Thứ năm, 28/11/2024 02:24 (GMT+7)
Thứ bảy, 01/04/2023 14:35 (GMT+7)

TP.HCM: Tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 500 triệu USD

Theo dõi KTMT trên

Theo Cục Thống kê TP.HCM, tính từ đầu năm 2023 đến nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố tính cả cấp mới, điều chỉnh tăng vốn và góp mua, cổ phần, mua lại vốn góp đạt 497,5 triệu USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 5,45 tỷ USD, bằng 61,2% so với cùng kỳ.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, nguyên nhân của việc vốn FDI đầu tư vào Việt Nam giảm trong 3 tháng đầu năm là do trong 3 tháng đầu năm 2022 có sự gia tăng đột biến với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Lego có tổng vốn đầu tư 1,32 tỷ USD.

Về số dự án đầu tư mới và số lượt dự án điều chỉnh vốn trong 3 tháng năm 2023 vẫn tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, số dự án đăng ký mới đạt 522 dự án, tăng 62,1% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt hơn 3 tỷ USD.

Bên cạnh đó, số lượt dự án điều chỉnh có 234 dự án, tăng 2,6% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 1,21 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 4 tỷ USD, chiếm 73% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 25% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 766 triệu USD (chiếm gần 14,1%) và giảm 71,6% so với cùng kỳ. Các ngành bán buôn, bán lẻ, vận tải kho bãi thu hút vốn đầu tư tăng hơn so với cùng kỳ, xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 276 triệu USD và gần 151 triệu USD.

Tại TP.HCM trong 3 tháng đầu năm 2023, Thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 216 dự án với vốn đăng ký đạt 133,2 triệu USD, tăng 30,0% về vốn so với cùng kỳ.

TP.HCM: Tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 500 triệu USD - Ảnh 1
TP.HCM vẫn là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (41,4%), số lượt dự án điều chỉnh (15,8%) và góp vốn mua cổ phần (66,6%).

Xét về vốn đăng ký cấp mới, hoạt động xây dựng có 3 dự án, vốn đăng ký là 53,7 triệu USD, chiếm 40,4% vốn đăng ký. Kế đến hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với 86 dự án, vốn đăng ký là 53,6 triệu USD, chiếm 40,2%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 54 dự án, vốn đăng ký 10,4 triệu USD, chiếm 7,8%. Hoạt động thông tin truyền thông có 37 dự án, vốn đăng ký là 6,8 triệu USD, chiếm 5,1 %.

Về nhà đầu tư, Singapore là quốc gia dẫn đầu về dự án cấp phép mới với 47 dự án, vốn đăng ký đạt 86,7 triệu USD, chiếm đến 65,4% vốn đăng ký; tiếp đến là Hong Kong (Trung Quốc) với 15 dự án, vốn đăng ký 9,5 triệu USD, chiếm 7,1%; Nhật Bản với 19 dự án, vốn đăng ký đạt 9,0 triệu USD, chiếm 6,7%.

Bên cạnh đó, trong 3 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn TP.HCM có có 37 lượt dự án điều chỉnh vốn đăng ký với số vốn tăng 87,1 triệu USD.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến có 3 dự án, vốn đăng ký 27,5 triệu USD chiếm 31,5% vốn đăng ký điều chỉnh. Hoạt động thông tin và truyền thông có 15 dự án, vốn đăng ký 26,9 triệu USD chiếm 30,9%. Hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, mô tô, xe máy có 07 dự án, vốn đăng ký 23,1 triệu USD, chiếm 9 26,5%.

Hàn Quốc là quốc gia có số vốn điều chỉnh cao nhất trong 03 tháng đầu năm 2023 đạt 35,5 triệu USD, chiếm 40,8% vốn đăng ký điều chỉnh.

Xét về góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp, TP.HCM có 468 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với vốn góp là 277,3 triệu USD, giảm 5,9% so với góp vốn cùng kỳ.

Trong đó, hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có số vốn góp đạt 157,2 triệu USD, chiếm 56,7% tổng vốn góp; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với vốn góp là 44,6 triệu USD, chiếm 16,1%. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo vốn góp đạt 43,7 triệu USD, chiếm 15,8%.

Singapore và Hàn Quốc là hai quốc gia có tỷ trọng vốn góp cao nhất lần lượt chiếm 61,8% và 13,7%.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 3 tháng đầu năm 2023, về số dự án, TP.HCM vẫn là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (41,4%), số lượt dự án điều chỉnh (15,8%) và góp vốn mua cổ phần (66,6%).

Cục Thống kê TP.HCM đánh giá, số dự án có vốn nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư tăng cả về số lượng (tăng 70%) và vốn đăng ký (tăng 30%). Tính chung, tổng vốn đầu tư của các dự án có vốn nước ngoài tăng 22,4% so với cùng kỳ, chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài vẫn ưu tiên lựa chọn đầu tư vào Thành phố trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới đang bất ổn.

Theo CụcĐầu tư nước ngoài, đã có 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng đầu 2023.

Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn gần 1,69 tỉ USD (chiếm gần 31%), tuy nhiên giảm 26,3% so với cùng kỳ 2022.

Trung Quốc đứng thứ hai với gần 552 triệu USD (chiếm 10,1%), giảm 38,3% so với cùng kỳ.

Đài Loan đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 477 triệu USD (chiếm gần 8,8%), tăng 47,5% so với cùng kỳ.

Tiếp theo là Hàn Quốc, Hồng Kông, Hà Lan.

Thanh Thanh

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 500 triệu USD. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới