Chủ nhật, 24/11/2024 10:06 (GMT+7)
Chủ nhật, 16/08/2020 07:20 (GMT+7)

Từ năm 2021, rác thải sinh hoạt của Hà Nội sẽ đi về đâu?

Theo dõi KTMT trên

Theo báo cáo năm 2019 của Ban Đô thị UBND TP.Hà Nội, 2 bãi rác Nam Sơn và Xuân Sơn đã bị quá tải, nếu Hà Nội không có giải pháp công nghệ thay thế thì đến hết năm 2020 sẽ phải đóng bãi. Vậy Hà Nội đã, đang và sẽ làm gì để giải quyết vấn đề này?

Khu xử lý chất thải Nam Sơn đang bị vượt công suất thiết kế 1,4 triệu tấn

Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt của toàn thành phố Hà Nội được tập trung xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn.

Trong đó, lượng rác thải sinh hoạt được xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn khoảng 5.000 - 5.300 tấn/ngày đêm; tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây khoảng 1.200 - 1.300 tấn/ngày đêm.

Giai đoạn 1 của Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn từ năm 1996 đến nay đã đóng bãi. Giai đoạn 2 được triển khai sau khi UBND TP.Hà Nội phê duyệt dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2 vào năm 2011.

Theo quy hoạch, dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2 bao gồm 8 ô chôn lấp với diện tích 30ha và các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho các ô chôn lấp chất thải rắn. Trong đó, khu phía Nam 36,26ha, gồm 6 ô chôn lấp hợp vệ sinh; khu phía Bắc 37,47ha gồm 2 ô chôn lấp.

Theo tính toán, khu phía Nam sẽ đưa vào vận hành từ đầu năm 2015, đến hết năm 2018 sẽ đóng bãi, bắt đầu chuyển sang chôn lấp rác tại các ô chôn lấp của khu phía Bắc từ năm 2019 và đến năm 2021 sẽ đóng bãi toàn bộ Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử, ngày 14/8, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay, toàn bộ lượng chất thải sinh hoạt được vận chuyển về Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn (khoảng 5.000-5.300 tấn/ngày đêm) đang được tiếp nhận xử lý ở khu phía Nam.

Từ năm 2021, rác thải sinh hoạt của Hà Nội sẽ đi về đâu? - Ảnh 1
Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn đang bị quá tải, vượt công suất thiết kế 1,4 triệu tấn. (Ảnh: Lê Việt)

Như vậy, khu phía Nam mặc dù theo tính toán ban đầu sẽ đóng bãi vào năm 2018 nhưng đến nay (năm 2020) vẫn đang phải tiếp nhận xử lý rác thải và hiện lượng rác thải phải xử lý đã vượt công suất thiết kế. Cụ thể, theo Sở Xây dựng Hà Nội, khu phía Nam theo kế hoạch tiếp nhận khoảng 3,9 triệu tấn rác nhưng đến nay đã tiếp nhận khoảng 5,5 triệu tấn, vượt công suất thiết kế 1,4 triệu tấn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo Sở Xây dựng Hà Nội là do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình cấp, thoát nước và môi trường TP.Hà Nội chậm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, chưa xây dựng hai ô chôn lấp tại khu phía bắc giai đoạn 2 (theo tiến độ phải hoàn thành từ năm 2016). Đến nay mới chỉ giải phóng mặt bằng được 22,81ha đất nông nghiệp (liên quan đến 330 hộ dân), còn 14,66ha diện tích đất ở của 199 hộ dân chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Do đó, toàn bộ rác thải đến thời điểm hiện tại vẫn phải xử lý chôn lấp ở khu phía Nam.

Trong khi đó, tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, theo quy hoạch đến năm 2020, công suất xử lý khoảng 700 tấn/ngày đêm nhưng hiện nay phải tiếp nhận xử lý khoảng 1.200 – 1.300 tấn rác tấn rác thải một ngày.

Năm 2014, TP.Hà Nội triển khai lập quy hoạch mở rộng khu xử lý với quy mô khoảng 57ha. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, người dân trong khu vực không đồng ý việc mở rộng.

Từ năm 2021, rác thải sinh hoạt của Hà Nội sẽ đi về đâu? - Ảnh 2Đề xuất 'xả rác trả phí': Thu phí hay mua rác để khuyến khích dân phân loại?

Hà Nội xử lý bài toán rác thải sinh hoạt trước mắt như thế nào?

Nhìn tổng thể, cái khó trong bài toán xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay của Hà Nội là thành phố chỉ có hai Khu xử lý chất thải xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghệ xử lý lại chủ yếu là chôn lấp hợp vệ sinh.

Báo cáo của UBND TP.Hà Nội tháng 1/2020 đánh giá, việc rác thải sinh hoạt được phân luồng tập trung chủ yếu về hai khu xử lý Nam Sơn và Xuân Sơn gây quá tải, quãng đường vận chuyển xa, tăng chi phí, tăng nguy cơ rơi vãi nước rác, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển và xử lý.

Chính vì công nghệ xử lý chôn lấp dễ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân chung quanh các khu xử lý, cộng thêm việc phụ thuộc vào chỉ hai khu xử lý chất thải đã bị quá tải, khiến “số phận” rác thải sinh hoạt nội đô của Hà Nội luôn trong tình trạng bấp bênh. Chỉ một đường vào khu xử lý rác thải bị chặn, nội đô Hà Nội sẽ lại xuất hiện những bãi rác tự phát chất đống, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng triệu người dân cũng như mỹ quan đô thị.

Từ năm 2021, rác thải sinh hoạt của Hà Nội sẽ đi về đâu? - Ảnh 3
Liệu Dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn có hoàn thành đúng tiến độ?

Trước tình trạng quá tải về rác thải trong khi quỹ đất ngày càng eo hẹp và nhằm giảm tỉ lệ sử dụng phương pháp chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, từ năm 2017, TP.Hà Nội đã kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chỉ có dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn tại Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn đang trong quá trình xây dựng. Các dự án còn lại đều chưa được khởi công.

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, chủ đầu tư dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn là Công ty CP Năng lượng Thiên Ý Hà Nội, cam kết sẽ hoàn thành dự án đúng tiến độ. Tháng 12 tới, dự kiến, nhà máy sẽ tiếp nhận rác và vận hành thử nghiệm. Thời gian vận hành thử nghiệm phục thuộc vào máy móc, thiết bị và công tác xác nhận, đo kiểm về xây dựng, môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng.

Đáng chú ý, chất thải rắn sinh hoạt được đưa vào đốt tại nhà máy không cần phải phân loại. “Các lò đốt được đầu tư xây dựng tại Hà Nội hiện nay có thể đốt được rác không qua phân loại, đây cũng là một trong những tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư của UBND TP.Hà Nội”, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.

Nếu đúng như cam kết của chủ đầu tư, trong tương lai gần nhất, từ năm 2021, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn sẽ có thêm Nhà máy điện rác Sóc Sơn, vừa giúp giảm tải cho khu vực chôn lấp, vừa giúp giảm tỉ lệ chôn lấp rác thải.

Bên cạnh việc thúc đẩy hoàn thành đúng tiến độ Nhà máy điện rác Sóc Sơn, UBND TP.Hà Nội đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội căn cứ diện tích đã giải phóng mặt bằng tại khu phía bắc đầu tư khẩn cấp ô chứa khoảng 5ha, hoàn thành trước tháng 10 tới.

Từ năm 2021, rác thải sinh hoạt của Hà Nội sẽ đi về đâu? - Ảnh 4
Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn nhìn từ trên cao. (Ảnh: Lê Việt)

Trước đó, đầu tháng 8, UBND TP.Hà Nội đã cho phép UBND huyện Sóc Sơn được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II và Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường. Việc chậm giải quyết các vấn đề liên quan giải phóng mặt bằng của hai dự án trên là một trong những nguyên nhân chính khiến người dân chung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn nhiều lần chặn xe rác.

Đối với Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt đầu tư hai dự án gồm: Dự án xử lý rác thải thu hồi điện Xuân Sơn, công suất 1.000 tấn/ngày, phát điện 15,5MW và Dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng, công suất 500 tấn/ngày, phát điện 12MW. Tuy nhiên, hai dự án này đều chưa được khởi công.

Trong khi đó, một trong hai nhà máy xử lý chất thải tại khu xử lý này đã đi vào hoạt động là Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn, công suất 700 tấn/ngày đang tạm dừng hoạt động để nâng cấp, cải tạo. Dự kiến, quá trình nâng cấp, cải tạo diễn ra trong vòng 36 đến 48 tháng.

Hiện tại và trong thời gian tới, khoảng 1.200 – 1.300 tấn rác thải được chuyển về khu xử lý này sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt không phát điện tại Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây, với công suất 200 tấn/ngày. Lượng rác thải còn lại khoảng hơn 1.000 tấn sẽ tiếp tục được chôn lấp dù khu xử lý này đang bị quá tải.

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, giải pháp trước mắt đối với Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn là tập trung nâng cấp, cải tạo để có thể tiếp tục tiếp nhận và xử lý rác thải bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh.

Như vậy, từ năm 2021, nếu dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn đúng tiến độ, trong số khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt của Hà Nội, tối đa 4.000 tấn rác sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện. Lượng rác thải còn lại, khoảng 3.000 tấn sẽ tiếp tục được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tại các ô chôn lấp ở Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, cho đến khi có các dự án xử lý rác thải sử dụng công nghệ mới thay thế.

Hồng Vân - Bông Mai

Bạn đang đọc bài viết Từ năm 2021, rác thải sinh hoạt của Hà Nội sẽ đi về đâu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới