Chủ nhật, 24/11/2024 08:58 (GMT+7)
Thứ năm, 16/12/2021 09:00 (GMT+7)

TP.HCM: Xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư

Theo dõi KTMT trên

Tại chương trình hội thảo “TPHCM: Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, nhiều ý kiến của các đại biểu đã được đưa ra nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị và cơ chế đặc thù để TP.HCM phát triển mạnh mẽ hơn.

Trong chương trình hội thảo “TP.HCM: Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” do Học viện Cán bộ TP.HCM chủ trì vừa diễn ra hồi giữa tháng 12/2021, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện nhấn mạnh: Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng, chính sách để nâng cao hiệu quả xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư vào TP.HCM. Hội thảo cũng thảo luận các giải pháp khả thi, hiệu quả để xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư,…

Đồng thời, tham dự hội thảo, các đại biểu đã đề cập nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong điều kiện TP. HCM xây dựng chính quyền đô thị và cơ chế đặc thù để TP.HCM phát triển mạnh mẽ hơn.

TP.HCM: Xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư - Ảnh 1
Quang cảnh buổi Hội thảo “TP.HCM: Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.

Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. HCM Lê Hồng Sơn, TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp 1/3 ngân sách quốc gia và cũng là đô thị đông dân nhất nước. TP.HCM có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức, áp lực tăng dân số cơ học ngày càng nhanh với quy mô lớn, khối lượng công việc càng nhiều.

Hiện trung bình 1 công chức phục vụ khoảng 690 người dân, nếu tính cả khách vãng lai thì số này lên tới 1.117 người dân. Vì vậy, cần một bộ máy chính quyền đô thị hiện đại, có khả năng lập kế hoạch, sử dụng các tài nguyên, phát triển các dịch vụ hạ tầng đồng bộ, hiệu quả cao.

Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM Ma Xuân Việt cho rằng, cốt lõi của chính quyền đô thị không chỉ ở những thay đổi trong tổ chức cấp chính quyền hay mô hình “thành phố trong thành phố”, quan trọng là cải cách thể chế liên quan đến quản lý phát triển đô thị. Thực tế, văn bản quy phạm pháp luật hiện nay trên các lĩnh vực vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu hỗ trợ cần thiết cho tiến trình phát triển đô thị nước ta, trong khi xây dựng chính quyền đô thị cần sự dung hợp tinh thần cải cách đồng bộ, thống nhất…

Cũng theo ông Việt, một trong những nhiệm vụ sắp tới là TP.HCM cần tập trung xây dựng, đề xuất một số chính sách liên quan đến cơ chế khai thác nguồn lực từ đất; Các mô hình phù hợp với đô thị thông minh; Chế độ chính sách đối với đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó là gắn tiến trình xây dựng chính quyền đô thị với xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, cải cách hành chính, triệt để ứng dụng công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4,…

Việc xây dựng chính quyền đô thị cũng tồn tại những rào cản, khó khăn, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cho rằng, TP.HCM triển khai xây dựng chính quyền đô thị trong khi ngân sách đầu tư của thành phố còn khó khăn, hạ tầng quá tải, giao thông chưa thông suốt.

Vừa qua, TP.HCM phải phòng chống dịch với khoản chi rất lớn, ảnh hưởng đến ngân sách đầu tư cho các việc khác. Để TP.HCM xây dựng hiệu quả chính quyền đô thị cần có sự phân cấp, phân quyền và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương; Tăng quyền tự chủ cho địa phương, để vừa thực hiện xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư.

TP.HCM: Xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư - Ảnh 2
TP.HCM cải cánh hành chính, tổ chức cán bộ để thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Đối với công tác cán bộ, bà Thảo cho rằng, số lượng cán bộ, công chức có giảm khi thực hiện chính quyền đô thị nhưng không nên giảm quá nhiều, phải tính trên cơ sở dân cư để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Cần tính đến biên chế công chức của phường, xã như thế nào cho hài hòa. Về tỉ lệ điều tiết ngân sách, nên chăng Trung ương có tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM cao hơn hoặc có con số ổn định tuyệt đối để TP.HCM chủ động nguồn lực đầu tư.

Cùng quan điểm này, một số ý kiến cho rằng TP.HCM cần kiến nghị Chính phủ tăng tỉ lệ giữ lại cho đầu tư phát triển tại thành phố lên 33%. Đối với các giải pháp để thu hút vốn FDI, một số ý kiến đề xuất, TP.HCM cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn về thủ tục, quy định hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục hải quan nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Cùng với đó, đào tạo nguồn nhân lực lao động kỹ thuật trình độ cao.

Để cải thiện môi trường đầu tư, đồng chí Trần Thế Lưu, nguyên Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh, trước mắt TP.HCM phải tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư để hoạt động “bình thường mới”; Đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công, tháo gỡ nhanh những vướng mắc về thủ tục không cần thiết để giải ngân vốn đầu tư công; Tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới