Chủ nhật, 24/11/2024 10:57 (GMT+7)
    Thứ năm, 28/10/2021 09:30 (GMT+7)

    Lấy ý kiến về vấn đề cốt lõi trong quy hoạch không gian ngầm ở TP.HCM

    Theo dõi KTMT trên

    Xây dựng không gian ngầm sẽ ảnh hưởng nhất định đến địa chất, môi trường, nguồn nước, gia tăng áp lực giao thông... nếu giải quyết được các vấn đề này thì việc xây không gian ngầm là điều đúng đắn.

    Bài học từ Singapore

    Sở QH&KT TP.HCM vừa có dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc TP.HCM để lấy ý kiến về khu trung tâm mới của thành phố, trong đó định hướng phát triển không gian ngầm để mở thêm không gian, đồng thời giảm áp lực giao thông để kịp thời đáp ứng tốc độ phát triển đô thị.

    Kế hoạch phát triển không gian ngầm của TP.HCM từng được TS Võ Kim Cương - nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho là hướng đi đúng đắn. Việc lập quy hoạch không gian ngầm đô thị nên bám theo các tuyến metro, sau đó mới chia lớp không gian để quản lý.

    Theo TS Võ Kim Cương, vấn đề cốt lõi của việc xây dựng không gian ngầm không phải là xây cái gì mà là chỗ nào được xây, nơi nào không được xây. Do đó, khâu khảo sát, đánh giá về địa chất, thủy văn phải được thực hiện đầu tiên trong công tác lập quy hoạch. 

    Lấy ý kiến về vấn đề cốt lõi trong quy hoạch không gian ngầm ở TP.HCM - Ảnh 1
    Nếu quy hoạch tốt không gian ngầm, tạo không gian mát mẻ sẽ khuyến khích người dân tìm đến vui chơi giải trí, mua sắm và sử dụng metro. (Ảnh minh họa)

    Bên cạnh đó, yếu tố khống chế không gian ngầm chính là các quy hoạch tuyến, cụ thể đối với thành phố là các tuyến metro nhằm phát triển không gian ngầm không bị đứt đoạn và thiếu tính tổng thể.

    KTS Trần Vĩnh Nam cũng cho rằng, người dân TP.HCM ít di chuyển bằng xe đạp hay đi bộ do ngại thời tiết nắng nóng. Chính vì vậy nếu quy hoạch tốt không gian ngầm, tạo không gian mát mẻ, sạch sẽ sẽ khuyến khích người dân tìm đến vui chơi giải trí, mua sắm và sử dụng metro. 

    Ông Nam nêu ra ví dụ, không gian ngầm ở Singapore khá rộng, sâu hàng trăm mét và có 3 - 4 tầng khác nhau, rất thuận tiện cho việc di chuyển. Tuy nhiên để làm được như Singapore, TP.HCM cần xem xét lại quy hoạch phía trên TP.HCM cũng cần có các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư do chi phí xây không gian ngầm cao gấp 10 - 20 lần so với chi phí xây dựng một công trình mặt đất.

    Cũng theo KTS Trần Vĩnh Nam, khai thác không gian ngầm để hoàn vốn chủ yếu phụ thuộc vào việc xây dựng các trung tâm thương mại và hạn chế bãi đậu xe nhằm loại bỏ phương tiện xe cá nhân. Chính vì vậy trong giai đoạn đầu nên hình thành không gian ngầm ở khu vực trung tâm, sau đó mà dần mở rộng ra các khu vực lân cận.

    Song song đó nhà nước cũng cần tạo điều kiện và khuyến khích các tòa nhà xung quanh không gian ngầm kết nối vào ga metro bởi sự liên kết này tạo thuận lợi cho rất nhiều phía, trong đó hành khách tìm đến nhà ga để sử dụng, giảm kẹt xe mặt đất và tòa nhà đó thu hút nhiều người đến tham quan, mua sắm. 

    “Nếu được quy hoạch bài bản và triển khai một cách nhanh chóng, đồng bộ, hiện đại, chắc chắn trong tương lai gần không gian ngầm của TP.HCM sẽ phát huy hiệu quả cao nhất” – vị kiến trúc sư này khẳng định.

    Đảm bảo các vấn đề liên quan

    Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển góp ý, khu vực trung tâm TP.HCM nếu khai thác không gian ngầm không hợp lý sẽ làm tăng thêm mật độ giao thông.

    “Dưới đất hay như trên không cũng đều như nhau. Khu trung tâm hiện hạn chế xây nhà cao tầng thì dưới đất cũng cần có quy hoạch, kế hoạch khai thác hiệu quả, đảm bảo mật độ lưu lượng người, xe. Vì khi đi từ dưới đất lên cũng sẽ tạo điểm nghẽn giao thông” - ông Hiển nói.

    Vì thế, ông Hiển cho rằng, không gian ngầm cần ưu tiên để giảm tải giao thông, tạo thành những “cầu vượt” dưới lòng đất, kết nối metro, kết nối các khu đô thị. Còn không gian ngầm mà tăng thêm giải trí, thương mại nhiều quá chắc chắn cảnh tượng không khác gì trên mặt đất.

    “Chúng ta phải làm sao đảm bảo quy hoạch chung vì quy hoạch chung là quan trọng nhất, không nên khai thác đến mức phá vỡ mật độ chung. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến đầu tư các bãi đậu xe ngầm để giải quyết bài toán thiếu chỗ đậu xe”, ông Hiển nói.

    Trong khi đó, ông Hoàng Tùng - Phó Giám đốc Sở QH&KT TP.HCM thông tin, không gian ngầm của thành phố ngoài yếu tố đồng bộ, tổng thể thì việc quy hoạch còn phải bảo đảm việc cân bằng lợi ích giữa cộng đồng, nhà nước và nhà đầu tư. Trong đó, việc quy hoạch cần phải xác định rõ mục tiêu và phạm vi nghiên cứu quy hoạch cụ thể và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của TP.HCM. Đồng thời, phải xây dựng các quy định quản lý chung đối với việc đầu tư xây dựng không gian ngầm.

    “TP.HCM xác định nhu cầu khai thác không gian ngầm vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, việc xây dựng công trình ngầm đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và có ảnh hưởng nhất định đến địa chất, môi trường, nguồn nước… Do đó, chúng tôi đã và đang nghiên cứu rất kỹ nội dung quy hoạch để có những dự báo và định hướng phát triển tốt”, ông Tùng chia sẻ.

    Nguyễn Thật

    Bạn đang đọc bài viết Lấy ý kiến về vấn đề cốt lõi trong quy hoạch không gian ngầm ở TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới