Chủ nhật, 24/11/2024 06:49 (GMT+7)
Thứ sáu, 28/10/2022 10:50 (GMT+7)

Tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng dự báo có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới

Theo dõi KTMT trên

Theo báo cáo tài chính quý III/2022 cho thấy, bên cạnh kết quả kinh doanh khởi sắc, chất lượng nợ vay tại nhiều ngân hàng có dấu hiệu xấu đi với tỉ lệ nợ xấu ở nhóm có khả năng mất vốn tăng mạnh.

Tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng dự báo có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

VPBank có diễn biến đi xuống khi nợ xấu và lãi dự thu đều tăng

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (mã: VPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với kết quả kinh doanh ấn tượng. Theo đó, lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, VPBank thu về hơn 30.738 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 19% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng đến 38% so với cùng kỳ, thu được 34.978 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng dành ra hơn 15.141 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 11%. Kết quả, VPBank báo lãi trước thuế gần 19.837 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ và lãi sau thuế hơn 15.783 tỷ đồng, tăng 68%.

Nếu so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 107% lên khoảng 29.700 tỷ đồng trong năm 2022, VPBank đã thực hiện được gần 67% sau 9 tháng đầu năm 2022.

Tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng dự báo có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới - Ảnh 2
Nguồn: BCTC quý 3/2022 tại VPBank.

Bên cạnh con số lợi nhuận tăng trưởng mạnh, điểm đáng lưu ý là khoản lãi và phí phải thu (lãi dự thu) và nợ xấu của VPBank tăng mạnh trong 9 tháng qua.

Cụ thể, tính đến ngày 30/9/2022, lãi dự thu tại VPBank tăng tới 34% so với đầu năm, lên gần 6.577 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản phải thu cũng tăng 15% lên hơn 44.734 tỷ đồng.

Lãi dự thu là khoản lãi dự kiến sẽ thu được trong tương lai và là một phương thức hạch toán trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Tuy nhiên, nếu lãi dự thu không thể thu hồi trong thời gian dài có thể do nợ xấu hoặc bên phải trả mất khả năng thanh toán thì sẽ có những rủi ro nhất định. Con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận của ngân hàng càng cao.

Ngoài ra, nợ xấu hợp nhất tại ngân hàng VPBank tính đến 30/9/2022 cũng tăng tới 24% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm lớn nhất với hơn 5.679 tỷ đồng, cao gấp 2,8 lần so với đầu năm. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 4,57% hồi đầu năm lên 5,02%.

Tính riêng Ngân hàng mẹ, tổng nợ xấu tại ngày 30/09/2022 hơn 8.497 tỷ đồng, tăng 51% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay cũng tăng từ mức 2,01% đầu năm lên 2,83%.

Điểm đáng lưu ý trong bức tranh kinh doanh tại VPBank 9 tháng qua chính là vấn đề dòng tiền.

Cụ thể, tổng lưu chuyển tiền thuần trong kỳ tại VPBank bị âm hơn 14.880 tỷ đồng (cùng kỳ 2021 dương hơn 24.028 tỷ đồng). Trong đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 15.008 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương hơn 23.909 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm 172 tỷ đồng (cùng kỳ 2021 chỉ âm gần 31 tỷ đồng) và duy nhất chỉ có lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính dương 300 tỷ đồng.

Thông thường dòng tiền vào - ra lớn nhất của các ngân hàng chủ yếu từ thu nhập lãi - chi phí lãi và cho vay - tiền gửi khách hàng. Nếu ngân hàng đẩy mạnh cho vay, phần tiền tăng thêm từ tiền gửi khách hàng không đủ bù cho lượng tăng thêm do cho vay cũng là một yếu tố khiến dòng tiền thuần trong kỳ bị hao hụt.

Tuy nhiên, ngoài tác động từ dòng tiền lớn này, còn có những trường hợp đặc biệt cũng khiến tiền của nhiều nhà băng vơi bớt do giảm tiền gửi của kho bạc nhà nước (KBNN), tăng đầu tư chứng khoán, hay phải thanh toán công nợ hoạt động/giảm tiền vay các tổ chức tín dụng khác…

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank) lại biến động

Theo báo cáo quý III/2022 của Eximbank cho thấy, ngân hàng này đã có kết quả kinh doanh khởi sắc trở lại với lợi nhuận tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong quý này, ngân hàng mẹ báo lãi trước thuế 1.265 tỉ đồng (tăng 209%) và hợp nhất lãi 1.278 tỉ đồng (tăng 210%) so với cùng kỳ 2021. Đóng góp cho doanh thu của đơn vị chủ yếu vẫn là mảng tín dụng khi thu nhập lãi thuần tăng 102% lên 1.492 tỉ đồng. Hoạt động dịch vụ cũng tăng 36% nhưng chiếm tỉ trọng nhỏ với 105 tỉ đồng.

Lý giải về kết quả kinh doanh quý III/2022, lãnh đạo ngân hàng cho hay là nhờ thu nhập từ hoạt động kinh doanh hầu hết đều tăng so với năm ngoái và nhờ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 357,6 tỉ đồng so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế ngân hàng mẹ ghi nhận 1.011 tỉ đồng và lợi nhuận hợp nhất cũng ghi nhận 1.024 tỉ đồng.

Tuy nhiên xét về chất lượng nợ vay, cũng như một số ngân hàng khác, Eximbank cũng có sự dịch chuyển giữa các nhóm nợ. Cụ thể, đến ngày 30/9/2022, nợ xấu tại EIB cũng dịch chuyển từ nhóm nợ nghi ngờ (nhóm 4) sang nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5): Nợ nhóm 4 giảm 34% nhưng nợ nhóm 3 tăng 24% và nợ nhóm 5 tăng 21%. Kết quả, tỉ lệ nợ xấu tại ngân hàng này giảm nhẹ từ 1,96% xuống còn 1,9%.

Hàng loạt ngân hàng cũng ghi nhận nợ xấu tăng mạnh

Tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB, mã NVB), lũy kế 9 tháng đầu năm, NCB lỗ trước thuế gần 180 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 164 tỉ đồng. Trong số ngân hàng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính đến thời điểm này, NCB là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống báo lỗ. Đáng chú ý là tổng nợ xấu của NCB tăng gấp 5,3 lần đầu năm, lên 6.648 tỉ đồng. Tất cả các nhóm nợ xấu đều tăng mạnh, tỉ lệ nợ xấu của NCB tăng vọt lên trên mức 14,7% vào cuối quý III, tương đương cứ 100 đồng thì có 14,7 đồng nợ xấu.

Nợ xấu trên dư nợ vay cuối quý III cũng tăng cao tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank, mã VBB). Cụ thể, tổng nợ xấu tính đến ngày 30/9 tại VBB tăng 35% so với đầu năm, chiếm 2.486 tỉ đồng trong tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi ghi nhận 1.841 tỉ đồng, đẩy tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 3,65% đầu năm lên 4,33%.

An Như

Bạn đang đọc bài viết Tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng dự báo có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới