Chủ nhật, 24/11/2024 09:00 (GMT+7)
    Chủ nhật, 27/03/2022 10:00 (GMT+7)

    TP.HCM: Huyện Bình Chánh xử lý sai phạm khu đất gắn mác dự án Sen Vàng Town

    Theo dõi KTMT trên

    Khu đất gắn mác dự án Sen Vàng Town thực chất là đất cá nhân, phân lô tách thửa. Một phần đường giao thông trong khu đất này làm trên đất trồng lúa nước, chủ đất tổ chức mua bán đất nền khi chưa đủ điều kiện quy định.

    Nói một đằng, thực tế một nẻo

    UBND huyện Bình Chánh, TP.HCM vừa có công văn thu hồi phần đất đường giao thông và cây xanh xử lý vi phạm xây dựng hạng mục cổng chào để đi vào dự án do chủ sở hữu tự đặt tên tại khu đất được quảng cáo là dự án Sen Vàng Town - mặt đường Quách Điêu, xã Vĩnh Lộc A.

    Theo đó, khu đất được quảng cáo dự án Sen Vàng Town (Khu phố thương mại Sen Vàng) rộng 4.584 m2 tại thửa đất số 682, tờ bản đồ số 20 có diện tích ở tại nông thôn 4.425,9m; Riêng phần đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp 69,1m2 và đất trồng lúa nước 89m2 thuộc lộ giới mở rộng đường Quách Điêu theo quy hoạch được duyệt.

    Khu đất này do ông Đỗ Đan Duy đứng tên trên giấy tờ. Ông Duy nộp đơn và hồ sơ xin ý kiến thỏa thuận phương án đầu tư kết nối hạ tầng kỹ thuật tại thửa đất này, đã được UBND huyện Bình Chánh cấp Giấy phép xây dựng (phần hạ tầng kỹ thuật) theo phương án đầu tư kết nối hạ tầng kỹ thuật.

    TP.HCM: Huyện Bình Chánh xử lý sai phạm khu đất gắn mác dự án Sen Vàng Town - Ảnh 1
    Cổng vào khu đất Sen Vàng Town (huyện Bình Chánh, TP.HCM).

    Sau đó, ông Duy ủy quyền cho Công ty Sen Vàng Holdings là đơn vị phát triển để xây dựng và hình thành lên Sen Vàng Town.

    Bà Phạm Kim Dung – Chủ tịch HĐQT Công ty Sen Vàng Holdings từng trả lời trên Diễn đàn doanh nghiệp ngày 19/12/2021 rằng: Việc xin phép đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ để xây dựng khu nhà ở trên khu đất phù hợp quy hoạch và đã được chính quyền phê duyệt là một chủ trương đúng đắn.

    Theo bà Dung, khu đất Sen Vàng Town đã được đầu tư kết nối hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và đã được nghiêm thu như đã duyệt. Trong đó, cổng vào khu phố thương mại Sen Vàng Town được đầu tư xây dựng với kinh phí lớn trước hết là bảo vệ an ninh cho cư dân sinh sống tại đây, bên cạnh đó sẽ tạo ra mỹ quan đẹp cho phố thương mại văn minh, hiện đại.

    Tuy nhiên UBND huyện Bình Chánh kết luận, chủ đất đã thi công hoàn thành đường giao thông và đấu nối hạ tầng điện, nước trên phần đất trồng lúa nước, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp và đất ở.

    Cuối tháng 12/2021, Kinh tế Môi trường phản ánh tình trạng “Tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường từ đất cá nhân phân lô, bán nền không ĐTM” trên địa bàn huyện Bình Chánh. Trong đó phản ánh khu đất được quảng cáo là dự án Sen Vàng Town – Khu phố thương mại Sen Vàng được quấn tôn xung quanh với nhiều hình ảnh quảng cáo, cổng chào. Bên trong có tuyến đường mới xây dựng chia khu đất thành 2 phần riêng biệt.

    Một nữ nhân viên môi giới đang có mặt tại khu đất, nhận là nhân viên của một công ty BĐS hợp tác phát triển cho biết, "Phố thương mại Sen Vàng - Sen Vàng Town" hiện chưa phải là dự án bất động sản mà là đất cá nhân.

    TP.HCM: Huyện Bình Chánh xử lý sai phạm khu đất gắn mác dự án Sen Vàng Town - Ảnh 2
    Con đường bên trong khu đất được quảng cáo dự án Sen Vàng Town.

    "Từng lô như trong bản thiết kế giới thiệu tới khách hàng chưa được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và mục đích sử dụng đất", nữ môi giới này cho biết. Tuy vậy, nữ nhân viên này vẫn giới thiệu, mời chào nhà đầu tư đặt cọc giữ chỗ từng nền nhỏ lẻ trong khu đất với giá thấp nhất lên tới hơn 5 tỉ đồng mỗi lô.

    Trong khi đó, lãnh đạo UBND xã Vĩnh Lộc A thông tin, trên địa bàn không có dự án bất động sản nào có tên gọi là "Phố thương mại Sen Vàng - Sen Vàng Town".

    Trên địa bàn huyện Bình Chánh còn có khu đất rộng hàng nghìn m2 tại Hương Lộ 11, xã Tân Quý Tây từng được quảng cáo là dự án Green City với nhiều lô, nền khác nhau để thu tiền từ nhà đầu tư.

    Sau đó, UBND xã Tân Quý Tây phát hiện sự việc nên đã cắm 2 biển thông báo tại khu đất này để cảnh báo người dân về việc chuyển nhượng đất đai tại đây.

    Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quý Tây – ông Nguyễn Thành Tuyên cho biết: “Qua rà soát và kiểm tra thông tin phản ánh, trên địa bàn xã không có dự án phân lô bán nền tên Green City được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận”.

    Phô lô bán nền trên đất nông nghiệp nhưng gắn mác dự án gây nhiều hệ luỵ

    Nói về tình trạng phân lô bán nền trên đất nông nghiệp với Kinh tế Môi trường, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề này không mới, đang nổi cộm ở nhiều địa phương như Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... nhưng lại chưa được xử lý triệt để.

    Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng cho rằng, cơn sốt đất nền đang bùng nổ rất mạnh mẽ tại nhiều địa phương trên cả nước. Trước đó, Luật Đất đai đã cấm việc phân lô bán nền nhưng thời gian gần đây lại mở cho các giao dịch này. 

    TP.HCM: Huyện Bình Chánh xử lý sai phạm khu đất gắn mác dự án Sen Vàng Town - Ảnh 3
    Cuối năm 2021, nhiều nhân viên môi giới tập trung tại khu đất quảng cáo dự án Sen Vàng Town để giới thiệu, bán sản phẩm đất nền khi chưa đủ điều kiện quy định pháp luật.

    Trong khi đó, việc đầu tư đất nền của người dân hầu hết chỉ mua để đấy, đợi giá lên để bán lại. Do đó, các giao dịch mua bán đầu tư đất nền là rất nguy hiểm, không kéo theo sự phát triển kinh tế và các hoạt động đầu tư khác của xã hội.

    Ở một góc nhìn khác liên quan tới vấn đề môi trường, PGS.TS Nguyễn Xuân Bình, Viện Môi trường và Phát triển bền vững cho hay: Các dự án trước khi thực hiện phải có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để cơ quan chuyên môn phê duyệt, nếu không có ĐTM thì các dự án không thể triển khai. Đây là quy định bắt buộc phải thực hiện để đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

    "Khu đất được xây dựng, phát triển với quy mô như dự án nhưng không có ĐTM thì không thể xác định được sau này đi vào hoạt động sẽ tác động như thế nào tới môi trường xung quanh. Từ đó tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu tới môi trường xung quanh và chính trong khu đất đó", PGS.TS Nguyễn Xuân Bình nói.

    Một chuyên gia bất động sản khẳng định, phân lô bán nền trên đất nông nghiệp là một bộ phận nhỏ, không đại diện cho toàn bộ thị trường nhưng mang đến gánh nặng lớn cho nền kinh tế. Việc phân lô bán nền nếu phù hợp với quy hoạch của địa phương điều đó là không sai, nhưng trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô và làm gia tăng dân số, tạo áp lực, phá vỡ quy hoạch cơ sở hạ tầng thì cần xem xét lại.

    “Đơn cử như trước đây, cơ sở hạ tầng, cấp thoát nước dành cho thôn làng chỉ thiết kế cho 1.000 hộ dân, nhưng sau khi phân lô bán nền 1 khu đất khiến dân số tăng lên thì ngay lập tức sẽ tạo nên điểm nghẽn về cấp nước thoát nước, điện bị quá tải chưa tính cục bộ giao thông tại địa phương đó”, vị chuyên gia phân tích.

    Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, phân lô bán nền rầm rộ là do quản lý đô thị lỏng lẻo và hệ quả là gây ra những vết sẹo đô thị.

    Theo luật sư Phượng, các quy định về kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ còn nhiều bất cập, do đó vẫn còn hiện tượng các tổ chức, cá nhân không thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhưng đã mua bán các bất động sản có giá trị rất lớn, mua đi bán lại nhiều lần, một số trường hợp mua gom đất rồi phân lô đất để chuyển nhượng mà không thực hiện thủ tục đầu tư dự án.

    Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ vừa ban hành quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, có hiệu lực từ ngày 1/3/2022 đã quy định buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải đáp ứng các điều kiện: Phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.

    Song Nghị định trên quy định: “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên”, mà chưa có định lượng cụ thể về “thường xuyên” hay "không thường xuyên”.

    Do đó, để ngăn chặn việc lợi dụng đầu cơ đất đai rồi "lách luật" phân lô bán nền, cần quy định cụ thể hơn các quy định xác định thường xuyên bằng việc định tính, định lượng phù hợp hơn.

    Ngoài ra, địa phương cũng cần giám sát, sàng lọc những trường hợp tách thửa phải đúng đối tượng, tránh trường hợp cá nhân lợi dụng chính sách này để phân lô bán nền như những năm qua. Kiểm tra chặt quy hoạch, lập dự án bất động sản, không để xảy ra tình trạng một số cá nhân, tổ chức tự vẽ dự án ma, phân lô bán nền trái phép.

    Ông Phạm Văn Lũy được giao quyền Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh

    Giữa tháng 1/2022, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình có quyết định giao quyền Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh đối với ông Phạm Văn Lũy, Phó Chủ tịch huyện.

    Theo đó, ông Phạm Văn Lũy được giao quyền điều hành UBND huyện Bình Chánh nhiệm kỳ 2021 - 2026 cho đến khi cấp có thẩm quyền phê chuẩn kết quả  bầu Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

    Trước đó, khi Chủ tịch huyện Bình Chánh Đào Gia Vượng đột ngột qua đời, Thường trực HĐND huyện Bình Chánh đã có văn bản đề xuất UBND TP.HCM về nhân sự tạm thời điều hành UBND huyện. Sở Nội vụ cũng có tờ trình gửi UBND TP.HCM xem xét chấp thuận đề xuất của huyện Bình Chánh.

    Ông Phạm Văn Luỹ hiện là Ủy viên Ban thường vụ huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện. Tháng 4/2021, ông Lũy được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh khoá X, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

    Ngọc Đông

    Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Huyện Bình Chánh xử lý sai phạm khu đất gắn mác dự án Sen Vàng Town. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới