Thứ năm, 28/11/2024 04:16 (GMT+7)
Thứ bảy, 16/10/2021 14:30 (GMT+7)

TP.HCM xây dựng thương hiệu đổi mới, sáng tạo

Theo dõi KTMT trên

Sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, danh tiếng TP.HCM bị tổn hại nên cần có kế hoạch xây dựng lại thương hiệu thành phố.

Đó là ý kiến của PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đưa ra tại Hội thảo khoa học “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025” được tổ chức ngày 16/10.

Nền kinh tế đang đối mặt với nhiều nguy cơ

Tại Hội thảo, 14 chuyên gia đã gửi bài tham luận góp ý hướng phát triển TP.HCM trong 3 năm tới. Các tham luận đều nhận định, các tổn thất doanh nghiệp đang gặp phải làm rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả lãi vay và nợ vay đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản; Nền kinh tế đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng...

Nhận diện rõ những khó khăn hiện hữu nêu ra, các chuyên gia đã tập trung vào 2 mục tiêu chính, gồm: Phục hồi sản xuất kinh doanh; đổ gãy chuỗi sản xuất cung ứng giúp doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tái gia nhập thị trường. Bên cạnh đó, thúc đẩy quá trình tăng trưởng gắn với chương trình “số hóa” và tái cơ cấu nền kinh tế. 

TP.HCM xây dựng thương hiệu đổi mới, sáng tạo - Ảnh 1
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội thảo.

“Trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, danh tiếng và thương hiệu TPHCM cũng đã bị tổn hại. Do vậy, một trong những giải pháp phải đề cập đến là xây dựng thương hiệu thành phố trên cơ sở kết hợp các khía cạnh độc đáo của văn hóa và năng lực đổi mới, sáng tạo, văn minh, hiện đại, nghĩa tình để thu hút nhân tài và các nguồn lực đầu tư, tạo ra giá trị phù hợp với công chúng”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân nêu vấn đề.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng chia sẻ, thành phố chưa bao giờ gặp khó khăn và chịu tác động nặng nề do đại dịch Covid-19 như thời gian vừa qua.

Chủ tịch UBND TP.HCM nêu 3 vấn đề đang đặt ra cho TPHCM trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2022 - 2025.

Một là cần đánh giá và nhận diện những xu hướng diễn biến của dịch Covid-19, với những tác động tiêu cực, tích cực đối với nền kinh tế thế giới, cả nước và TP.HCM.

“Nhận diện được điều này thì chúng ta mới có thể xây dựng chương trình phục hồi, phát triển sát sao hơn”, Chủ tịch UBND TP.HCM nêu.

Hai là tính toán các giải pháp để TP.HCM tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế đối với nền kinh tế cả nước; đồng thời giữ được vị trí của TP.HCM trong tương quan với các thành phố trong khu vực và thế giới.

Ba là thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, với các chỉ tiêu, mục tiêu, các đề án thành phần để đạt được mục tiêu đã xác định cũng như củng cố vị thế của TP.HCM.

TP.HCM xây dựng thương hiệu đổi mới, sáng tạo - Ảnh 2
Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025”.

Đẩy mạnh đầu tư công

Nhìn nhận trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra các dự án đầu tư công trên địa bàn TP.HCM bị ngưng trệ, TS Hoàng Công Gia Khánh - Trường Đại học Kinh tế - Luật cho rằng, thời gian tới thành phố cần đẩy mạnh phát triển các dự án này.

"Chính quyền TP.HCM cần có các gói đầu tư công đặc biệt về hạ tầng, cần giải ngân nhanh ngay quý IV thì mới có thể giúp kinh tế thành phố phục hồi nhanh", ông Khánh đưa ra ý kiến.

Đồng tình với quan điểm tra, TS Trần Du Lịch - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM đề xuất nên dùng đầu tư công như một công cụ kích cầu để phục hồi kinh tế.

“Cứ 1 đồng đầu tư công tại TP.HCM sẽ kéo theo từ 8 - 10 đồng đầu tư tư nhân. Đầu tư công cũng sẽ kích tổng cầu như trường hợp nước Anh giai đoạn 1929 - 1933”, ông Lịch cho biết.

Theo đó, TP.HCM cần mạnh dạn đưa tất cả dự án của giai đoạn 2026 - 2030 vào các gói đầu tư công phục hồi kinh tế. Nếu làm được thì sẽ giúp “cứu nền kinh tế”, đồng thời giải quyết được bài toán hạ tầng nhanh hơn, như giao thông, nhà ở, chống ngập, môi trường…

“Nếu chúng ta làm được khối lượng dự án đầu tư công của 10 năm trong 4 năm tới (2022 - 2025), thì sẽ có một thành phố hoàn toàn mới từ dịch Covid-19 này”, TS Trần du Lịch hy vọng.

Nguyễn Thật

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM xây dựng thương hiệu đổi mới, sáng tạo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới