Chủ nhật, 24/11/2024 08:40 (GMT+7)
Thứ sáu, 31/03/2023 07:30 (GMT+7)

TP.HCM: 5 KCN đầu tiên chuyển sang mô hình sinh thái, công nghệ cao

Theo dõi KTMT trên

5 khu sản xuất công nghiệp đầu tiên của TP.HCM sẽ được lập đề án thí điểm chuyển đổi trong năm nay và năm tới là khu chế xuất Tân Thuận và 4 khu công nghiệp gồm Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước và Bình Chiểu.

Chuyển đổi theo định hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Từ năm 2018, khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) chọn thí điểm xây dựng KCN sinh thái. Đến nay, tại KCN Hiệp Phước, khái niệm “cộng sinh công nghiệp” đang được vận dụng ngày càng nhiều.

Cụ thể, chất thải của doanh nghiệp này sẽ là đầu vào của doanh nghiệp khác. Bột vụn thạch cao, thứ phẩm của công ty vách trần sẽ chuyển sang cho công ty làm bê tông tươi. Khí nóng sinh ra trong quá trình sản xuất dầu thực vật, thay vì xả lên trời thì sẽ được dẫn qua đường ống đến nhà máy khác để tạo ra nhiệt lượng…

Còn ở khu chế xuất (KCX) Tân Thuận, những ngày đầu thành lập, gần như toàn bộ doanh nghiệp trong KCX này thuộc các ngành thâm dụng lao động. Đến nay, trong số 240 doanh nghiệp đang hoạt động, số doanh nghiệp thuộc nhóm thâm dụng lao động hiện còn chiếm khoảng 50% và xu hướng tiếp tục giảm.

TP.HCM: 5 KCN đầu tiên chuyển sang mô hình sinh thái, công nghệ cao - Ảnh 1
Khu chế xuất Tân Thuận nhìn từ trên cao. (Ảnh: Báo Tuổi Trẻ)

Tại các diễn đàn góp ý cho dự thảo đề án định hướng của TP.HCM, nhiều doanh nghiệp và các chủ đầu tư hạ tầng KCX-KCN bày tỏ băn khoăn khi nhiều KCX-KCN đã đi hơn một nửa chặng đường 50 năm. Thời gian còn lại không nhiều, khiến cho các doanh nghiệp e ngại đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị.

Trước thực trạng này, ngày 30/3, Ban quản lý các KCX – KCN TP.HCM (HEPZA) đã tổ chức cuộc họp báo về thông tin tình hình hoạt động KCX – KCN quí I năm 2023; Đề án định hướng phát triển các KCX – KCN giai đoạn 2023 – 2030 và tầm nhìn đến 2045.

Tại cuộc họp, đại diện HEPZA đưa ra thông tin Khu chế xuất Tân Thuận và 4 khu công nghiệp gồm Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước và Bình Chiểu là 5 khu sản xuất công nghiệp đầu tiên của TP.HCM sẽ được lập đề án thí điểm chuyển đổi trong năm nay và năm tới. Hiện có hơn 700 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động sản xuất trong 5 khu này.

Cụ thể, các khu này sẽ được chuyển đổi theo định hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; các sản phẩm và công đoạn có giá trị gia tăng cao; sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, có hàm lượng giá trị gia tăng cao…

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của HEPZA, 12 KCX – KCN đang hoạt động còn lại sẽ được lập đề án chuyển đổi trong giai đoạn 2025 – 2030.

Lý giải về việc chọn 5 khu nói trên để lập phương án chuyển đổi, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, KCX Tân Thuận gần hết thời hạn cho thuê đất với nhà đầu tư nhất (năm 2041). Mặt khác, tại KCX này, các nhà đầu tư cũng đã tự chuyển dịch sang lĩnh vực phần mềm, công nghệ cao, dịch vụ… Tại KCN Tân Bình và Bình Chiểu thì giờ đã lọt thỏm vào khu dân cư. Trong khi đó, KCN Hiệp Phước thì đang được chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái, còn KCN Cát Lái thì đang được phát triển thành khu dịch vụ logistics…

Trong quá trình thực hiện, HEPZA sẽ phối hợp với các đơn vị khảo sát, lấy ý kiến, tham vấn các doanh nghiệp KCX, KCN; Hiệp hội các doanh nghiệp, ngành nghề; các công ty phát triển hạ tầng KCX, KCN, các chuyên gia,…; trong trường hợp cần thiết sẽ tham mưu điều chỉnh định hướng cho phù hợp tình hình thực tiễn.

“Việc chuyển đổi sẽ được tuyên truyền rộng rãi, thực hiện từng bước, thận trọng, tạo sự đồng thuận, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định pháp luật. Các dự án của nhà đầu tư trong KCX, KCN vẫn tiếp tục triển khai hoạt động theo thời hạn hoạt động của dự án, tuy nhiên các doanh nghiệp phải chủ động nâng cao trình độ công nghệ. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu di dời, thành phố cũng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Đến nay, có 17 KCX – KCN trong tổng số 19 khu được thành lập đã đi vào hoạt động, diện tích đất cho thuê đạt 1.948 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 77%” - đại diện HEPZA cho biết.

Nhiều hạn chế cần khắc phục

Với 30 năm hình thành và phát triển, các KCX, KCN của TP.HCM đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong việc đặt nền móng đầu tiên cho việc thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển đô thị ở các khu vực xung quanh và hình thành hành lang pháp lý trong suốt quá trình hoạt động.

Đó là thu hút vốn đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm, du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, nâng cao giá trị xuất khẩu, từng bước tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu,…

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, mô hình phát triển KCX-KCN tại TP.HCM trong thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế như chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu, chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao và có tính chất lan tỏa.

Cùng với đó, mô hình phát triển của các KCN chậm được đổi mới, các KCN chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Việc liên kết, hợp tác trong KCX, KCN, giữa các KCX, KCN với nhau và giữa KCX, KCN với khu vực bên ngoài còn hạn chế; mức độ nội địa hóa còn thấp; thiếu các KCN chuyên ngành, chuyên môn hóa.

Đáng chú ý, tỷ suất thu hút đầu tư trung bình trên 1ha đất công nghiệp đạt 6,23 triệu đô la Mỹ.

Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban HEPZA, tỷ lệ này tuy có gia tăng qua các thời kỳ nhưng vẫn tương đối thấp so với tiềm năng và lợi thế của thành phố. Một số KCN được thành lập giai đoạn đầu thiếu các công trình hạ tầng xã hội phục vụ công nhân, chưa đáp ứng được nhu cầu của hơn 71% lao động đến từ các tỉnh. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư…

Mặt khác, đến năm 2041 và một số năm tiếp theo sẽ có một số KCX, KCN bắt đầu hết thời hạn 50 năm thuê đất của nhà nước, bản thân vùng không gian xung quanh một số KCX, KCN đã rất đông dân cư và là các đô thị phát triển.

“Cần phải xác định một lộ trình thích hợp từng bước chuyển đổi các KCX-KCN hiện hữu theo các mô hình KCN hiệu quả hơn. Tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; giảm công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai, tăng các ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ.

Đồng thời, tập trung xây dựng mới các KCN theo các mô hình KCN chuyên ngành, như: công nghiệp dược, công nghệ thông tin, điện điện tử, cơ khí chế tạo, lương thực thực phẩm… gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo nhằm phát triển bền vững các KCX, KCN” – đại diện HEPZA nhận định.

Đề án đề xuất định hướng phát triển cho từng KCN mới trên cơ sở các mô hình: KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao, KCN hỗ trợ, KCN – đô thị – dịch vụ. Trong đó, tập trung xây dựng các KCN chuyên ngành, phân khu công nghiệp chuyên ngành trong KCN theo định hướng của thành phố, nhằm tạo các cụm liên kết ngành trong KCN hoặc với các KCN kề cận trong khu vực.

Lũy kế đến nay, các KCX – KCN ở TP.HCM thu hút 1.699 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,43 tỉ đô la, gồm 554 dự án FDI, và 1.145 dự án trong nước. Trong đó, có 1.482 dự án đang hoạt động; 73 dự án đang xây dựng cơ bản; 98 dự án đang trong quá trình thực hiện các thủ tục triển khai theo quy định…

Vũ Vũ

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: 5 KCN đầu tiên chuyển sang mô hình sinh thái, công nghệ cao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới