Chủ nhật, 24/11/2024 08:13 (GMT+7)
Thứ năm, 06/04/2023 07:51 (GMT+7)

TP.HCM: Thành lập Ban quản lý khu vực phát triển đô thị Thủ Thiêm và Tây Bắc

Theo dõi KTMT trên

Để giúp UBND TP.HCM quản lý hoạt động đầu tư phát triển 2 khu vực quan trọng Thủ Thiêm và Tây Bắc, Chủ tịch UBND TP vừa ký quyết định thành lập Ban quản lý khu vực phát triển đô thị tại 2 khu vực này.

Theo đó, Ban quản lý khu vực phát triển đô thị Thủ Thiêm được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Dịch vụ - Tư vấn đầu tư, xây dựng Thủ Thiêm trực thuộc Ban quản lý Đầu tư - Xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm và tổ chức lại ban này. Đây là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TP.HCM. Ban có chức năng giúp UBND TP.HCM quản lý đầu tư phát triển đô thị trong khu đô thị Thủ Thiêm. Đồng thời, ban có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện phát triển đô thị Thủ Thiêm; đề xuất danh mục, loại nguồn vốn và lộ trình thực hiện các dự án đầu tư...

Ban quản lý khu vực phát triển đô thị Tây Bắc được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Dịch vụ - Tư vấn đầu tư xây dựng trực thuộc Ban quản lý Đầu tư - Xây dựng khu đô thị Tây Bắc TP.HCM và tổ chức lại ban này. Ban có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn tương tự Ban quản lý khu vực phát triển đô thị Thủ Thiêm.

Hạ tầng vẫn chưa hoàn chỉnh

Khu đô thị Thủ Thiêm có diện tích 657ha, được bao bọc bởi sông Sài Gòn, nằm đối diện khu vực quận 1, TP.HCM. Theo quy hoạch chung xây dựng TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, khu đô thị Thủ Thiêm sẽ chia sẻ một số chức năng mà trung tâm đô thị hiện hữu không còn dư địa để phát triển. Đặc biệt, khu vực này sẽ là nơi hình thành trung tâm tài chính của TP.HCM.

TP.HCM: Thành lập Ban quản lý khu vực phát triển đô thị Thủ Thiêm và Tây Bắc - Ảnh 1
Hạ tầng tại khu đô thị Thủ Thiêm hiện vẫn chưa hoàn chỉnh.

Trong đề án xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM, khu đô thị Thủ Thiêm sẽ là nơi phát triển dịch vụ quản lý đầu tư - tài sản gắn với thị trường vốn và giao dịch hàng hóa phái sinh xuyên biên giới với các giao dịch mang tính toàn cầu.

Tuy nhiên đến nay, trong khu vực xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm chỉ có vài khu chung cư cao cấp, một số tòa nhà văn phòng lẫn dịch vụ thương mại. Hệ thống cơ sở hạ tầng nội khu cũng chưa hoàn thiện với nhiều đoạn đường còn dang dở, không đảm bảo tính kết nối giữa các dự án bên trong.

Riêng 4 tuyến đường huyết mạch trong khu đô thị Thủ Thiêm (R1, R2, R3 và R4) đã thi công 9 năm qua nhưng đến nay chưa hoàn thành. Các tuyến đường này có tổng chiều dài 11,9km, khối lượng thi công đạt 85% nhưng đã tạm ngưng thi công từ tháng 2/2017 do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và một số nguyên nhân liên quan đến thủ tục khác.

Về hệ thống hạ tầng kết nối với bên ngoài, ngoài dự án cầu Thủ Thiêm 1 và Thủ Thiêm 2 đã khánh thành, đưa vào sử dụng cách nay vài năm thì dự án cầu Thủ Thiêm 3, Thủ Thiêm 4 vẫn đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư.

Dự án cầu Thủ Thiêm 4 đã được UBND TP.HCM phê duyệt chủ trương xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 5.300 tỷ đồng theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng), hiện dự án vẫn đang chờ xác định lại phương án đầu tư.

Bên cạnh đó, khu đô thị Thủ Thiêm vẫn còn một số lô đất chưa được giao phát triển. Trước đó, ngày 10/12/2021, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM đã tổ chức đấu giá 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3, với số tiền trúng đấu giá hơn 37.000 tỷ đồng. Vậy nhưng, cả 4 doanh nghiệp trúng đấu giá sau đó đều bỏ cọc.

Bà Trang Lê, Giám đốc cấp cao, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, Công ty JLL Việt Nam nhận định, để đảm bảo tốc độ phát triển của khu đô thị Thủ Thiêm, Nhà nước cần ban hành, áp dụng các chính sách pháp lý thuận lợi và những ưu đãi liên quan đến thuế, nhằm thu hút vốn đầu tư từ những doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào phát triển các dự án bất động sản quy mô lớn để tăng giá trị thật của khu đô thị.

“Khi hạ tầng hoàn thiện đồng bộ sẽ thúc đẩy cộng đồng dân cư chuyển đến sinh sống, qua đó hỗ trợ sự phát triển bền vững cho khu vực trọng điểm này. Ngoài ra, tư duy chiến lược và cách thực hiện của Ban quản lý cũng cần được thay đổi linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế chung”, bà Trang Lê cho biết thêm.

Nhiều dự án trọng điểm chưa triển khai

Khu đô thị Tây Bắc có diện tích 6.000ha, trải dài trên địa bàn huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi và được quy hoạch là khu đô thị vệ tinh khu vực phía Tây Bắc của TP.HCM. Ngay khi quy hoạch này được phê duyệt, đã có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đặt vấn đề được đầu tư tại đây. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, hầu hết các dự án trọng điểm tại khu đô thị Tây Bắc chưa được triển khai trên thực tế.

Đơn cử như như khu đô thị Làng đại học quốc tế rộng 925ha, vốn đầu tư 3,5 tỷ USD (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn) từng được kỳ vọng góp phần đẩy nhanh quá trình hình thành khu đô thị Tây Bắc, tạo ra một khu đô thị hiện đại với môi trường học tập, làm việc đạt chuẩn quốc tế, nhưng từ khi được cấp phép năm 2008 đến nay vẫn chưa thể hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Tương tự, cách khu đô thị Làng đại học quốc tế khoảng 30km về phía tây bắc, dự án công viên Sài Gòn Safari khởi động từ năm 2004, vốn đầu tư lên đến 500 triệu USD, cũng rơi vào tình trạng chưa hoàn thành. Dự án kéo dài nhiều năm do có kết luận sai phạm và phải tìm nhà đầu tư mới.

TP.HCM: Thành lập Ban quản lý khu vực phát triển đô thị Thủ Thiêm và Tây Bắc - Ảnh 2
Dự án Công viên Sài Gòn Safari thuộc khu đô thị Tây Bắc - TP.HCM vẫn chưa được hoàn thành.

Những dự án bị “treo” nhiều năm đã khiến cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch bị ảnh hưởng nặng nề. Bà Dương Thị Nga (ngụ xã Tân An Hội, huyện Củ Chi) chia sẻ, nhiều năm nay, người dân tại đây không được tách thửa, xây sửa nhà dù nhà đã hư hỏng. Gần đây, chính quyền địa phương cho xây sửa nhà tạm, với điều kiện không được đòi bồi thường công trình xây dựng khi Nhà nước thu hồi đất. Cũng có người muốn bán đất, đi nơi khác sinh sống nhưng rất khó bán vì đất bị quy hoạch.

Để giải quyết khó khăn của người dân tại khu vực này, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM vừa có kiến nghị gửi UBND TP xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố tổ chức lập quy hoạch phân khu khu đô thị Tây Bắc theo hướng điều chỉnh quy mô diện tích giảm từ 6.084ha xuống còn 4.410 héc ta. Phần được tách ra sẽ là khu dân cư hiện hữu và người dân ở đây có thể tự xây, sửa nhà theo quy chế quản lý kiến trúc chung.

Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ của một số bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Xây dựng, vì vừa giúp trả lại quyền lợi hợp pháp về đất đai cho người dân vừa làm cho dự án khu đô thị Tây Bắc tập trung được nguồn lực thực thi hơn.

Long Vũ

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Thành lập Ban quản lý khu vực phát triển đô thị Thủ Thiêm và Tây Bắc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới