỷ m3. Tác động từ biển, trong đó nước biển dâng là quan trọng nhất và lún sụt mặt đất do cấu kết tự nhiên và con người khai thác nước ngầm, xây dựng hạ tầng gây ra. Trong đó, 2 yếu tố đầu tiên và một phần yếu tố thứ 3 là từ bên ngoài, đặt Đồng bằng sông Cửu Long vào thế phải chống đỡ, thích nghi.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bá Hoằng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận diện và định hướng chiến lược quan trọng đối với đồng bằng là chủ động thích nghi có kiểm soát, làm chủ tình huống khi bất lợi xảy ra, lấy tài nguyên nước làm cốt lõi để bố trí sản xuất, định hướng phát triển.
Đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động về nguồn nước cho các vùng sản xuất dựa theo sinh thái tự nhiên, với 3 loại hình tiêu biểu là thủy sản mặn lợ ven biển, trái cây và lúa gạo.
Hà My