Chủ nhật, 24/11/2024 06:42 (GMT+7)
Thứ tư, 13/04/2022 09:00 (GMT+7)

TP.HCM xúc tiến đầu tư "đánh thức tiềm năng" hai huyện Hóc Môn – Củ Chi

Theo dõi KTMT trên

Để đánh thức tiềm năng “của để dành” hai huyện Hóc Môn – Củ Chi, TP.HCM đã kêu gọi đầu tư 55 dự án với tổng số vốn khoảng hơn 285.500 tỷ đồng.

Tập trung phát triển hạ tầng

Chiều 12/4, UBND TP.HCM chính thức tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi năm 2022. Hội nghị do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (IPTC), đây là lần đầu tiên hai huyện Hóc Môn – Củ Chi tổ chức xúc tiến đầu tư kêu gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn.

TP.HCM xúc tiến đầu tư "đánh thức tiềm năng" hai huyện Hóc Môn – Củ Chi - Ảnh 1
55 dự án với tổng số vốn hơn 285.500 tỷ đồng được kêu gọi đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi năm 2022.

Cụ thể, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi năm 2022 nhằm kêu gọi đầu tư 55 dự án với tổng số vốn hơn 285.500 tỷ đồng, chủ yếu là lĩnh vực giao thông.

Trong tổng số vốn kêu gọi đầu tư, địa phương dành 282.929 tỷ đồng huy động vào 18 dự án hạ tầng giao thông - kỹ thuật, gồm: Cao tốc TP. HCM - Mộc Bài; vành đai 3, 4; đường trên cao tuyến số 5; Metro Số 3 (giai đoạn 3 - bến xe Tây Ninh - Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi); mở rộng tỉnh lộ 15...

Tai hội nghị, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. HCM cho rằng, hai huyện Hóc Môn và Củ Chi có nhiều lợi ích trong quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông của Thành phố như đường vành đai 3,4, tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc.

“Thành phố đang có 2 dự án để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc. Theo đó, Thành phố sẽ đầu tư phát triển hệ thống giao thông liên vùng, khai thác hiệu quả giao thông đường thủy, phát triển đường sắt đô thị và các đường vành đai. Đến năm 2030, định hướng tỉ lệ đất giao thông trên đất đô thị đạt 17%. Mật độ đường giao thông bình quân là 3,1km/km2” , ông Lâm cho biết.

Bên cạnh đó, TP. HCM cũng đầu tư 12 dự án chỉnh trang đô thị với tổng vốn 750 tỷ đồng; hai dự án thương mại – dịch vụ với tổng đầu tư 1.845 tỷ đồng; 3 dự án công nghiệp, 16 dự án nông nghiệp, 4 dự án giáo dục – văn hoá – thể thao.

TP.HCM xúc tiến đầu tư "đánh thức tiềm năng" hai huyện Hóc Môn – Củ Chi - Ảnh 2
Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP. HCM xem quy hoạch chung hai huyện Hóc Môn - Củ Chi.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM – Nguyễn Văn Nên nêu rõ, hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn- Củ Chi lần này có 3 ý nghĩa quan trọng là thực hiện kế hoạch hành động của Thành phố; thực hiện lời hứa của đại biểu Quốc hội với cử tri Thành phố và hai huyện trước khi ứng cử; tạo cơ hội cho các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp tục thực hiện sứ mệnh cam kết đồng hành, thi đua thực hiện chiến lược phục hồi phát triển kinh tế Thành phố.

Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định, Thành phố sẽ nổ lực tối đa, triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhất, thời gian nhanh nhất, hiệu quả nhất có thể với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đến làm ăn, không ngừng nâng cao năng lực phục vụ, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. Từ đó, tạo môi trường thông thoáng, thân thiện để tạo chuyển biến mới, cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn.

Đưa Hóc Môn – Củ Chi trở thành cực tăng trưởng quan trọng

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM nhận định, Khu đô thị Tây Bắc tại huyện Củ Chi và Hóc Môn là "của để dành" mà thành phố chưa khai thác hết tiềm năng. Khu đo thị này được định hướng là một cực tăng trưởng quan trọng phía bắc.

“Hai huyện có lợi thế là địa hình cao ráo, bằng phẳng, có hệ sinh thái tự nhiên và cảnh quan đẹp, đa dạng; lân cận có cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, hồ Dầu Tiếng, chuỗi đô thị Tân An - Thủ Dầu Một - Lái Thiêu. Huyện Hóc Môn, Củ Chi còn có tiềm năng kết nối trung tâm TP. HCM chỉ trong 30-35 phút bằng giao thông thuỷ nhưng chưa được khai thác triệt để”, ông Nhã cho biết.

TP.HCM xúc tiến đầu tư "đánh thức tiềm năng" hai huyện Hóc Môn – Củ Chi - Ảnh 3
Hóc Môn - Củ Chi sẽ có diện mạo mới trong thời gian tới.

Cũng theo Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, Hóc Môn và Củ Chi có tổng diện tích 544 km2 - chiếm hơn 26% diện tích tự nhiên TP.HCM. Định hướng điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 đặt ra yêu cầu nghiên cứu phía Bắc - Tây Bắc là một trong những hướng phát triển chủ đạo của thành phố. Khu đô thị Tây Bắc dự kiến được điều chỉnh phát triển đô thị thông minh, du lịch sinh thái.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và đáp ứng nhu cầu phát triển của Thành phố, phải định hướng mở rộng phạm vi đô thị hóa Hóc Môn và Củ Chi theo một lộ trình bền vững, ổn định và hướng đến phát triển lên quận hoặc Thành phố thuộc TP.HCM.

Đồng thời, điều chỉnh quy hoạch chung cần dành diện tích đất thỏa đáng cho nông nghiệp và du lịch sinh thái, phát triển Củ Chi thành vành đai xanh của TP. Không để tình trạng đô thị hóa tự phát, xây cất tự phát "phố không ra phố, làng không ra làng". Giữ hành lang ven sông, đặc biệt là hành lang ven sông Sài Gòn.

"Trong tương lai, đây sẽ là những trung tâm tài chính, dịch vụ, công nghiệp, nghiên cứu khoa học nông nghiệp, y tế, giáo dục, thể thao, các dự án dân cư được thiết kế bài bản", ông Nhã nhận định.

Trước đó, khi nhận định về tiềm năng của huyện Hóc Môn, ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn cho biết, Hóc Môn có vành đai các sông ôm từ phía Đông sang phía Tây rất đẹp. Nếu phát triển đô thị thì sẽ lý tưởng: vừa là trên bến dưới thuyền, vừa buôn bán hàng hóa, vừa phát triển du lịch…

“Chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều nhà đầu tư uy tín, năng lực, kinh nghiệm để phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai trên địa bàn huyện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Huyện luôn tạo điều kiện cho nhà đầu tư khảo sát, tiếp cận thông tin đầy đủ, thuận lợi nhất để đưa ra phương án đầu tư tối ưu” Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn cho biết.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận định, thời gian qua, việc kêu gọi đầu tư vào Khu đô thị Tây Bắc chưa được như mong muốn do một số nội dung quy hoạch chưa phù hợp, như chỉ tiêu quy mô dân số theo quy hoạch khoảng 300.000 người đến năm 2025 là rất thấp cho một khu vực rộng, khó đáp ứng tính chất đô thị, không hiệu quả trong thu hút đầu tư cũng như hiệu quả sử dụng đất đai chưa cao. 

Để giải quyết vấn đề này, TP.HCM đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố tổ chức điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 toàn Khu đô thị Tây Bắc với quy mô dân số là 600.000 người, tăng 300.000 người so với chỉ tiêu quy hoạch trong đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM đề cập ở trên. Nếu đề xuất trên được chấp thuận thì Khu đô thị Tây Bắc sẽ có cơ sở và sức hút hơn với nhà đầu tư, qua đó sớm trở thành khu đô thị vệ tinh của thành phố.

“Để tập trung nguồn lực cho phát triển các đô thị vệ tinh Tây Bắc, TP.HCM cần kiên quyết giảm xây mới các công trình dự án lớn về văn hóa - xã hội, giảm các cao ốc tại khu vực nội thành, nhất là khu trung tâm. Thay vào đó, từng bước dịch chuyển phát triển các công trình dự án lớn ra các đô thị vệ tinh. Điều này giúp TP.HCM từng bước giãn dân, giảm tập trung dân số ở khu vực trung tâm và thúc đẩy phát triển cân bằng ở các đô thị vệ tinh, vùng ven”, ông Ngân nhận định.

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM xúc tiến đầu tư "đánh thức tiềm năng" hai huyện Hóc Môn – Củ Chi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới