Chủ nhật, 24/11/2024 04:53 (GMT+7)
Thứ tư, 15/12/2021 07:00 (GMT+7)

Từ đại biểu Xô Viết tối cao trở thành chủ trang trại

Theo dõi KTMT trên

Cựu đại biểu Xô viết tối cao nước Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga, nguyên Tổng Giám đốc một công ty xây dựng và người dẫn chương trình truyền hình Murat Sirazin quyết tâm làm lại cuộc đời và chuyển từ thành phố về nông thôn.

Treo ảnh Tổng thống V. Putin trong nhà để dọa cướp và các quan chức hư hỏng

Làng Shelanga nằm ở vùng Verkhneuslon của Tatarstan, cách thành phố Kazan 65 km. Ngôi nhà lớn bằng gạch đỏ của vợ chồng ông Murat và bà Galina nằm ở cuối làng. Trong nhà, Murat treo ảnh Tổng thống V. Putin mặc đồng phục đại uý KGB. Ông nói, “để doạ bọn cướp và những quan chức hư hỏng”.

Ngày của chủ trại được sắp xếp theo đồng hồ sinh học của những người trực thuộc ông. Về mùa đông, Murat thức dậy lúc 8 giờ sáng. Sau bữa sáng, ông khoác chiếc áo bông và đi cho gia cầm ăn. “Vợ chồng tôi có sự phân công lao động. Galya không thích gia súc lắm, nhưng lại rất mê vườn và làm vườn. Vì vậy tôi phụ trách tiếp thị, tổ chức chung, chuẩn bị thức ăn và cho gia súc ăn, còn bà ấy chịu trách nhiệm về gia cầm con, lò ấp trứng nhân tạo, trồng và  bảo vệ rau, quả, làm thủ quỹ và cấp dưỡng cho tất cả mọi người trong nhà”.

Từ đại biểu Xô Viết tối cao trở thành chủ trang trại - Ảnh 1
Ông Murat Sirazin.

Cho gia cầm ăn cá hồi

Murat nói rằng buổi sáng bất cứ cơ thể sống nào cũng phải tẩy sạch các độc tố được tích tụ trong cơ thể vào ban đêm. Vì vậy công việc đầu tiên là ông đổ đầy nước giếng ấm vào các máng tự động, mỗi máng 10 lít.

Bữa sáng, trưa và tối của gia cầm gần giống nhau về thành phần, nhưng lại vương giả so với những người anh em trong làng: Thức ăn gồm lúa mạch, đậu, đại mạch, bí ngô, củ cải trắng, củ cải đỏ, các thức ăn thừa và cỏ dại mà những người hàng xóm tốt bụng mang đến để đổi lấy đất mùn, vỏ cây và thậm chí cả các loại cá hồi. 

Từ đại biểu Xô Viết tối cao trở thành chủ trang trại - Ảnh 2

“Người Nga bình dân chúng ta ăn cá chép, cá trích và luôn luôn chén sạch, không để lại đầu lẫn đuôi. Còn hiện nay người ta mang đến cho tôi trứng cá đỏ thừa từ các nhà hàng do các nhà tài phiệt địa phương bỏ lại”- cựu dân biểu vừa nói vừa dùng muôi khuấy một hỗn hợp đã đun sôi.

Vườn thú nông thôn

Khách hàng gọi gia cầm của Murat là “ngoại lai”, còn trẻ con nông thôn và người thành phố đến trang trại của ông như đến vườn thú. Bản thân ông chủ không thích từ “ngoại lai”. Chúng là giống Nga thuần chủng hoặc của nước ngoài được đưa vào nước Nga đã lâu. Mỗi năm, Murat xuất chuồng 15.000 con gà, ngỗng, vịt, gà trống tây và gà Phi. “Những con gia cầm khác nhau thường đi theo đàn và không bị lẫn, nhưng đôi khi một chú vịt sinh ra và lớn lên cùng với đàn ngỗng, và sau đó không đến với những người anh em của mình nữa, cứ nghĩ rằng mình là ngỗng!” - ông Murat nói.

Đầu tiên, ông chủ bước tới chỗ chuồng vịt và vội vàng khép cánh cửa. Trong chuồng có một làn sương mù do các luồng không khí lạnh và ấm trộn lẫn với nhau: thậm chí ngoài trời âm 30 độ, chuồng cũng không cần lò sưởi, nước uống không đóng băng, không khí ở đây trở nên ấm áp nhờ chính gia súc và gia cầm, ánh sáng mặt trời và phân chuồng được chế biến bằng vi khuẩn và giun đất.

Mùa hè, khi ngỗng và vịt được thả ra ngoài, trong bãi chăn rào kín và dưới mái che, Murat trồng rau trong nhà kính, xới lại đất đã bón phân, không sử dụng phân hóa học và phân khoáng.

Ngỗng ở đây thuộc giống "Linda", "Ý" và "Lanđa Pháp". “Ngỗng đực vốn chung thủy, chỉ gắn bó với những nàng ngỗng đẹp, còn ngỗng cái thì ngược lại, hay lăng nhăng. Đôi khi một "nàng ngỗng Ý” đến tán tỉnh một “chàng ngỗng Pháp”, làm bùng nổ cuộc chiến tranh thị tộc" - Murat vừa cười vừa nói.

Trước đây là người vô thần, bây giờ theo đa thần giáo

Murat kể rằng ông đang kế tục truyền thống của tổ tiên: Cụ của Murat tên là Suleyman có một thời sinh sống tận Sibir và cũng làm nông nghiệp. Ông nội từng phục vụ tướng Bạch vệ Kolchak, sau đó đi theo Hồng quân, nhưng vẫn bị xử bắn năm 1937 vì bị nghi là gián điệp của Nhật. Bố ông tham gia chiến tranh với quân hàm thiếu tá, đã đến tận Vienna và vô địch Sibir về vật cổ điển. Mẹ của Murat trong chiến tranh là kỹ sư trưởng đoạn đầu máy, sau đó phục vụ trong ngành đường sắt. Hiện nay, cụ đã 90 tuổi nhưng mùa hè vẫn giúp con trai chăn ngỗng.

Bản thân Murat tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng ở Kazan - một thời gian dài ông làm việc trong hệ thống xây dựng nông thôn, kinh qua các chức vụ: từ thợ cả đến tổng giám đốc. Murat được bầu vào đại biểu Xôviết Tối cao năm 1990. Lúc bấy giờ ông trở thành Chủ tịch Uỷ ban về Công khai, viết báo, phụ trách chương trình truyền hình nổi tiếng thứ hai ở nước cộng hòa “Ngôi nhà mới”. “Tôi mơ ước nghỉ hưu và đi đâu đó vào rừng Taiga để sống một mình và viết sách. Thế rồi năm 2006, chúng tôi đến đây và trở thành những chủ trại tự do ở cái tuổi không còn trẻ nữa”, ông thú nhận.

Tiếp theo, Murat dẫn khách đến giới thiệu khu chăn nuôi gà tây và gà sao. Một chú gà tây được đặt tên Osama bin Laden. Nó làm nhiệm vụ canh giữ đám gà ở đây, và hễ thấy những con gà hàng xóm chạy đến là xông ra cắn ngay.

Mười giống gà ở trang trại của Murat Sirazin về mùa đông sống dưới tầng hầm ấm áp của ngôi nhà, đẻ trứng và sinh sản quanh năm. Đây là những giống gà bình thường, có cả gà Ấn Độ, gà Việt Nam. Ví dụ, gà mái Orloff của Nga nặng tới 5 kg và đẻ  trứng rất to, gà trống gáy giọng trầm hơn 10 giây. Còn gà con được ông chủ bố trí ở cùng với đám gà lớn để “giáo dục”. “Đây là thiên đường của gà trống, - Murat nói, - mỗi chú gà trống “phụ trách” 12 gà mái”.

Từ đại biểu Xô Viết tối cao trở thành chủ trang trại - Ảnh 3

Ngoài gia cầm, trang trại của Murat còn nuôi dê, giống dê Saane của ông được đưa vào nước Nga gần 100 năm trước, và được lai giống với dê địa phương. Việc chăm sóc dê ông không giao cho ai, kể cả vợ.

Mùa hè, dê được thả trong các khe núi và thung lũng, còn mùa đông chúng sống trong các chuồng được sưởi ấm, Murat nuôi chúng bằng cỏ mật, rơm, rau, và vắt sữa 2 lần/ngày bằng máy vắt sữa Thuỵ Điển. Mỗi con dê cái cho 5- 6 lít sữa/ ngày, mặc dù ở các trang trại khác, chỉ từ 3- 4 lít. “Sữa dê của tôi ngon, có tác dụng chữa bệnh, và không có mùi hôi” - Murat nói.

Murat cho rằng ở nông thôn Nga hiện có đủ hạng người sinh sống: những kẻ nghiện rượu, cán bộ hưu trí, cựu nông trang viên, quan chức nhỏ, cán bộ nhà nước... Bản thân ông làm trang trại đã lâu, năm 2011, được bầu là chủ trại xuất sắc nhất vùng, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa làm được thủ tục sở hữu mảnh đất của mình.

“Ở bên Mỹ, thu nhập của chủ trại cao gấp 5 lần một gia đình thành phố bình thường, còn ở nước Nga làm nông nghiệp rất khó khăn” -  ông Murat kết luận.

Kim Thanh Hằng (Theo Aif.ru)

Bạn đang đọc bài viết Từ đại biểu Xô Viết tối cao trở thành chủ trang trại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phụ nữ Hà Nam khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam vừa tổ chức hội thi “Phụ nữ Hà Nam khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024. Hội thi chính thức phát động từ trung tuần tháng 8 và đã nhận được 17 ý tưởng/dự án tham gia.

Tin mới