Trung Quốc: Dãy núi cầu vồng Đan Hà, vẻ đẹp siêu thực như lạc vào cổ tích
Dãy núi cầu vồng Đan Hà ở Trung Quốc đã được mệnh danh là một trong những kỳ quan đẹp nhất thế giới.
Nếu nhìn thấy những ngọn núi bảy màu kỳ vĩ trải dài trong Công viên Địa chất Quốc gia Trương Dịch, Trung Quốc, nhiều người sẽ nghĩ đây có lẽ chỉ là một công trình nhân tạo. Thế nhưng, những khối đá trầm tích rực rỡ này lại thực sự là một kỳ quan của mẹ thiên nhiên. Chúng được biết đến với cái tên "Địa mạo Đan Hà" hay còn gọi là "Núi cầu vồng". Dưới ống kính của các nhiếp ảnh gia và người yêu du lịch, núi cầu vồng Đan Hà đẹp kỳ ảo như cảnh tượng trong truyện cổ tích.
Dãy núi độc đáo nổi lên như một hiện tượng
Núi cầu vồng Đan Hà là một phần trong khuôn viên Công viên Địa chất Quốc gia Trương Dịch. Công viên này nằm phía dưới chân dãy núi Kỳ Liên, tỉnh Cam Túc, phía Tây Bắc Trung Quốc, nơi giao thoa với biên giới Mông Cổ. Công viên có tổng diện tích lên tới 52 hecta. Ban đầu, công viên có tên gọi là Công viên Địa chất Trương Dịch Đan Hà.
Năm 2000, một nhà báo ở Trung Quốc đã đăng tin về dãy núi Đan Hà. Chứng kiến vẻ đẹp này qua ảnh, người dân đã đổ xô tới vùng núi độc đáo này để thăm quan. Đến năm 2009, dãy Đan Hà được UNESCO vinh danh. Kể từ đó, dãy Đan Hà trở thành điểm du lịch thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm. Truyền thông Trung Quốc coi nơi đây là một trong những cảnh quan đẹp nhất nước.
Núi cầu vồng được hình thành như thế nào?
Dãy Đan Hà được hình thành từ khối đá sa thạch thuộc kỷ Phấn Trắng, còn trước cả dãy Himalayan. Rất nhiều triệu năm trước kia, dãy đá trầm tích này từng là những tảng đá sa thạch phẳng. Do tác động của thiên nhiên qua nhiều năm, chúng vỡ ra thành nhiều khối, làm lộ ra các tảng đá trầm tích ẩn sâu bên trong. Quá trình phong hóa và xói mòn đã rửa trôi lớp khoáng vật silicat bên ngoài, làm lộ ra lớp đá bên trong với nhiều thành phần khoáng chất và hóa học khác nhau.
Nước ngầm di chuyển xuyên qua các lớp đá, lắng đọng lại các khoáng chất vi lượng. Khoáng chất vi lượng khác nhau sẽ tạo ra màu sắc khác nhau cho đá sa thạch từ đỏ, vàng, cam cho tới trắng, xanh lá, xanh da trời... Chính điều này đã làm nên màu sắc đa dạng của dãy Đan Hà. Quá trình này diễn ra liên tục trong 24 triệu năm mới có được vẻ đẹp siêu thực như ngày nay.
Nguồn: Tổng hợp
ChiMai