Chủ nhật, 24/11/2024 02:41 (GMT+7)
Thứ hai, 26/04/2021 16:30 (GMT+7)

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản: Xử lý nghiêm minh hành vi khai thác khoáng sản trái phép

Theo dõi KTMT trên

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam khẳng định, Bộ TN&MT luôn giữ quan điểm xử lý nghiêm minh, dứt điểm đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép trong thời gian qua.

Thời gian qua, các cơ quan thông tấn báo chí liên tục phản ánh tình trạng “chảy máu” tài nguyên khoáng sản, các vụ việc xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước như Hà Nam, Bình Định, Bình Phước, các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung... Bên cạnh một phần nhỏ lợi ích kinh tế mà các dự án đem lại thì mối nguy hiểm lớn nhất chính là sự thất thoát tài nguyên thiên nhiên, phá hoại cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, để lại hệ luỵ lâu dài…

Thông tin từ kết luận thanh tra mới đây về công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường tại tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011-2018 của Thanh tra Chính phủ cũng gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản: Xử lý nghiêm minh hành vi khai thác khoáng sản trái phép - Ảnh 1
Tạp chí Kinh tế Môi trường phản ánh vụ việc khai thác trái phép đá thạch anh (hay còn gọi là đá bạc) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Gần đây nhất, Tạp chí Kinh tế Môi trường – Cơ quan ngôn luận của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có loạt bài phản ánh vụ việc khai thác trái phép đá thạch anh (hay còn gọi là đá bạc) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Hoạt động khai thác trái phép, vận chuyển, tiêu thụ diễn ra công khai trong một thời gian dài nhưng không bị bất cứ cơ quan chức năng nào phát giác. Bên canh đó, sự vào cuộc chậm trễ của các cơ quan ban ngành đã cho thấy những yếu kém, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản tại địa phương.

Trước hàng loạt vụ việc khai thác khoáng sản vi phạm pháp luật xảy ra trong thời gian qua, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có Công văn đề cập đến vấn đề này gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhằm tuyên truyền, thông tin quan điểm của Bộ đối với công tác quản lý khoáng sản.

Trả lời về vấn đề này, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, tài nguyên khoáng sản luôn thể hiện rõ vai trò sống còn trong suốt quá trình tồn tại, phát triển của xã hội loài người. Từ xa xưa, con người không thể tách rời thiên nhiên, mọi nhu cầu cho sự tồn tại, phát triển kinh tế đều xuất phát từ các nguồn lực tự nhiên.

Tài nguyên khoáng sản cung cấp cho con người năng lượng, công cụ lao động để thực hiện quá trình sản xuất, cải biến thiên nhiên, tăng năng suất và tạo ra nhiều của cải hơn cho xã hội, qua đó liên tục nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản: Xử lý nghiêm minh hành vi khai thác khoáng sản trái phép - Ảnh 2
Hoạt động khai thác trái phép, vận chuyển, tiêu thụ đá bạc tại Hà Tĩnh diễn ra công khai nhưng không bị bất cứ cơ quan chức năng nào phát giác. 

Luật Khoáng sản năm 2010 đã quy định cụ thể trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của tổ chức, cá nhân tại Điều 17; Của Ủy ban nhân dân các cấp tại Điều 18 và của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan tại Điều 19.

Để tạo cơ sở pháp lý và nguồn kinh phí cho các địa phương trong việc chủ động bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, Điều 20 của Luật khẳng định “Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác” và nguồn kinh phí này được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm. Do vậy, Ủy ban Nhân dân các cấp với vai trò là cơ quan quản lý trực tiếp tại địa phương có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện công tác giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời để phòng chống hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Về quan điểm xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn giữ quan điểm xử lý nghiêm minh, dứt điểm đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép do những tác động gây ra cho môi trường, trật tự kinh tế xã hội trong suốt thời gian qua.

Với thực tế là dù có chỉ đạo, bố trí lực lượng chức năng ở địa phương như thế nào thì việc giám sát, phát hiện, tố giác để xử lý các hành vi khai thác khoáng sản trái phép không gì có thể thay thế ngoài chính người dân và chính quyền địa phương nơi có khoáng sản.

Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần gắn chặt, xử lý trách nhiệm nghiêm minh với người đứng đầu chính quyền địa phương nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn trực tiếp quản lý và tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để mọi người dân được biết qua đó có cơ chế khuyến khích, khen thưởng, bảo vệ người dân khi có tinh thần phát hiện, tố giác, đấu tranh với loại hình tội phạm này.

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã luôn quan tâm, chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xây dựng hệ thống điểm tin hoạt động khoáng sản để theo dõi, tiếp nhận xử lý thông tin phản ánh hoạt động khai thác khoáng sản trái phép qua các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng.

Theo đó, ngay khi có thông tin phản ánh, Tổng cục đều kịp thời có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương nơi có hoạt động khoáng sản trái phép để tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm theo quy định.

Vương Liễu

Bạn đang đọc bài viết Tổng cục Địa chất và Khoáng sản: Xử lý nghiêm minh hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới