Chủ nhật, 24/11/2024 06:40 (GMT+7)
Thứ bảy, 22/10/2022 17:00 (GMT+7)

TP. HCM: Hướng tới thành phố trung hòa carbon

Theo dõi KTMT trên

Ngày 21/10, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã tổ chức hội thảo kỹ thuật “Thúc đẩy thành phố trung hòa carbon”. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình phát triển Thành phố phát thải carbon thấp, hợp tác giữa TP. HCM và TP. Osaka (Nhật Bản).

TP. HCM: Hướng tới thành phố trung hòa carbon - Ảnh 1
TP. HCM thúc đẩy hợp tác quốc tế để hướng đến thành phố trung hòa carbon

Tại hội thảo kỹ thuật “Thúc đẩy thành phố trung hòa carbon”, ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM (Sở TN&MT TP.HCM) cho biết, Sở đang thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP. HCM về hợp tác với TP. Osaka (Nhật Bản) trong khuôn khổ bản ghi nhớ chương trình phát triển Thành phố phát thải carbon thấp giai đoạn 2021-2025, do hai Thành phố ký kết năm 2021.

Cũng theo đại diện Sở TN&MT TP. HCM cho biết, Sở được UBND TP. HCM giao làm đầu mối hợp tác với Cục Môi trường, TP. Osaka để triển khai các công tác thúc đẩy chuyển giao công nghệ, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong hoạt động sản xuất. Từ đó nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và ứng dụng cụ thể hóa cơ chế tín dụng chung (JCM) cho các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Nhận định về buổi hội thảo, ông Trần Văn Bảy cho hay, buổi hội thảo kỹ thuật này thúc đẩy xây dựng Thành phố trung hòa carbon nằm trong chuỗi các hoạt động nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Bằng kinh nghiệm của mình, TP. Osaka - một trong những thành phố có công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của Nhật Bản đã chia sẻ những dự án, giải pháp nhằm làm giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế tín dụng chung JCM.

Do đó, đại diện Sở Tài nguyên và môi trường TP. HCM cho rằng, thông qua buổi hội thảo, cơ quan, doanh nghiệp của hai thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa, cùng nhau thảo luận để tìm kiếm cơ hội thúc đẩy các dự án tiến tới xây dựng TP. HCM thành xã hội phát thải carbon thấp.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, ông Atsushi Okamoto, Trưởng phòng Chính sách môi trường (Cục Môi trường TP. Osaka) cho biết, mối quan hệ hợp tác giữa TP. HCM và TP. Osaka đã hình thành từ năm 1994. Sau đó, mối quan hệ ngày càng tốt đẹp và trở thành đối tác thương mại năm 1997. Trong lĩnh vực môi trường, trên cơ sở bản thỏa thuận ghi nhớ hợp tác, giúp hỗ trợ TP. HCM xây dựng thành công đô thị phát thải carbon thấp và không phát thải carbon thì hai thành phố đã có nhiều dự án trong khuôn khổ hợp tác.

“TP. Osaka cũng hướng đến phát thải zero carbon vào năm 2050, khi hiệu ứng nhà kính đạt đỉnh vào năm 2012 thì đến nay, sau khi áp dụng nhiều biện pháp, thành phố đã có rất nhiều nỗ lực cắt giảm carbon”, ông Atsushi Okamoto chia sẻ.

Từ những kinh nghiệm của TP. Osaka, ông Atsushi Okamoto đánh giá việc giảm phát thải carbon về 0 là không hề đơn giản. Để thực hiện mục tiêu to lớn này, chúng ta cần phải sử dụng tốt các nguồn năng lượng tái chế, tái tạo để cắt giảm triệt để việc phát thải carbon. Dùng công nghệ mới nhất để xây dựng đô thị dựa trên công nghệ giảm phát thải carbon, đòi hỏi sự hợp tác của các cơ quan, các quốc gia.

Ông Atsushi Okamoto khẳng định: “Chúng tôi mong các doanh nghiệp sẽ lắng nghe và ứng dụng tốt để có thể tận dụng những lợi ích từ cơ chế tín chỉ chung JCM này. Tôi hy vọng rằng sự hợp tác giữa chính quyền với doanh nghiệp và người dân thông qua những dự án giảm phát thải carbon sẽ ngày càng phát huy được hiệu quả”.

TP. HCM: Hướng tới thành phố trung hòa carbon - Ảnh 2
Xe cá nhân đông đúc đang là nguồn phát thải khí carbon lớn tại TP. HCM

Theo đánh giá tại hội thảo kỹ thuật “Thúc đẩy thành phố trung hòa carbon”, các chuyên gia về biến đổi khí hậu đều nhận định, trong thời gian qua, TP. HCM đã thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong quá trình thực hiện đã đạt được nhiều kết quả nhất định.

Cũng theo đánh giá, đối với những dự án có khả năng đóng góp nhiều trong việc giảm phát thải khí nhà kính, giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đều được các sở, ban ngành tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn. Điển hình, TP. HCM đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án metro số 1, 2; các dự án giải quyết ngập do triều cường…

Sở TN&MT TP. HCM đã tích cực chuẩn bị các bước để cùng các sở, ngành, quận, huyện, TP. Thủ Đức hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện các bước kiểm kê, báo cáo và xây dựng kế hoạch cắt giảm phát thải khí nhà kính theo yêu cầu của Chính phủ.

Cụ thể, TP. HCM sẽ thực hiện hai chương trình, dự án để xây dựng, triển khai chương trình đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu thực hiện Thỏa thuận Paris. Bên cạnh đó, TP. HCM thực hiện ba chương trình, dự án để áp dụng thử nghiệm một số công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu có tiềm năng và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. HCM nhận định, chúng ta đang đứng trước những thách thức về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu trên toàn thế giới. Trước đây, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết với cộng đồng quốc tế Việt Nam nỗ lực và có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó với BĐKH tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Theo kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, TP. HCM đã đưa ra mục tiêu đến năm 2030 giảm 10% phát thải và tiến tới nền kinh tế carbon thấp (phát triển bền vững hoặc giảm phát thải 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế).

Để đạt được mục tiêu trên, TP. HCM đã lồng ghép các hành động ưu tiên thích ứng và giảm thiểu vào quy hoạch ngành. Đồng thời, tích cực thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, hợp tác quốc tế và kêu gọi hỗ trợ, đầu tư”, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. HCM cho biết.

Bên cạnh đó, để triển khai các quy định từ Chính phủ về giảm thải khí carbon, TP. HCM đã cụ thể hóa các giải pháp nhằm phát thải khí nhà kính thông qua kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris, kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bình Nguyên

Bạn đang đọc bài viết TP. HCM: Hướng tới thành phố trung hòa carbon. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới