Chủ nhật, 24/11/2024 08:35 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/09/2019 14:17 (GMT+7)

Vi khuẩn "ăn thịt người" xuất hiện tại Hà Tĩnh đã khiến 4 người tử vong

Theo dõi KTMT trên

Riêng trong tháng 8/2019, đã có đến 12 bệnh nhân nhập viện nặng vì vi khuẩn "ăn thịt người" Whitmore, trong đó có 4 ca đã tử vong.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vừa phát hiện một bệnh nhân bị mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm có tên Whitmore, hay còn gọi là vi khuẩn "ăn thịt người”.

Theo đó, ông Đặng Xuân H. (SN 1958, trú tại trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên) bỗng nhiên bị sốt cao kéo dài, ngón thứ hai của bàn chân phải có khối Abcees sưng, nóng, chảy dịch có mùi hôi, gia đình áp dụng nhiều phương thức để chữa trị nhưng không khỏi nên ngày 9/9, người nhà đưa vào điều trị tại Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

Quá trình điều trị, bệnh nhân có diễn biến nặng dần, cơ thể sốt cao, rét run, huyết áp tụt. Ngay sau đó, các bác sỹ đã chỉ định lấy máu của bệnh nhân nuôi cấy và cho kết quả dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (bệnh Whitmore).

Mặc dù được điều trị tích cực bằng kháng sinh phối hợp, nhưng bệnh nhân đáp ứng chậm, vẫn sốt cao, rét run, tình trạng nhiễm trùng nặng. Do vậy, bệnh viện đã tiến hành làm thủ tục chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Vi khuẩn "ăn thịt người" xuất hiện tại Hà Tĩnh đã khiến 4 người tử vong - Ảnh 1
Bệnh nhân Whitmore được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai

Trước đó, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong tháng 8 vừa qua, trung tâm tiếp nhận một một bệnh nhân nữ mắc bệnh Whitmore khá hy hữu, với trình trạng vi khuẩn whitmore ăn cánh mũi. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân này, các bác sĩ phải thay đổi hoàn toàn phác đồ điều trị, nếu chậm trễ, người bệnh sẽ nguy hiểm tính mạng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), nếu như giai đoạn 5-10 năm trước có 20 ca mắc Whitmore, thì từ đầu năm đến nay, tại trung tâm đã ghi nhận tới 20 ca mắc căn bệnh nguy hiểm này.

Riêng trong tháng 8 là mùa mưa bão nên vi khuẩn Whitmore có cơ hội phát triển thuận lợi, dẫn đến tình trạng đã có đến 12 bệnh nhân nhập viện nặng, trong đó có 4 ca đã tử vong vì vi khuẩn "ăn" nhiều cơ quan. Đa phần, các bệnh nhân đến từ những tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Bệnh Whitmore là gì?

Vào năm 1913, một bác sĩ người Anh có tên là Alfred Whitmore mô tả lần đầu tiên về căn bệnh gây chết người này ở Rangoon, Myanmar, vì vậy, tên bệnh đó được đặt là Whitmore và vi khuẩn Burkhoderia pseudomalei gây bệnh này còn được gọi là vi khuẩn Whitmore.

Vi khuẩn Whitmore gây bệnh cho người như thế nào?

Là một loại vi khuẩn gram âm, có khả năng sống mọi nơi ở môi trường tự nhiên, nhất là nơi ẩm ướt, đất, nước, các vùng đồng lúa nước ở Đông Nam châu Á vì sức đề kháng của chúng rất tốt. Nổi bật nhất của vi khuẩn Whitmore là kháng lại nhiều thuốc kháng sinh, vì vậy, khi mắc bệnh Whitmore, việc điều trị sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là các tuyến y tế cơ sở.

Vi khuẩn Whitmore từ môi trường bên ngoài xâm nhập cơ thể chủ yếu qua những vị trí da bị xây xước hoặc qua các vết thương do tai nạn (tai nạn lao động, tai nạn giao thông, chơi thể thao...) và có thể xây xước quá nhẹ nên người bệnh không để ý và không để lại dấu vết gì. Hoặc hít phải bụi, hơi nước có nhiễm khuẩn hoặc uống nước có nhiễm khuẩn Whitmore.

Tại chỗ xâm nhập chúng gây thành các mụn mủ to hoặc nhỏ tùy theo mức độ, đôi khi là một ổ áp-xe lớn. Ở những người có sức đề kháng kém như người đang mắc bệnh nhiễm trùng mạn tính, sử dụng thuốc corticoid kéo dài, bệnh đái tháo đường, bệnh thận hoặc người nghiện rượu, nghiện ma túy... khi vi khuẩn xâm nhập máu sẽ gây nhiễm khuẩn huyết nặng. Vi khuẩn theo dòng máu đi đến khắp các cơ quan trong cơ thể nhất là gan, lách, phổi gây nên các ổ áp-xe từ nhỏ đến lớn hoặc có thể liên kết với nhau.

Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng, bệnh sẽ hết sức trầm trọng do vừa nhiễm khuẩn huyết vừa nhiễm khuẩn bởi các ổ áp-xe, thậm chí nặng hơn nữa là sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, nhiều tạng, bệnh nhân có tiên lượng xấu, dễ tử vong.

Bệnh Whitmore có nhiều thể bệnh khác nhau: bệnh tối cấp, trung bình hoặc mạn tính. Với bệnh tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong nhanh (sau khoảng 48 giờ). Tuy nhiên thể bệnh tối cấp gặp không nhiều, chủ yếu là thể bệnh trung bình, trong đó có loại cấp tính, bán cấp tính và một số trường hợp diễn biến mạn tính, thậm chí kéo dài nhiều tháng, nhiều năm.

Biểu hiện của bệnh Whitmore

Tùy theo thể bệnh, có biểu hiện lâm sàng khác nhau (cấp tính, mạn tính...). Cấp tính sẽ có sốt cao hoặc rất cao (nhiễm khuẩn huyết, áp-xe ở phủ tạng...), rét run, mệt mỏi... Tuy vậy, hầu hết bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng (viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tản mạn, nhiễm khuẩn khu trú như áp-xe cơ, áp-xe phần mềm, viêm hạch, viêm xương...) và biểu hiện không rõ ràng.

Vì vậy, Whitmore được coi là “kẻ mạo danh”. Bởi vì, bệnh không có những biểu hiện lâm sàng rõ ràng, do đó có thể bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm với bệnh khác. Đặc biệt của bệnh mạn tính là bệnh rất dễ tái phát cho nên sức khỏe của người bệnh rất dễ suy kiệt (do bệnh tái đi tái lại hoặc nếu điều trị không đúng phác đồ). Ngoài ra, việc điều trị bệnh mạn tính phải mất nhiều thời gian và tốn kém cho nên gây không ít khó khăn cho người bệnh để điều trị đến cùng.

Bác sỹ Võ Hoài Nam - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết: “Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh. Bệnh whitmore còn có nhiều biến chứng nguy hiểm. Đôi khi chỉ là một vết xây xát nhỏ nhưng khi tiếp xúc với môi trường đất, nước có vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (bệnh Whitmore) thì nguy cơ bị nhiễm trùng, sau đó gặp phải các biến chứng nặng hơn như nhiễm trùng máu, áp xe, viêm phổi... Nếu không được phát hiện nhanh, bệnh nhân có khả năng tử vong chỉ trong vài ngày”.
Vi khuẩn "ăn thịt người" xuất hiện tại Hà Tĩnh đã khiến 4 người tử vong - Ảnh 2
Hình ảnh cánh mũi bệnh nhân bị vi khuẩn whitmore tấn công

Phòng ngừa bệnh Whitmore thế nào?

- Hiện nay Whitmore là căn bệnh chưa có vắc-xin tiêm phòng, cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng. Vì vậy những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động phù hợp. Trong quá trình, làm việc, đi lại, nếu phải đi chân đất, lao động thiếu phương tiện phòng hộ thì rất dễ bị tấn công.

- Đảm bảo vệ sinh thân thể sạch sẽ, đặc biệt là bàn tay bàn chân luôn phải sạch. Nếu tay chân dính bùn đất cần phải rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô trước khi muốn làm việc gì tiếp theo.

Bác sỹ Võ Hoài Nam - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết: “Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh. Bệnh whitmore còn có nhiều biến chứng nguy hiểm. Đôi khi chỉ là một vết xây xát nhỏ nhưng khi tiếp xúc với môi trường đất, nước có vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (bệnh Whitmore) thì nguy cơ bị nhiễm trùng, sau đó gặp phải các biến chứng nặng hơn như nhiễm trùng máu, áp xe, viêm phổi... Nếu không được phát hiện nhanh, bệnh nhân có khả năng tử vong chỉ trong vài ngày”.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Vi khuẩn "ăn thịt người" xuất hiện tại Hà Tĩnh đã khiến 4 người tử vong. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới