Chủ nhật, 24/11/2024 07:36 (GMT+7)
Thứ ba, 02/08/2022 12:00 (GMT+7)

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách miễn giảm thuế, phí

Theo dõi KTMT trên

Sau 7 tháng triển khai các giải pháp tài khóa, Bộ Tài chính đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc. Trong đó, các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, lệ phí được triển khai đồng bộ, được đánh giá cao của Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp

Triển khai chính sách miễn, giảm thuế thuộc Chương trình phục hồi

Triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách thu, chi ngân sách nhà nước, cân đối đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Sau 7 tháng triển khai, đến nay Bộ Tài chính đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc. Trong đó, việc triển khai chính sách miễn, giảm thuế thuộc Chương trình phục hồi (quy mô dự kiến khi xây dựng Chương trình là 64 nghìn tỷ đồng) đã thực hiện miễn, giảm khoảng 31 nghìn tỷ đồng (tương đương trên 48%).

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách miễn giảm thuế, phí - Ảnh 1
Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí được triển khai đồng bộ và nhận được đánh giá cao của Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ hướng dẫn về chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Ước tính 7 tháng đầu năm 2022, đã giảm khoảng 21.810 tỷ đồng.

Về thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 của Chính phủ, ước tính 7 tháng đầu năm 2022 đã thực hiện khoảng 6.555 tỷ đồng. Đối với chính sách giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022, ước tính 7 tháng đầu năm 2022 đã thực hiện khoảng 737 tỷ đồng.

Về điều chỉnh giảm thuế suất thuế xuất nhập khẩu đổi với nhiều nhóm mặt hàng theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ, ước tính 7 tháng đầu năm 2022, đã thực hiện khoảng 925 tỷ đồng.

Về giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 đến ngày 30/6/2022, ước tính 7 tháng đầu năm 2022, đã thực hiện khoảng 900 tỷ đồng.

Trước diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới, giá xăng dầu tăng mạnh, gây áp lực lên lạm phát và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (theo trình tự, thủ tục rút gọn), áp dụng từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

 Cùng với đó, triển khai Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022, quy mô dự kiến khoảng 24 nghìn tỷ đồng (nằm ngoài gói 64 nghìn tỷ đồng miễn, giảm thuế, phí lệ phí của Chương trình phục hồi nêu tại điểm a), ước thực hiện chính sách này 7 tháng đầu năm khoảng 8.909 tỷ đồng.

Cùng với đó, do giá xăng dầu tăng đột biến, để kiểm soát giá cả, giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết về giảm kịch khung mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 07/7/2022 với quy mô dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng.

Đồng thời, thực hiện các chính sách gia hạn thuế (quy mô dự kiến khi xây dựng Chương trình là 135 nghìn tỷ đồng), đến nay, đã gia hạn các loại thuế là 43.058 tỷ đồng (tương đương khoảng 32%).

Ban hành Quyết định về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước

Ước thực hiện đến hết tháng 7 năm 2022 về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022 là 41.600 tỷ đồng. Chính sách này được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ. Về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định số 32/2022/NĐ-CP ngày 21/5/2022 của Chính phủ, ước thực hiện đến hết tháng 7/2022 là 1.458 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, cùng với các nhiệm vụ được triển khai thực hiện từ sớm, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các đối tượng bị ảnh hưởng do Covid-19 năm 2022.

Bộ Tài chính cho biết, dự thảo chính sách trên đã được hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 96/TTr-BTC ngày 06/5/2022. Đến ngày 10/6/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện các công việc tiếp theo. Đến nay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Quyết định về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các đối tượng bị ảnh hưởng do Covid-19 năm 2022 để trình Thủ tướng Chính phủ.

Song song với đó, Bộ Tài chính cũng đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý tại Thông tư số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/6/2016 hướng dẫn nội dung chi và quản lý quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Hiện Bộ Tài chính đang rà soát dự thảo Thông tư trước khi ban hành.

Đặc biệt, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng để kịp thời áp dụng trong thời gian thực hiện Chương trình. Trong đó, đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (theo Công văn số 301/BTC-CST kèm Báo cáo số 302/BC-BTC ngày 31/3/2022).

Đối với nội dung trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Văn bản số 1292/VPCP-PC ngày 28/4/2022 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 5152/BTC-CST ngày 03/6/2022 gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện lại Báo cáo để trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Bộ Tài chính, bám sát các chủ trương, định hướng đã được đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với cấp có thẩm quyền nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, hướng tới hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách miễn giảm thuế, phí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới