Chủ nhật, 24/11/2024 08:10 (GMT+7)
Thứ sáu, 01/07/2022 09:16 (GMT+7)

TS. Trần Khắc Tâm: “Đáng suy ngẫm khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giảm”

Theo dõi KTMT trên

Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2021 giảm 3 bậc so với năm 2020. Sóc Trăng đứng thứ 11/13 tỉnh khu vực ĐBSCL. Đây là điều rất đáng suy ngẫm.

Ngày 29/6, bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng, ông Lê Văn Hiểu - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì và điều hành kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa X. Tại kỳ họp này đã lắng nghe những nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của các sở, ngành.

Tại kỳ họp này, nhiều Đại biểu HĐND đã chất vấn và nêu ý kiến thẳng thắn về các vấn đề đã làm được và chưa làm được trong thời gian vừa qua của tỉnh Sóc Trăng. Trong đó có những sự kiện nóng được cử tri quan tâm.

Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Sóc Trăng tụt 3 bậc

Phát biểu tại kỳ họp, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng cho biết, cách đây đúng một năm là thời điểm chúng ta lo âu bởi đại dịch COVID-19 hoành hành, từ TP.HCM lan rộng ra các tỉnh Miền Đông, Miền Tây Nam Bộ. Sóc Trăng là một trong những địa phương bị dịch bệnh đe dọa tàn phá. “Tôi xin nhắc lại dấu mốc ấn để ghi nhớ rằng trong một năm qua, toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh ta đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều, để cùng với nhân dân từng bước chiến đấu, vượt qua đại dịch, trong đó HĐND tỉnh đã có những kỳ họp bất thường nhằm quyết định những vấn đề, chính sách quan trọng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và công tác quản lý nhà nước trong một giai đoạn đặc biệt”, Đại biểu HĐND Trần Khắc Tâm chia sẻ.

TS. Trần Khắc Tâm: “Đáng suy ngẫm khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giảm” - Ảnh 1
Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng.

Theo Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, mặc dù bị dịch bệnh tàn phá nhưng để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,46% trong nữa đầu năm 2022 là một kết quả rất có ý nghĩa. Nhiều mặt hàng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và hoạt động dịch vụ đạt kết quả khả quan cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của UBND tỉnh và chính quyền các cấp.

Ông Tâm cho biết, ông và nhiều cử tri rất quan tâm đến công tác triển khai xây dựng quy hoạch, lập quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bởi đây là nền tảng cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đặt trong mối liên kết toàn vùng ĐBSCL.

Mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo quy hoạch tỉnh, chúng ta hy vọng rằng tới đây Sóc Trăng sẽ có được quy hoạch hiện đại, để từ đó khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh để xây dựng, phát triển quê hương trong tương lai.

Là người hoạt động trong Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, ông Tâm cho biết, ông và các doanh nghiệp quan tâm đến các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Năm 2021, Sóc Trăng đạt 61,81 điểm, đứng thứ 54/63 tỉnh, thành phố về chỉ số năng lực cạnh tranh. Như vậy là thứ hạng tỉnh chúng ta tụt 3 bậc so với năm 2020, Sóc Trăng cũng bị xếp thứ 11/13 tỉnh, thành phố của khu vực ĐBSCL. Đây là điều rất đáng suy nghĩ.

Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp thấy rất cảm kích khi ngay từ đầu năm 2022, lãnh đạo UBND tỉnh đã rất quyết tâm tập trung cải thiện tình hình, tổ chức gặp mặt, đối thoại với 73 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đặc biệt, UBND tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022 với chủ đề “Đồng hành – Hợp tác – Phát triển, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và nhiều lãnh đạo các bộ, ngành. Với các văn bản ký kết đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, các bản ghi nhớ nghiên cứu, khảo sát đầu tư với số vốn dự kiến lên đến 200.000 tỷ đồng…

“Chúng ta hết sức mong muốn và kỳ vọng trong tương lai không xa, các dự án đầu thư lớn, then chốt trên địa bàn sẽ giúp quê hương Sóc Trăng thay da đổi thịt. Những lời nhắn nhủ, chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư cuối tháng 4 vừa qua rất có ý nghĩa với chúng ta. Đề nghị UBND, các ban, ngành trong tỉnh cụ thể hóa bằng các chính sách, các kế hoạch, tranh thủ sự ủng hộ của trung ương để tạo ra nền tảng phát triển cho tỉnh nhà”, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Trần Khắc Tâm nêu ý kiến.

Bài toán thu hút đầu tư

Vấn đề thu hút đầu tư là một trong những trăn trở của nhiều Đại biểu HĐND tham dự kỳ họp, trong đó có ông Trần Khắc Tâm. Vị này cho rằng, việc giải quyết tốt, chăm lo tốt cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án hiện tại sẽ tạo ra niềm tin, động lực để thu hút các nhà đầu tư sẽ đến với Sóc Trăng trong tương lai. Điều này làm tốt mới có thể cụ thể hóa, hiện thực hóa được tham vọng xây dựng tỉnh Sóc Trăng giàu mạnh đến tầm nhìn 2050 là điểm đến của các tuyến đường cao tốc và cảng biển lớn kết nối ĐBSCL với thế giới bên ngoài.

TS. Trần Khắc Tâm: “Đáng suy ngẫm khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giảm” - Ảnh 2
Rất nhiều Đại biểu tam tâm đến các chính sách thu hút đầu tư tại tỉnh Sóc Trăng. 

Được biết, HĐND tỉnh Sóc Trăng vừa thông qua phê duyệt chủ trương đầu tư dự án gia cố chống sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn tỉnh. Trong đó có các dự án có số vốn lớn như dự án gia cố từ cống số 2 đến cống số 4 thị xã Vĩnh Châu với giá trị 66 tỷ đồng; gia cố sạt lở bờ biển từ K39 đến K45 xã Vĩnh Hải thị xã Vĩnh Châu với số vốn hơn 77 tỷ đồng.

Tiến sĩ Trần Khắc Tâm đánh giá đây là quyết định kịp thời của HĐND tỉnh sau khi nhận được sự hỗ trợ từ trung ương, trên cơ sở tính cấp bách của hiện trạng sạt lở các địa điểm nêu trên. Tuy nhiên, vị này cũng yêu cầu các cơ quan hữu quan phân tích, đánh giá hiện trạng sạt lở, xói mòn hiện nay toàn bộ địa bàn tỉnh để người dân nắm được và giám sát. Việc này nếu tuyên truền tốt chắc chắn sẽ nâng cao được ý thức bảo vệ các khu vực bờ sông, bờ biển của người dân.

Về vấn đề nhân lực và thu hút nhân tài, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm khẳng định đây không phải là vấn đề mới đặt ra với tỉnh Sóc Trăng, cũng không phải là vấn đề mới ở các địa phương khác. Bởi trong nhiều năm qua, các địa phương trong cả nước đã đưa ra nhiều chính sách thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là đối với các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống như tỉnh Sóc Trăng. Tuy vậy, không nhiều địa phương thực hiện thành công chính sách này dù có những tỉnh đã đưa vào chính sách những ưu đãi rất lớn như cấp nhà, cấp xe cho người có học hàm, học vị cao. Nhiều chuyên gia đã phân tích rằng, việc thu hút nhân lực chất lượng cao phụ thuộc vào môi trường làm việc lâu dài chứ không chỉ là những ưu đãi ban đầu.

Vì vậy, việc dự trù kinh phí tổng khi phí của chương trình là hơn 100 tỉ đồng là con số khá lớn. Để giải ngân hết được số tiền này một cách hiệu quả thì đồng thời với chính sách hỗ trợ mà nghị quyết nêu ra, chúng ta cần nỗ lực cải thiện môi trường làm việc, thu hút các dự án lớn, các dự án công nghệ cao, kỹ thuật cao, đặc biệt là cải thiện thứ hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, từ đó tạo ra kế sách lâu dài, bền vững để thu hút nhân lực.

“Trước khi kỳ họp này diễn ra, cô bác cử tri cũng gởi gắm tôi phát biểu, đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan chức năng có biện pháp kiểm soát tốt hệ thống ngân hàng trước tình trạng nợ xấu tăng cao (3% so với 1,9% cùng kỳ năm trước), trong đó một số ngân hàng chưa thực hiện có hiệu quả thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong cho vay. Đề nghị UBND có các biện pháp kiểm soát tốt giá cả các mặt hàng thiếu yếu trước nguy cơ lạm phát, tránh tình trạng lợi dụng tăng giá kiểu té nước theo mưa, làm ảnh hưởng đến đời sống của đại bộ phận người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp, người nghèo”, Đại biểu Trần Khắc Tâm nêu ý kiến.

V.Chương

Bạn đang đọc bài viết TS. Trần Khắc Tâm: “Đáng suy ngẫm khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giảm”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới