Chủ nhật, 24/11/2024 04:49 (GMT+7)
Thứ bảy, 13/04/2024 09:29 (GMT+7)

Tỷ phú Trần Đình Long nói khi bị phản ứng về đề xuất chống phá giá thép?

Theo dõi KTMT trên

"Tất cả lý luận của đơn vị nhập khẩu, theo họ nói thì đúng nhưng nếu đúng thì việc gì phải sợ điều tra?", Tỷ phú Trần Đình Long nói.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Tập đoàn Hòa Phát diễn ra vào ngày 11/4, vấn đề việc Hòa Phát và Formosa nộp đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (hot rolled coil - HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc đã được đưa ra. 

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết, lượng thép nhập khẩu từ nước ngoài vào quá lớn. Thậm chí, nếu mà không có các biện pháp thì sẽ gây ra những mối nguy rất lớn đè bẹp sản xuất trong nước. Trên cơ sở các hành vi nhập khẩu một cách ồ ạt sản phẩm thép thì Hòa Phát và Formosa đã gửi kiến nghị chống bán phá giá.

Tỷ phú Trần Đình Long nói khi bị phản ứng về đề xuất chống phá giá thép? - Ảnh 1
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát khẳng định: việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG ) là theo chuẩn WTO và là điều thông thường. Khi Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế, cũng đối mặt với nhiều vụ kiện chống bán phá giá và áp thuế phòng vệ thương mại. Quyết định có khởi xướng chống phá giá hay không là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

“Nhìn nhận một cách khách quan công bằng thì không có nước nào trên thế giới chấp nhận tình trạng lượng thép nhập khẩu còn lớn hơn phần sản xuất trong nước", ông Long cũng nói thêm. 

Dẫn chứng về mặt số liệu, Chủ tịch Tạp đoàn Hòa Phát cho biết, trong năm 2023 tổng sản xuất là 6,7 triệu tần nhưng tổng nhập khẩu là 9.7 triệu tấn. Sang năm 2024, quý I hai đơn vị Hoà Phát và Fomosa sản xuất ra 2 triệu tấn thép cán nóng HRC nhưng nhập khẩu tới 3 triệu tấn.

“Trong quá tình điều tra, việc Hoà Phát và Fomosa khởi kiện là khởi kiện các doanh nghiệp Trung Quốc bán phá giá vào Việt Nam chứ không phải kiện doanh nghiệp trong nước. Quan điểm của chúng tôi là ra cửa ‘công’ chứ không đôi co. Tất cả lý luận của đơn vị nhập khẩu, theo họ nói thì đúng nhưng nếu đúng thì việc gì phải sợ điều tra?", ông Long nói thêm

Tại đại hội, một số cổ đông tỏ ra lo ngại về thép nước ngoài tràn vào Việt Nam sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu của Hoà Phát với sản phẩm thép HRC. Về vấn đề này, ông Long cho biết dù thép nhập khẩu tràn vào thị trường nhưng Hoà Phát vẫn bán hết sản phẩm thép HRC.

“Chúng tôi ưu tiên cho việc bán hàng trong nước rồi mới xuất khẩu. Hàng hoá của Hoà Phát còn có ưu điểm là đảm bảo nguồn gốc xuất xứ nên các doanh nghiệp xuất khẩu sang Châu Âu hay Mỹ, có thể không muốn nhưng vẫn phải mua. Đây là lợi thế của chúng tôi”, ông Long nói.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 10/4, 12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam có tổng sản lượng sản xuất tôn mạ chiếm 85% thị phần ngành tôn mạ tại Việt Nam đã tiếp tục gửi công văn lần 3 lên Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan với những lập luận phản biện cùng các kiến nghị, đề xuất liên quan đến khả năng khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.

Công văn này nêu rõ không có căn cứ pháp lý để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời phân tích chi tiết những hậu quả cực kỳ nặng nề và nghiêm trọng sẽ xảy ra cho ngành thép nói riêng và toàn bộ nền kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung nếu quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.

03 lý do để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm: Lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh; Giá bán HRC của Trung Quốc giảm từ 618 USD/tấn vào quý 1/2023 xuống còn 557 USD/tấn trong quý 4/2023 có dấu hiệu bán phá giá; Một số doanh nghiệp Trung Quốc bán HRC vào Việt Nam dưới giá thành, chấp nhận bán lỗ để bán được hàng, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong khi đó, tập thể 12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam khẳng định rằng, 03 lý do nêu trên là không có cơ sở pháp lý cũng như không phù hợp với diễn biến thực tế thị trường để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo quy định của Luật Quản lý Ngoại Thương 2017 thì lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh không phải là điều kiện để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá.

Theo Điều 78, Luật Quản lý Ngoại Thương số 05/2017/QH14, biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu khi thỏa mãn ĐỦ 03 điều kiện: Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá với biên độ bán phá giá được xác định cụ thể; Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước; Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá ở Điều kiện 01 với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước quy định ở Điều kiện 02.

Như vậy, lý do lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh hoàn toàn không phải là một trong 03 điều kiện để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngoài ra, tập thể 12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam cho rằng Tập đoàn Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con không đủ điều kiện làm nguyên đơn trong việc nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Tỷ phú Trần Đình Long nói khi bị phản ứng về đề xuất chống phá giá thép?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới