Chủ nhật, 24/11/2024 06:18 (GMT+7)
    Chủ nhật, 02/01/2022 15:05 (GMT+7)

    TP.HCM muốn xây dựng đô thị sân bay: Làm được không?

    Theo dõi KTMT trên

    Quy hoạch đô thị sân bay tận dụng tối đa lợi ích cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất không chỉ là chuyện riêng của quận Tân Bình, TP.HCM.

    Không phải chuyện riêng của TP.HCM

    Ngày 2/1/2022, trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường về đề xuất xây dựng mô hình đô thị sân bay quốc tế tại quận Tân Bình, KTS Khương Văn Mười - nguyên Trưởng khoa Quy hoạch, Đại học Kiến trúc TP.HCM bày tỏ, lịch sử cho thấy bao giờ đô thị cũng có trước sau đó mới tính đến việc xây dựng sân bay. 

    Chính vì thế, các đô thị cạnh sân bay đã được coi là đô thị sân bay rồi. Nhưng thời điểm khi đó khác xa so với nhu cầu bây giờ, thời ấy sân bay chỉ đáp ứng vai trò đi lại của con người.

    Nhiều năm trở lại đây, sân bay không chỉ có chức năng vận chuyển hành khách, hàng hóa mà còn có thể trở thành trung tâm văn hóa, nơi phát triển các dịch vụ khác đi kèm như du lịch, lưu trú, bến bãi, văn phòng...

    TP.HCM muốn xây dựng đô thị sân bay: Làm được không? - Ảnh 1
    KTS Khương Văn Mười - nguyên Trưởng khoa Quy hoạch, Đại học Kiến trúc TP.HCM.

    Chính vì thế, "đô thị sân bay" không còn là khái niệm mới mẻ trên thế giới. Nhiều nước như Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... rất thành công với hướng phát triển quy hoạch đô thị ăn theo các dịch vụ mà sân bay đem lại. 

    Tại Việt Nam, năm 2019, khái niệm về mô hình xây dựng đô thị sân bay đã được nhắc tới ở TP.Đà Nẵng nhưng cho đến nay vẫn chưa thể thực hiện được. Một lần nữa, đô thị sân bay lại được đề xuất để định hướng quy hoạch quận Tân Bình, TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 là điều rất cần thiết.

    Theo KTS Khương Văn Mười, quận Tân Bình nằm cạnh sân bay Tân Sơn Nhất. Dù không có đường cao tốc kết nói với sân bay như nhiều thành phố trên thế giới nhưng nhìn ở một khía cạnh khác thì đây được coi là một lợi thế, khi mà hành khách xuống sân bay Tân Sơn Nhất không phải mất quá nhiều thời gian di chuyển, nhu cầu được đáp ứng trong thời gian sớm nhất.

    Mặt khác, quận Tân Bình hiện nay là nơi kết nối với nhiều quận, huyện của TP.HCM. Khi xây dựng đô thị sân bay sẽ giãn dân ra khỏi trung tâm thành phố, giải quyết được bài toán ách tắc giao thông, tạo thêm động lực phát triển kinh tế trong tương lại.

    Trước ý kiến cho rằng, sân bay quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đang được xây dựng ở tỉnh Đồng Nai sẽ là nơi chủ yếu đón khách quốc tế khu vực phía Nam trong tương lai nên việc quy hoạch đô thị sân bay tại quận Tân Bình không hợp lý, KTS Khương Văn Mười cho rằng: "Không thể phủ nhận sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động sẽ là nơi chủ lực đưa đón khách tại khu vực phía Nam. 

    Tuy nhiên, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn có vai trò riêng, khách nội địa cũng có những nhu cầu nhất định về các dịch vụ (kể trên) mà sân bay đem lại. Nên việc quy hoạch đô thị sân bay tại quận Tân Bình vẫn là điều nên làm".

    Mặc dù vậy, KTS Khương Văn Mười lưu ý, cái khó nhất khi xây dựng đô thị sân bay ở quận Tân Bình là quỹ đất còn rất hạn chế, không gian dành cho mảng xanh đô thị cũng dần bị thu hẹp. 

    "Để hình thành được đô thị sân bay thì không phải là chuyện riêng của quận Tân Bình hay TP.HCM mà cần có sự hỗ trợ từ các quận, huyện lân cận. Đây là vấn đề đòi hỏi sự đồng lòng của cả thành phố và các Bộ, ngành.

    Nếu chúng ta có thể giãn dân ở khu vực Tân Bình, tạo thêm quỹ đất để quy hoạch mô hình đô thị sân bay, tạo mảng xanh đô thị thì chuyện này hoàn toàn có thể thực hiện được. Đồng thời, kêu gọi nhà đầu tư tư nhân cùng tham gia sẽ đẩy nhanh tốc độ thực hiện", KTS Khương Văn Mười bày tỏ.

    TP.HCM muốn xây dựng đô thị sân bay: Làm được không? - Ảnh 2
    Sân bay Tân Sơn Nhất đem lại nhiều cơ hội phát triển đô thị nhưng cần có phương án giải quyết cặn kẽ từ Bộ, ngành cho tới địa phương.

    Đô thị sân bay chỉ phục vụ bất động sản thì không có tương lai

    Liên quan đến vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội thẳng thắn nói: “Khái niệm về quy hoạch đô thị sân bay ở quận Tân Bình, TP.HCM còn rất mờ nhạt. Nếu đưa ra những khái niệm mới mà không có định hướng cụ thể thì sẽ không giải quyết được vấn đề còn tồn đọng". 

    KTS Trần Huy Ánh nhìn nhận, TP.HCM vẫn còn gặp nhiều bất cập trong quy hoạch. Trên thực tế, thành phố chưa thực hiện được sát như định hướng và mục tiêu đã đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các địa phương còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn bán đất, những lĩnh vực còn lại chiếm tỉ trọng thấp hơn.

    "Nếu chỉ tập trung áp dụng mô hình đô thị hóa này cho tất cả các lĩnh vực về giao thông, cây xanh, thương mại... nhằm thúc đẩy bất động sản thì sẽ không có tương lai cho việc phát triển mô hình sân bay", KTS Trần Huy Ánh bày tỏ. 

    Từ đó, KTS Trần Huy Ánh đưa ra lời khuyên, TP.HCM nói riêng và các địa phương nói chung không nên quá "ảo tưởng" về kết quả sẽ đạt được từ đô thị sân bay như những nước khác. Cần phải xem xét chúng ta đang ở vị trí nào trên các phương diện trình độ kỹ thuật, nguồn vốn đầu tư, nhân lực lao động và mức phát triển đồng bộ hóa toàn cầu để có chiến lược phù hợp hơn.

    Huỳnh Mai

    Bạn đang đọc bài viết TP.HCM muốn xây dựng đô thị sân bay: Làm được không?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới