Vàng lập đỉnh, người dân có nên đổ xô đi chốt lời trong thời điểm này?
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng “nóng” của giá vàng trong nước không có sự bền vững, giá có tăng sẽ có giảm, nên trong ngắn hạn mua vàng lúc này sẽ tiểm ẩn nhiều rủi ro.
Hôm nay 7/3, vàng miếng SJC phá đỉnh kỷ lục khi chạm mốc 71,25 - 72,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Đơn vị điều chỉnh tăng cả hai chiều lần lượt 3,25 triệu đồng và 3,85 triệu đồng. Chênh lệch mua bán kéo giãn ra 1,62 triệu đồng.
Tính đến 13h ngày 7/3, giá vàng trong nước tăng vọt lên ngưỡng 72,5 triệu đồng/lượng. Cụ thể, Tập đoàn DOJI niêm yết chiều mua vào 70,5 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 72,5 triệu đồng/lượng. So đóng cửa phiên giao dịch ngày 6.3, giá vàng tại DOJI tăng sốc 2,75 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 3,2 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch giá mua - bán vàng tại DOJI là 2 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết, giá vàng mua vào 71,25 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 72,85 triệu đồng/lượng, tăng 3,25 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 3,55 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với đóng cửa phiên giao dịch ngày 6.3. Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC đang là 1,6 triệu đồng/lượng.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của giá vàng trên thế giới cũng như giá vàng trong nước như hiện tại, theo khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư và người dân nên cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng khi giao dịch trên thị trường vàng.
"Theo dõi giá vàng trong nước trong tuần vừa rồi, tôi đã rất ngạc nhiên, vì giá vàng liên tục cán mốc 67 triệu - 68 triệu - 69 triệu đồng/lượng. Đến hôm nay, giá vàng đã vượt mốc lịch sử, lên tới hơn 71 triệu đồng/lượng. Tôi đang nghĩ xem có nên đi bán số vàng mình đã tích trữ được hay không? Nếu đây chưa thực sự là đỉnh thì mình bán cũng tiếc. Nhưng nếu chần chừ không bán ở thời điểm này, vàng lại hạ giá xuống thì lại hối hận", chị Trịnh Thanh Minh (Q.Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.
Cùng chung quan điểm, anh P.C (Phú Xuyên, TP.Hà Nội) cho biết, anh mang toàn bộ số vàng trong nhà đi chốt lời. Nếu giá mua vào là 70 triệu đồng/lượng, anh sẽ lãi mỗi lượng là 20 triệu đồng. "5 cây vàng (5 lượng vàng) của tôi đã mua từ lâu, tôi định dùng để xây nhà vào cuối năm nay. Bây giờ, giá vàng đang tốt nên tôi tranh thủ chốt lời luôn vì không biết sắp tới giá biến động thế nào".
Ngược lại, thông tin vàng tăng giá sốc sẽ khiến cho nhiều người đổ xô đi bán để chốt lãi, thế nhưng, số liệu từ một số tiệm vàng lớn tại Hà Nội lại cho thấy khách đến mua vàng nhiều hơn là đến bán.
Cụ thể, tại Bảo Tín Minh Châu, lượng khách mua hiện vẫn chiếm ưu thế so với khách bán, ước tính 60% khách mua vào và khoảng 40% khách bán ra.
Trong khi đó, Bảo Tín Mạnh Hải cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Đại diện phòng kinh doanh của nhà vàng này cho biết, giá vàng trong nước đang có chiều hướng tăng nhanh trong phiên giao dịch mở lại vào sáng đầu tuần. Giao dịch tại các cửa hàng trong hệ thống Bảo Tín Mạnh Hải tăng gấp đôi so với hai ngày cuối tuần trước. Trong đó, lượng khách đến mua vàng đang cao hơn so với lượng khách đến bán.
Nhận định về tình hình này, theo nhiều chuyên gia, người dân không nên đua mua vàng lúc này do hiện giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới tới 18 triệu đồng/lượng.
Khuyến cáo về việc "lướt sóng" vàng khi giá cao kỷ lục, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, hiện chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang quá cao, có thời điểm lên tới hơn 10 triệu đồng/lượng. Nếu "găm" vàng, người mua sẽ phải trả với mức giá đắt hơn hàng triệu đồng mỗi lượng so với giá thế giới và sẽ gặp rủi ro lớn nếu thị trường đảo chiều.
“Vì vậy, chỉ nên mua vàng với món nhỏ khi thực sự cần thiết, còn mua đầu tư dài hạn thì hiện không phải là thời điểm thích hợp, chỉ mua khi chênh lệch giá giữa hai thị trường ở mức hợp lý là khoảng 2-3 triệu đồng/lượng”, ông Thịnh nhận định.
Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng, việc tăng “nóng” của giá vàng trong nước không có sự bền vững, giá có tăng sẽ có giảm, nên trong ngắn hạn mua vàng lúc này sẽ tiểm ẩn nhiều rủi ro.
Lan Anh (T/h)