Chủ nhật, 24/11/2024 08:02 (GMT+7)
Thứ ba, 24/05/2022 11:10 (GMT+7)

Tình trạng phân lô bán nền: Cấm hay quản?

Theo dõi KTMT trên

Tình trạng phân lô bán nền hiện nay đang diễn ra tràn lan ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, căn bệnh “không quản được thì cấm” đã trầm kha đến mức cần phải nhanh chóng trị tận gốc, nếu không muốn nó tiếp tục cản trở, thậm chí kéo lùi sự phát triển.

Với Luật Đất đai 2013, mặc dù vẫn còn những bất cập, nhưng cũng đã dành phạm vi khá rộng cho phân lô, bán nền. Đến Nghị định 43/2014 đã "siết" lại một mức. Rồi đến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lại tiếp tục "siết" thêm, đến mức gần như không còn “chỗ thở”. Vậy, lý do nào dẫn đến cơ sự này?

Vấn đề ở quản lý, lỗi không phải ở phân lô bán nền

Nhiều chuyên gia phân tích, việc siết chặt phân lô bán nền là để giữ quỹ đất cho phát triển đô thị. Điều này không hẳn đúng. Bởi trong khoản 2, Điều 41, Nghị định 43 cũng như Dự thảo nghị định lần này chỉ "siết" hình thức phân lô bán nền chứ không phải hạn chế nhà thấp tầng nói chung.

Tình trạng phân lô bán nền: Cấm hay quản? - Ảnh 1
Các khu đất được phân lô bán nền tại Thanh Hoá. (Ảnh: Lưu Vân)

Nhìn từ thực tế cho thấy, phát triển loại hình nhà thấp tầng theo hình thức xây nhà sẵn để bán sẽ đòi hỏi vốn lớn hơn và kén khách hơn mà thôi. Từ phân tích này dẫn đến việc, cũng không thể nói phân lô bán nền không mang lại nhiều giá trị dài hạn cho Nhà nước vì chuyển sang đất ở có thời hạn lâu dài và chỉ thu tiền một lần là xong. Như vậy, mấu chốt ở đây là vấn đề quản lý, chứ lỗi không phải ở phân lô bán nền.

Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng, do phát triển loại hình phân lô bán nền nên nhiều nhà đầu tư mua đất ở sau đó chuyển sang xây dựng khách sạn, nhà hàng, các công trình dịch vụ thương mại... để khai thác giá trị dòng tiền, gây nên xung đột trong quá trình sử dụng với các hộ gia đình xây nhà để ở, đồng thời làm quá tải hạ tầng đô thị tại khu vực.

Thực tế điều này là có thật. Nhưng nếu có ý định trên, nhà đầu tư vẫn có thể lách luật bằng cách mua nhà xây sẵn rồi cải tạo, sửa chữa để chuyển đổi công năng sử dụng và thực tế này cũng đã diễn ra; chỉ có điều, như trên đã nói, nó gây thêm sự lãng phí cho nhà đầu tư và xã hội mà thôi. Như vậy, vấn đề ở đây cũng là quản lý chứ tội lỗi không phải ở phân lô bán nền.

Có ý kiến lại cho rằng, siết chặt quản lý phân lô bán nền là để ngăn chặn, hạn chế các dự án ma theo kiểu Alibaba. Điều này là có khả năng, bởi vụ việc xảy ra ở Alibaba đã gây ảnh hưởng xã hội và kinh tế không nhỏ và nó bộc lộ "lỗ hổng" lớn trong quản lý cả ở chiều dọc và chiều ngang, cả ở cấp độ hành chính địa phương và lĩnh vực quản lý của cơ quan chức năng.

Mặt khác, một giả thiết đặt ra ở đây, liệu chỉ cấm phân lô bán nền trong khu vực nội đô có đủ sức ngăn chặn “những Alibaba”, khi mà công tác quản lý vẫn lỏng lẻo, được chăng hay chớ? Như vậy, vấn đề ở đây vẫn là công tác quản lý, chứ tội lỗi không phải ở phân lô bán nền.

Song song với đó, có một lý do cũng được nêu ra, đó là hạn chế phân lô bán nền sẽ tạo thuận tiện cho quản lý trong cả kiến trúc và phát triển đô thị. Bởi vì, nếu là bán nhà xây sẵn, chính quyền và cơ quan chức năng chỉ phải quản chủ đầu tư hoặc nhà phát triển bất động sản là xong, thay vì phải quản đến từng hộ, từng ngôi nhà, với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn khách hàng nếu phân lô bán nền.

Nếu đây là nguyên nhân thật thì lỗi vẫn không phải tại phân lô bán nền, mà sâu xa là do tư tưởng muốn giành phần dễ, cái an toàn cho mình; đẩy cái khó, cái khổ cho doanh nghiệp và người dân mà thôi. Và điều đó thì không chỉ tệ hại ở chỗ cơ quan quản lý muốn “chọn việc nhẹ nhàng”, mà còn gây tốn kém, lãng phí xã hội và triệt tiêu một nguồn lực để phát triển kinh tế đang rất cần trong bối cảnh hiện nay.

Biện pháp quản lý: Cấm hay quản?

Để giúp tháo gỡ cho doanh nghiệp trong tình hình ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và chu kỳ chững lại của thị trường bất động sản sau một thời gian bật tăng, phương án tốt nhất trong lúc này là cởi mở hơn trong quản lý.

Thứ nhất là quản bằng quy hoạch. Việc cần giữ nguồn lực đất đai cho phát triển ngắn hạn, trung hạn, dài hạn hoàn toàn có thể được bảo đảm bằng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị. Trong đó, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng có thể chủ động hoạch định kế hoạch sử dụng đất cho từng khu vực theo từng giai đoạn để phục vụ cho phát triển kinh tế, phát triển đô thị của địa phương theo từng giai đoạn cụ thể.

Đồng thời, đó là lập quy hoạch kiến trúc, nếu chưa lập được cho cả thành phố, thị xã thì cũng có thể lập cho từng khu vực, từng dự án và quản lý theo quy hoạch đó. Đặc biệt, đối với dự án có phân lô bán nền, có thể quy định cụ thể chiều cao, số tầng, khoảng lùi, màu sắc, phong cách mặt tiền… để tạo sự thống nhất và bản sắc đô thị, nhất là bản sắc về kiến trúc. Như thế, cơ quan chức năng hoàn toàn quản lý được sự phát triển đô thị, bảo đảm bộ mặt đô thị thống nhất, có bản sắc mà lại tránh được sự đơn điệu, nhàm chán như bán nhà xây sẵn.

Nhiều ý kiến cho biết, về nỗi lo phân lô bán nền sẽ dẫn đến việc xây dựng "xôi đỗ", nham nhở, không đồng bộ, nhà xây trước nhà xây sau, thậm chí kéo dài hàng chục năm, điều này cũng hoàn toàn có thể khắc phục được bằng cách quy định tiến độ, thời gian xây dựng. Nếu trong thời hạn quy định mà chủ nhà chưa xây dựng, có thể phạt hành chính hoặc thu hồi như kiểu thu hồi dự án treo chẳng hạn.

Còn việc để xảy ra vụ việc Alibaba như vừa qua thì lỗi là do công tác quản lý chứ không phải tại phương thức phân lô bán nền. Việc bán đất nền dự án cần sự tiếp thị và quảng cáo, thậm chí là rầm rộ, nên không thể nói là chính quyền địa phương không biết. Do đó, nếu phát hiện sớm và vào cuộc sớm, đồng thời có biện pháp kiên quyết thì không thể có “Alibaba” nào tồn tại được.

Với những mặt trái, tiêu cực của phân lô bán nền là có thực, nhưng nó không xuất phát từ nội tại của phương thức này, mà chủ yếu là do sự buông lỏng công tác quản lý. Do đó, hoàn toàn có thể thay “cấm” bằng các biện pháp quản lý.

Như vậy, sẽ vừa tạo thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp, vừa khai thác tốt nhất nguồn lực đất đai, lại tạo điều kiện cho đô thị phát triển phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh và trình độ…, mà vẫn bảo đảm đúng định hướng, đúng quy hoạch và phát triển bền vững.

Luật Đất đai sửa đổi cần cấm phân lô bán nền

Trong một chia sẻ mới đây, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nói về vấn đề liên quan đến sửa đổi Luật Đất đai cho rằng, luật vẫn còn vĩ mô, chưa giải quyết các vấn đề cụ thể.

Cùng với đó, GS. Đặng Hùng Võ đề xuất ban soạn thảo "cấm chia lô bán nền, chỉ sử dụng cách thức này ở một số vùng nông thôn đang cần đất ở cho các hộ gia đình tách ra từ một hộ, không mang tính thị trường".

Tình trạng phân lô bán nền: Cấm hay quản? - Ảnh 2
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Lý giải về đề xuất này, ông Võ cho biết, sau Luật Đất đai 2003, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã viết tay yêu cầu Nghị định 181 phải có điều cấm hoàn toàn phân lô bán nền ở khu vực đô thị và phát triển quy hoạch đô thị.

Mặt khác, chỉ vài năm sau đó, quy định lại mở hơn, cho phép phân lô bán nền ở thị trấn và nông thôn. Đến Luật Đất đai 2013 thì cho phép chia lô bán nền ngay trung tâm thành phố.

Hệ lụy là người dân tích tiền trong đất, để nguyên đất mà không xây dựng hạ tầng phát triển kinh doanh. Điều này chỉ mang lại hiệu quả kinh tế ngắn hạn, lâu dài sẽ phát sinh nhiều hệ lụy, làm cạn kiệt tài nguyên.

Ông Võ khẳng định, sốt đất đầu tiên là ở đất nền, sau đó mới ở loại đất khác, do đó cơ chế chia lô bán nền phải dứt khoát bỏ.

Trên thực tế, sau gần 10 năm thi hành, Luật Đất đai 2013 vẫn chưa đáp ứng được hết yêu cầu thực tiễn đặt ra. Tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 889/QĐ-TTg về danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Đối với Luật Đất đai 2013, sẽ có 6 điểm trong phạm vi cần sửa đổi, bổ sung.

Thứ nhất, sửa đổi thống nhất về các khái niệm “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”, “cổ phần, phần vốn góp chi phối” giữa Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đất đai năm 2013.

Thứ hai, thực hiện tổng kết những khó khăn, vướng mắc đối với việc chưa quy định cách thức xác định cụ thể từng thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất. Từ đó có phương án đề xuất thích hợp sửa đổi các văn bản quy phạm để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Thứ ba, thực hiện tổng kết những khó khăn, vướng mắc cụ thể đối với việc không quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất.

Thứ tư, sửa đổi bổ sung Luật Đất đai năm 2013 theo hướng quy định rõ về việc khẳng định các loại hợp đồng có đối tượng là quyền sử dụng đất khác với các hợp đồng được ghi nhận tại Luật Đất đai.

Thứ năm, sửa đổi khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013 theo hướng làm rõ các thời điểm liên quan đến hợp đồng có đối tượng là quyền sử dụng đất tương ứng với từng loại hợp đồng và phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015.

Thứ sáu, quy định thống nhất về thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh tại Luật Đất đai năm 2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Hiện nay, các địa phương cho phép tách thửa đối với đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở nằm xen kẽ với đất ở, hoặc là thửa đất độc lập nằm xen kẽ trong đất đô thị hoặc trong điểm dân cư nông thôn. Nếu cho phép tách thửa đối với đất nông nghiệp mà vẫn giữ được mục đích sử dụng đất là đất nông nghiệp thì không phá vỡ quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp tại khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, do công tác quản lý nhà nước chưa thật chặt chẽ, chưa thật hiệu quả nên dẫn đến tình trạng bị lợi dụng để kinh doanh bất động sản trái phép, hô biến các lô đất nông nghiệp có diện tích 500 m2 hoặc 1.000 m2 vừa vặn với diện tích của 1 lô biệt thự, nhà vườn, dẫn đến tình trạng bị đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương lợi dụng phân lô, bán nền tràn lan, gây ra các cơn sốt ảo giá đất, làm phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Tình trạng phân lô bán nền: Cấm hay quản?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới