Chủ nhật, 24/11/2024 08:32 (GMT+7)
Thứ hai, 20/12/2021 17:00 (GMT+7)

Ùn tắc nông sản ở Lạng Sơn: Chủ tịch tỉnh đề xuất thay đổi tập quán kinh doanh xuất khẩu

Theo dõi KTMT trên

Để tháo gỡ ùn tắc tại các cửa khẩu, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đề xuất nên thay đổi tập quán kinh doanh xuất khẩu từ phương thức truyền thống, không có hợp đồng thương mại sang hiện đại, lập hợp đồng với các điều khoản rõ ràng, minh bạch giữa các bên.

Chiều nay (20/12), Bộ NN&PTNT vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn để tìm giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu chính ở tỉnh.

Tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu chính ở Lạng Sơn như Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma... kéo dài khoảng nửa tháng qua. Theo thống kê của Sở Công Thương Lạng Sơn, lượng xe container vận chuyển nông sản tồn tại ba khu vực cửa khẩu này là 4.598 xe. Trong khi đó, năng lực thông quan của các cửa khẩu chỉ đạt 300-400 xe/ngày, sẽ mất tới 10-15 ngày mới thông quan hết hàng tồn, nếu hàng hóa không tiếp tục đưa lên cửa khẩu.

Đáng lưu ý, theo UBND tỉnh Lạng Sơn, các cơ quan chức năng phía Trung Quốc thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu đối với hàng hóa bảo quản lạnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Cụ thể là tạm dừng nhập khẩu trước Tết 14 ngày và sau Tết 14 ngày để chuẩn bị các công việc trước và sau Tết.

Ùn tắc nông sản ở Lạng Sơn: Chủ tịch tỉnh đề xuất thay đổi tập quán kinh doanh xuất khẩu - Ảnh 1
Tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu chính ở Lạng Sơn kéo dài khoảng nửa tháng qua, dự kiến mất tới 10-15 ngày mới thông quan hết hàng tồn. (Ảnh: Báo Tuổi Trẻ)

Theo nhận định của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, nguyên nhân ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu là do Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khiến thời gian thông quan tăng lên nhiều so với trước đây. Bên cạnh đó, nhiều cửa khẩu của một số tỉnh như Lào Cai tạm đóng đã khiến hàng hoá đổ dồn về Lạng Sơn.

Trước tình hình đó, tỉnh Lạng Sơn đã phải huy động nguồn nhân lực, vật lực rất lớn để đảm bảo công tác quản lý đối với người, phương tiện chở hàng hóa tồn chờ xuất khẩu; Chỉ đạo bố trí các khu vực dừng đỗ dành riêng cho các phương tiện chờ xuất qua từng khu vực cửa khẩu để chia nhỏ số lượng phương tiện chờ xuất, sau đó điều tiết dần vào khu vực cửa khẩu với số lượng phù hợp; Chỉ cho phép 1 lái xe sinh hoạt trên xe để vận hành xe, bảo vệ hàng hóa, người đi cùng phải vào khu sinh hoạt tập trung.

Về các chính sách đối với xe nông sản khi làm thủ tục thông quan, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức điều tiết phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu tại các cửa khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản, đảm bảo công khai, minh bạch theo thứ tự, xe đến trước được xuất trước; Ưu tiên các các mặt hàng hoa quả không bảo quản lạnh như dưa hấu, mít, xoài... kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong điều hành hoạt động thông quan xuất nhập khẩu.

Để giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu, Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu đề xuất, hàng năm cần tổ chức một hội nghị triển khai kế hoạch tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trên phạm vi cả nước ngay từ đầu năm để có những phương án, giải pháp chủ động hơn. Đồng thời, đưa ra những định hướng, khuyến cáo kịp thời cho bà con nông dân, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từ khâu trực tiếp sản xuất, đến chế biến, vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu.

Tỉnh cũng đề nghị Bộ NN&PTNT sớm ký kết Nghị định thư với phía Trung Quốc về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu. Mở rộng danh mục các mặt hàng hoa quả, nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.

Bên cạnh đó, tiếp tục đàm phán, kiến nghị với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu. Nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng tại các cửa khẩu phía Trung Quốc nhằm tạo thuận hơn cho hoạt động thông quan và xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, nên thay đổi tập quán kinh doanh xuất khẩu từ phương thức truyền thống, không có hợp đồng thương mại sang phương thức hiện đại, thành lập hợp đồng với các điều khoản rõ ràng, minh bạch giữa các bên; Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm hiểu và mở rộng thị trường xuất khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là những thị trường mới tiềm năng, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Ùn tắc nông sản ở Lạng Sơn: Chủ tịch tỉnh đề xuất thay đổi tập quán kinh doanh xuất khẩu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới