Chủ nhật, 24/11/2024 02:26 (GMT+7)
Thứ tư, 29/12/2021 14:00 (GMT+7)

Trung Quốc trải qua mùa đông có nhiệt độ thấp kỷ lục

Theo dõi KTMT trên

Tờ Hoàn cầu Thời báo đưa tin, không khí lạnh đã ảnh hưởng tới 90% các khu vực trên khắp Trung Quốc. Khi khối không khí lạnh từ Siberia tràn qua Trung Quốc từ Bắc xuống Nam, nhiều thành phố đã phải chịu đựng nhiệt độ thấp nhất trong mùa đông này.

70% tỉnh thành Trung Quốc đang trải qua đợt rét đậm nhất từ đầu đông

Khi khối không khí lạnh từ Siberia tràn qua Trung Quốc từ Bắc xuống Nam, nhiều thành phố đã phải chịu đựng nhiệt độ thấp nhất trong mùa đông này cho đến nay.

Nhiệt độ ở thành phố Hulunbuir, thuộc khu tự trị Nội Mông, miền Bắc Trung Quốc, đã giảm mạnh xuống -46,9 độ C vào ngày 23.12. Nhiệt độ tại các khu vực khác của miền Bắc Trung Quốc giảm xuống -40 độ C, khiến các siêu thị lớn tăng cường cung cấp nhu yếu phẩm, bao gồm trái cây và rau quả.

Trung Quốc trải qua mùa đông có nhiệt độ thấp kỷ lục - Ảnh 1
Nhiều công nhân phải dọn tuyết ở thành phố Hắc Long, tỉnh Hắc Long Giang. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Tính đến ngày 26/12, 18 khu vực cấp tỉnh đã chứng kiến ​​nhiệt độ thấp nhất trong mùa đông năm nay, với nhiệt độ ở Thượng Hải, Hàng Châu (Chiết Giang, miền Đông), Trường Sa (Hồ Nam, miền Trung) lần đầu tiên giảm xuống dưới 0.

Bản đồ dự báo thời tiết từ Cục Khí tượng Trung Quốc cho thấy đợt lạnh đã đến phía Bắc của các khu vực miền Nam Trung Quốc vào ngày 26/12.

Hoàn cầu Thời báo đưa tin, Đài quan sát Khí tượng Trung ương Trung Quốc đã ban hành cảnh báo về bão tuyết lớn và không khí lạnh, dự báo bão tuyết ở tỉnh Quý Châu và Hồ Nam, Tây Nam Trung Quốc trong tuần này. Đài quan sát cảnh báo cư dân địa phương đề phòng trời lạnh và đường trơn trượt.

Một nhà khí tượng học ở Bắc Kinh cho biết, đợt lạnh này do một khu vực áp cao cực mạnh ở Siberia gây ra, ảnh hưởng đến phạm vi rộng lớn ở Trung Quốc từ Bắc xuống Nam. Một số khu vực ở phía Nam sông Dương Tử, chẳng hạn như Quý Châu và Hồ Nam, thậm chí còn có mưa tuyết.

"Thời tiết khắc nghiệt sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp điện và năng lượng ở các khu vực phía Nam vì mưa tuyết sẽ có tác động tiêu cực đến lưới điện và việc truyền tải điện", chuyên gia lưu ý.

Ngoài ảnh hưởng đến việc cung cấp điện, ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt đến giao thông là điều hiển nhiên. Sở Công an tỉnh Hồ Nam đăng trên tài khoản WeChat những bức ảnh chụp cảnh sát ở các thành phố của tỉnh đang duy trì trật tự giao thông trên những con đường phủ đầy tuyết.

Nhân viên công ty cung cấp điện ở nhiều nơi, bao gồm khu tự trị Hồi Ninh Hạ và Tân Cương ở Tây Bắc Trung Quốc đã bắt đầu công việc bảo trì lưới điện trước khi đợt lạnh đến, để đảm bảo người dân có điện.

Mùa đông năm nay nhiệt độ lạnh hơn bình thường ở Trung Quốc

Hiện tượng La Nina năm nay xuất hiện trở lại, khiến mùa đông 2021-2022 lạnh hơn. Nhiệt độ thấp hơn bình thường từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... dự kiến ​​gây trầm trọng thêm cho cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Á.

Mô hình La Nina, hình thành khi gió mậu dịch xích đạo mạnh lên để mang nước lạnh hơn, sâu hơn từ đáy biển lên, đã xuất hiện ở Thái Bình Dương. Điều đó thường gây ra nhiệt độ dưới mức bình thường ở Bắc bán cầu và khiến các cơ quan dự báo thời tiết khu vực đưa ra cảnh báo về một mùa đông lạnh giá.

Một số quốc gia và đặc biệt là Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu, đang phải vật lộn với giá nhiên liệu tăng cao, trong khi với một số quốc gia khác, đang đối mặt tình trạng thiếu điện hoặc hạn chế cung cấp cho ngành công nghiệp nặng. Giá than và khí đốt đã tăng cao và một mùa đông khắc nghiệt làm tăng thêm nhu cầu sưởi ấm, có khả năng sẽ thúc đẩy giá nhiên liệu tăng thêm.

Bloomberg dẫn lời Renny Vandewege, phó chủ tịch phụ trách dự báo thời tiết của nhà cung cấp dữ liệu DTN cho biết: “Chúng tôi dự báo nhiệt độ sẽ lạnh hơn bình thường vào mùa đông năm nay trên khắp Đông Bắc Á. Dữ liệu dự báo thời tiết là một thành phần quan trọng để dự đoán nhu cầu năng lượng".

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Trung Quốc trải qua mùa đông có nhiệt độ thấp kỷ lục. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới