Tỉnh Yên Bái kiến nghị gỡ vướng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
Sáng 10/8, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương đã về kiểm tra thực tế tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Sau khi kiểm tra thực tế tại địa phương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã lắng nghe báo cáo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái - Nguyễn Thế Phước tóm tắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái từ đầu nhiệm kỳ đến nay; công tác thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2023.
Kết quả thực hiện Chương trình MTQG của tỉnh Yên Bái:
- Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm bình quân 7,66% (vượt 2,66% so với mục tiêu Trung ương giao), trong đó huyện Mù Cang Chải giảm 8,51%, huyện Trạm Tấu giảm 6,95%.
- Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2016 - 2020): Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,03%/năm, riêng 2 huyện 30a (huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải) giảm bình quân 8,32%/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm bình quân 7,66%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh và của cả nước.
- Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: Đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh Yên Bái có 99/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 66% số xã toàn tỉnh; 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 74 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, 191 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái - Đỗ Đức Duy khẳng định, thực hiện các Chương trình MTQG cùng với chính sách của Trung ương, tỉnh Yên Bái đã chủ động ban hành nghị quyết chuyên đề, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025; ban hành đề án, tập trung sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đồng thời hỗ trợ cây giống, bao tiêu sản phẩm, gắn kết doanh nghiệp, người dân, HTX, quan tâm phát triển doanh nghiệp, HTX. Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Yên Bái gặp khó khăn trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đề nghị cần quản lý theo mục tiêu chứ không nên quản lý theo tên gọi của chương trình để địa phương có sự chủ động phân bổ nguồn vốn; nên rà soát tổng thể chính sách pháp luật liên quan đến công tác quản lý rừng tự nhiên; đề nghị ban hành nghị quyết nhằm tháo gỡ khóa khăn và có chính sách mang tính tính chất đặc thù cho 3 chương trình đối với các tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác để tháo gỡ vướng mắc trong các dự án, tiểu dự án của các chương trình MTQG có liên quan đến rừng.
Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên - Trần Đông phản ánh nội dung thực hiện của các chương trình MTQG rất đa dạng, có nhiều hình thức triển khai mới và có nhiều cơ quan, đơn vị tham gia chủ trì, quản lý các dự án, tiểu dự án, nội dung thuộc các chương trình. Một số nội dung lần đầu tiên triển khai thực hiện, do đó có sự lúng túng trong việc nghiên cứu, rà soát tổng hợp, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện.
Đầu giai đoạn 2021 - 2025, các văn bản về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG; văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương ban hành chưa đồng bộ, một số văn bản chưa thống nhất về nội dung... dẫn tới phải sửa đổi, điều chỉnh bổ sung, nên việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ở địa phương gặp lúng túng và chậm tiến độ. Năng lực chuyên môn của một số cán bộ cơ sở, đặc biệt là ở thôn, bản còn hạn chế, trong khi các chương trình MTQG gồm rất nhiều văn bản, nhiều quy định dẫn đến những khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, nguồn vốn sự nghiệp của các chương trình MTQG giao theo từng năm, không giao cả giai đoạn 2021-2025, vì vậy cũng gặp khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch sử dụng vốn thực hiện chương trình, nhất là việc lựa chọn, xác định các dự án thực hiện có thời gian thực hiện trong nhiều năm.
Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên kiến nghị Chính phủ bổ sung Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện thành đối tượng thụ hưởng của các dự án, tiểu dự án thành phần về phát triển giáo dục nghề nghiệp thuộc các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, địa phương cũng đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu về tỉ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thống nhất cao với những ý kiến đề xuất, kiến nghị của tỉnh Yên Bái về những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, từ đó Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành trung ương để triển khai thực hiện các Chương trình MTQG đạt hiệu quả cao góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo bền vững.
Đức Mậu