Chủ nhật, 24/11/2024 08:32 (GMT+7)
    Thứ ba, 11/10/2022 11:50 (GMT+7)

    Trồng dược liệu dưới tán rừng: Hướng đi mới hiệu quả giúp phát triển kinh tế bền vững

    Theo dõi KTMT trên

    Khai thác hiệu quả những điều kiện tự nhiên trong trồng cây dược liệu, nhiều huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã ổn định cuộc sống, nâng cao hiệu quả sản xuất từ việc phát triển kinh tế dược liệu dưới tán rừng.

    Quy hoạch vùng trồng dược liệu tập trung và lồng ghép nhiều chương trình, dự án để phát triển các mô hình cây trồng

    Quảng Nam hiện là một trong 8 vùng dược liệu lớn nhất nước. Kết quả thực hiện các chương trình, đề án phát triển dược liệu thời gian qua cho thấy, tổng diện tích cây dược liệu được thống kê trên địa bàn là gần 2.500ha trong đó chủ yếu là các huyện miền núi của tỉnh. Tại một số địa phương như Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, cây đảng sâm, sa nhân tím và ba kích tím bước đầu trở thành cây dược liệu có giá trị kinh tế cao và đang được mở rộng vùng trồng.

    Trồng dược liệu dưới tán rừng: Hướng đi mới hiệu quả giúp phát triển kinh tế bền vững - Ảnh 1
    Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng đang phát huy hiệu quả trong việc ổn định và nâng cao đời sống của người dân. (Ảnh Intertnet)

    Tây Giang là địa phương có thế mạnh về cây dược liệu với nhiều loài có giá trị kinh tế, như ba kích, đảng sâm, cây sâm bảy lá một hoa, chè dây... Những năm qua, từ nhiều nguồn vốn như chương trình giảm nghèo, nông thôn mới, nguồn khuyến khích từ Nghị quyết 202 của HĐND tỉnh và Quyết định 2950 của UBND tỉnh, huyện Tây Giang đã hỗ trợ người dân tự phát triển cây dược liệu trên tổng diện tích gần 1.475ha.

    Trong đó, địa phương ưu tiên phát triển 2 loại cây dược liệu bản địa gồm đảng sâm và ba kích tím. Theo Phòng NN&PTNT huyện, diện tích chuyên trồng cây dược liệu chủ lực gồm đảng sâm là hơn 540ha tại 3 xã vùng cao, cho sản lượng trung bình 15 - 20 tạ/ha/năm. Diện tích cây ba kích hơn 332ha, chủ yếu tại xã Lăng và một phần Tr’Hy, cho sản lượng khoảng 50 - 60 tạ/ha/5 năm.

    Tây Giang phấn đấu đến năm 2025 sẽ nâng diện tích trồng cây dược liệu toàn huyện lên 2.500ha, tạo giá trị gia tăng từ các sản phẩm dược liệu, tạo thu nhập ổn định và phấn đấu đưa 1 - 2% hộ nghèo có tham gia liên kết trồng dược liệu thoát nghèo. Cây đảng sâm được ưu tiên phát triển tại 3 xã vùng cao Ch’Ơm, Ga Ry và A Xan.

    Cây ba kích tập trung tại 6 xã vùng thấp, trọng tâm là 3 xã Lăng, Tr’Hy và A Tiêng. Cây sả hương phát triển tại 3 xã A Xan, Tr’Hy và A Tiêng. Một số cây dược liệu hỗ trợ cũng được khuyến khích trồng gồm sơn tra (táo tây), chè dây, tiêu rừng, sa nhân, sâm 7 lá 1 hoa, quế nam, gừng... Nếu như trước đây, năm 2003 khi mới thành lập huyện, lúc đó hộ nghèo là 84%, thì đến thời điểm này, hộ nghèo giảm còn dưới 43%. Thời gian tới, huyện Tây Giang sẽ tiếp tục khuyến khích, nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu. 

    UBND huyện Nam Trà My khẳng định: Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu là hướng đi đúng đắn, đang góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng bảo vệ rừng. Địa phương này có khoảng 300 loài dược liệu, trong đó có nhiều dược liệu quý như quế, đảng sâm, đương quy, giảo cổ lam, lan kim tuyến, sơn tra, thất diệp nhất chi hoa, sa nhân…  

    Giai đoạn 2017 - 2020, toàn huyện có 1.038 hộ được hỗ trợ tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng phát triển dược liệu trên 70ha. Người dân còn tự nhân giống, trồng khoảng 40ha dược liệu. Giá đảng sâm từ 50 - 70 nghìn đồng/kg vào năm 2015, đến nay tăng lên 150 - 250 nghìn đồng/kg tùy theo loại. Thu nhập bình quân của hộ dân trồng đảng sâm từ 20 - 30 triệu đồng/năm; những nơi người dân chăm sóc tốt và tự nhân rộng để trồng thì thu hoạch đến 50 - 70 triệu đồng/năm.

    Triển khai các chính sách, cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển cây dược liệu

    Những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh như: Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam về Cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030... 

    Bên cạnh đó, Quảng Nam phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030 với tổng diện tích khoảng 64.000ha; trong đó diện tích đã trồng hiện có gần 2.500ha; diện tích quy hoạch trồng mới hơn 61.000ha.

    Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo triển khai di thực cây sâm Ngọc Linh về 5 huyện miền núi để trồng thử nghiệm (gồm Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang và Phước Sơn). Trong năm 2021, đã hỗ trợ cây giống sâm Ngọc Linh cho 5 huyện nêu trên (mỗi huyện 1.000 cây giống) để thực hiện trồng thử nghiệm, làm cơ sở để khảo sát, đánh giá tiềm năng, khả năng thích nghi với điều kiện thỗ nhưỡng, khí hậu.

    Hải Anh

    Bạn đang đọc bài viết Trồng dược liệu dưới tán rừng: Hướng đi mới hiệu quả giúp phát triển kinh tế bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới