Chủ nhật, 24/11/2024 08:36 (GMT+7)
Thứ sáu, 07/02/2020 15:15 (GMT+7)

TP. Hồ Chí Minh xây dựng chiến lược xuất khẩu - Bài 1: Xuất khẩu đang tăng trưởng theo chiều rộng

Theo dõi KTMT trên

TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng chiến lược dài hơi trong việc chuyển dịch cơ cấu và nâng cao giá trị xuất khẩu.

TP. Hồ Chí Minh xây dựng chiến lược xuất khẩu - Bài 1: Xuất khẩu đang tăng trưởng theo chiều rộng - Ảnh 1
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu May Phương Nam, quận Gò Vấp - TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tăng trưởng chững lại

Tại Diễn đàn đầu tư và xuất khẩu TP. Hồ Chí Minh năm 2019, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã đánh giá hoạt động xuất khẩu của thành phố liên tục phát triển và là lĩnh vực kinh tế quan trọng đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế của TP. Hồ Chí Minh. Hiện thành phố có nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử ước đạt 10 tỉ USD; dệt may ước đạt 4,2 tỉ USD; giày dép ước đạt 1,9 tỉ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ ước đạt 1,6 tỉ USD. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng như gạo, thủy hải sản, hàng rau quả, phương tiện vận tải và các loại phụ tùng cũng có kim ngạch xuất khẩu trên 500 triệu USD/năm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh, qua số liệu thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu của thành phố đã có dấu hiệu chững lại. Tốc độ tăng trưởng trong gần 10 năm trở lại đây đã giảm xuống dưới 10%/năm; cơ cấu xuất khẩu chậm chuyển dịch và chịu sự tác động mạnh diễn biến kinh tế thế giới, nhất là tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008, khủng hoảng nợ công châu Âu 2010 - 2012 và gần đây nhất là tác động xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc.

Trong khi đó, Báo cáo của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, nếu như năm 2001, TP. Hồ Chí Minh chiếm ưu thế nổi bật về hoạt động xuất khẩu, đóng góp hơn 51% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước thì đến năm 2018, TP. Hồ Chí Minh chỉ chiếm 15,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Về quy mô xuất khẩu, năm 2010 TP. Hồ Chí Minh vẫn nổi trội nhưng chỉ trong gần 10 năm trở lại đây, nhiều địa phương khác như Đồng Nai, Bình Dương và Bắc Ninh, Thái Nguyên đã vươn lên mạnh mẽ. Đặc biệt là sự vươn lên ngoạn mục của Bắc Ninh và Thái Nguyên do thu hút được nhiều dự án FDI lớn trong lĩnh vực điện tử, trong khi Đồng Nai và Bình Dương dựa trên việc thu hút đầu tư và mở rộng các khu công nghiệp.

Ông Phạm Ngọc Hòa, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh phân tích, kim ngạch xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh ngày càng phụ thuộc vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu như năm 2005, thành phần kinh tế trong nước chiếm 55% và thành phần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 45% thì đến cuối năm 2019, tỉ lệ tương ứng là 33,6% và 66,4%. Riêng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu thành phố (không tính dầu thô) ước đạt 36,8 tỉ USD, tăng 17,6% so với năm 2018. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp thành phố ước đạt 12,4 tỉ USD, trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 24,5 tỉ USD.

Chỉ so với năm 2018, cơ cấu tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 tiếp tục xu hướng giảm đối với các doanh nghiệp trong nước (từ 37,7%) và tăng đối với các doanh nghiệp nước ngoài (từ 62,3%). Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp nước ngoài (tăng 25,4%) cũng vượt trội so với doanh nghiệp trong nước (tăng 4,8%) cho thấy, khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong nước đối với các diễn biến phức tạp từ thị trường thế giới chưa thật sự hiệu quả.

Mất dần lợi thế so sánh

Trên thực tế, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của TP. Hồ Chí Minh như sản phẩm điện, điện tử, dệt may, giày dép chủ yếu do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, xuất khẩu.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, Tiến sĩ Đinh Công Khải, Viện trưởng Viện Chính sách công, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, TP. Hồ Chí Minh đang mất dần lợi thế cạnh tranh do khả năng đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường thấp.

Nhìn tổng thể, xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh vẫn là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng và chạy theo thị trường, thiếu định hướng chiến lược phát triển xuất khẩu theo lợi thế so sánh của thành phố.

Những ngành có quy mô và tốc độ tăng trưởng lớn như sản phẩm điện tử - cơ khí phụ thuộc doanh nghiệp FDI, dệt may,da giày là ngành thâm dụng lao động giá trị gia tăng thấp. Sản phẩm rau, củ, quả, hạt các loại chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất ở Tây Nguyên, trong khi sản phẩm động vật sống, thịt động vật các loại, bao gồm cả thủy hải sản phụ thuộc vào khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Nói cách khác, TP. Hồ Chí Minh không có thế mạnh về sản xuất sản phẩm xuất khẩu mà chỉ là nơi thực hiện hoạt động xuất khẩu hàng hóa cho các vùng lân cận trong khu vực phía Nam.

Theo Tiến sĩ Đinh Công Khải, TP. Hồ Chí Minh có thể trở thành cửa ngõ xuất khẩu cho cả vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên, duyên hải miền trung thời gian qua nhờ có vị trí địa lý thuận lợi. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng phục vụ xuất khẩu khá đầy đủ các loại hình và đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào về số lượng và tương đối về chất lượng, hơn nữa, môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút FDI phục vụ xuất khẩu.

Tuy nhiên, các năng lực cạnh tranh này của TP. Hồ Chí Minh là không bền vững và ngày càng mất lợi thế so sánh với nhiều địa phương khác. Cụ thể, việc phân công lao động và liên kết vùng trong xây dựng chuỗi hàng hóa xuất khẩu còn yếu, cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu dần quá tải, kết nối cơ sở hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh, chi phí lao động ngày càng tăng và kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc lớn vào hoạt động xuất khẩu của khu vực FDI.

Liên quan đến hạ tầng hỗ trợ xuất khẩu, bà Đặng Minh Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam đánh giá, đầu tư xã hội cho sản xuất hàng xuất khẩu, kết cấu hạ tầng quan trọng phục vụ hoạt động xuất khẩu như cảng biển, sân bay, đường giao thông, kho ngoại quan... còn thiếu và yếu, ảnh hưởng đến khả năng gia tăng quy mô sản xuất, xuất khẩu.

Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư chưa cao, chưa có những dự án quy mô lớn dành cho sản xuất hàng xuất khẩu cũng như phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nên cơ cấu sản xuất và xuất khẩu chậm được đổi mới, tỉ lệ hàng công nghiệp chế biến xuất khẩu chưa cao. Thị trường xuất khẩu vẫn tập trung nhiều ở Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong khi những thị trường lớn như châu Âu vẫn còn khiêm tốn.

Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra, những ngành có quy mô xuất khẩu lớn nhất của TP. Hồ Chí Minh đang là những ngành tạo ra phần lớn việc làm, nhưng chủ yếu là việc làm có mức thu nhập thấp hơn so với các nhóm ngành còn lại. Về đóng góp ngân sách, các ngành đóng thuế cao nhất là những ngành có quy mô xuất khẩu lớn và thâm dụng lao động (thực phẩm, may mặc, điện tử, da giày, hóa chất, cao su - nhựa) và hiện là những ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố. Tuy nhiên, về lâu dài những ngành này không còn nhiều dư địa để phát triển do thiếu lao động phổ thông, sự dịch chuyển các nhà máy về các tỉnh lân cận.

Xuân Anh

Bạn đang đọc bài viết TP. Hồ Chí Minh xây dựng chiến lược xuất khẩu - Bài 1: Xuất khẩu đang tăng trưởng theo chiều rộng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới