Từ hôm nay 28/3, học sinh nhiều tỉnh, thành phố được quay trở lại trường
Trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát, một số địa phương cho học sinh trở lại trường học trực tiếp. Trong đó, Đắk Nông, Phú Thọ là những địa phương cho phép học sinh đến trường từ ngày 28/3.
Cụ thể, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết đã có văn bản về việc thông báo học sinh tiểu học và mầm non trên địa bàn tỉnh học trực tiếp từ 28/3.
Theo đó, Sở GD&ĐT bảo đảm điều kiện tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục nên thông báo cho học sinh tiểu học, trẻ mầm non trở lại trường học trực tiếp từ ngày 28/3 nhằm hoàn thành mục tiêu năm học 2021-2022 đúng kế hoạch và bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Trước đó, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh tiểu học và trẻ mầm non tại địa phương này đã tạm dừng đến trường từ ngày 21/2.
Tại Phú Thọ, địa phương này vừa ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức dạy học phù hợp với tình hình, diễn biến dịch Covid-19.
Theo đó, đối với giáo dục tiểu học, THCS và THPT, UBND tỉnh Phú Thọ giao UBND các huyện, thị, thành phối hợp với Sở GD&ĐT chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trực thuộc phối hợp với cơ quan y tế đánh giá thực trạng về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn.
Các đơn vị quyết định hình thức tổ chức dạy học phù hợp (trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến từ ngày 28/3/2022). Ưu tiên bố trí dạy học trực tiếp đối với học sinh lớp 9 và lớp 12.
Đối với giáo dục THPT, Giáo dục thường xuyên, giao Sở GD&ĐT phối hợp với UBND huyện, thị, thành thống nhất, quyết định việc tổ chức dạy học phù hợp với tình hình, diễn biến dịch bệnh đối với từng cơ sở giáo dục. Ưu tiên bố trí dạy học trực tiếp đối với học sinh lớp 12.
Trong khi đó, tại Nghệ An, Sở GD&ĐT tỉnh có văn bản hướng dẫn về kế hoạch dạy học của tỉnh trong giai đoạn mới. Theo đó, từ ngày 4/4, học sinh thuộc các bậc học từ mầm non, tiểu học, THCS cho đến THPT sẽ trở lại trường học trực tiếp từ ngày 4/4.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường, Sở GD&ĐT Nghệ An yêu cầu các cơ sở giáo dục cần điều chỉnh chương trình chăm sóc, dạy học để đảm bảo kế hoạch năm học.
Với giáo dục phổ thông, các trường cần tiếp tục rà soát để bổ sung thiết bị thu phát, đường truyền, bố trí bộ phận kỹ thuật hỗ trợ các tiết dạy ở lớp học trực tuyến - trực tiếp khi có học sinh, giáo viên thuộc diện phải cách ly y tế.
Tập trung ôn tập cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đảm bảo kiến thức, kỹ năng để tham gia các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT năm 2022.
Tương tự, tại Ninh Bình, căn cứ vào tình hình thực tế diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và được sự đồng ý của UBND tỉnh Ninh Bình, Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản số 404 về việc tổ chức dạy học trực tiếp đối với học sinh tiểu học.
Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thành phố thông báo đến các cơ sở giáo dục tiểu học đón học sinh đi học trở lại trường kể từ ngày 4/4. Đồng thời, căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế của từng trường để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và có thể cho học sinh ăn bán trú. Các trường tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và chuẩn bị tốt các điều kiện đón học sinh trở lại trường.
Sở yêu cầu các trường chỉ đạo giáo viên thường xuyên phối hợp với cha mẹ học sinh (qua điện thoại, nhóm fanpage, facebook, zalo…) để cập nhật tình hình sức khoẻ của học sinh, đồng thời tư vấn các biện pháp chăm sóc và phòng dịch phù hợp, hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm dịch tại trường.
Tại TP.HCM, Sở GD&ĐT có văn bản hướng dẫn biện pháp y tế với F1 đi làm, đi học. Theo đó, F1 đã được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc đã từng mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng được phép tiếp tục đi làm, đi học, phải tự theo dõi sức khỏe ít nhất 10 ngày kể từ ngày tiếp xúc gần lần cuối với F0.
Riêng với học sinh từ 12 tuổi trở xuống bao gồm học sinh khối 6 chưa tiêm vaccine, học sinh tiểu học, nếu rơi vào đối tượng F1 vẫn phải thực hiện cách ly y tế theo quy định với thời gian cách ly là 7 ngày, trừ những em đã từng mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng.
Riêng tại Hà Nội, với tình hình dịch vẫn còn phức tạp dù số ca F0 đã giảm mạnh, UBND thành phố đề nghị Sở GD&ĐT thường xuyên cập nhật văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT để có hướng dẫn cụ thể các địa phương chủ động hơn nữa trong công tác bảo đảm phòng, chống dịch cho học sinh từ lớp 7 đến 12 học trực tiếp tại trường.
Về việc tổ chức bán trú, thành phố thống nhất chủ trương giao Sở GD&ĐT xem xét bảo đảm phù hợp tình hình thực tế trong công tác phòng, chống dịch hiện nay và điều kiện cụ thể của từng địa phương, trường, lớp, được sự đồng thuận của gia đình, phụ huynh học sinh.
Dịch giảm tới đâu huy động học sinh trở lại trường tới đó
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương kiên trì mục tiêu đưa học sinh quay trở lại trường sớm nhất có thể.
Để làm được việc này, người đứng đầu ngành GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT cần theo sát diễn biến dịch để có biện pháp kịp thời. "Ở những nơi dịch bùng phát mạnh học sinh chuyển sang học trực tuyến, nhưng dịch giảm tới đâu lại huy động học sinh trở lại trường tới đó", Bộ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định ngành giáo dục tiếp tục nhất quán chỉ đạo đưa học sinh quay trở lại trường học, dẫu đang có nhiều băn khoăn nhưng đó là xu thế chung và cần xác định về tư tưởng, đưa học sinh quay trở lại trường học là tất yếu, không thể khác, đồng thời cho rằng: "Khó có thể có một phương án toàn diện đáp ứng mọi điều kiện, trong khó khăn cần chọn phương án khả dĩ hơn cả nhưng việc đưa học sinh trở lại trường học là kiên định, nhất quán".
Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn từng chia sẻ không có khác biệt về nguy cơ lây nhiễm cho học sinh học một buổi, hai buổi hay bán trú. Vì vậy các trường học đủ điều kiện, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch có thể tổ chức cho trẻ học bán trú để tạo thuận tiện, giảm phiền hà cho phụ huynh, gia đình các em.
Lan Anh (T/h)