Chủ nhật, 24/11/2024 06:15 (GMT+7)
Thứ hai, 19/09/2022 17:55 (GMT+7)

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, hàng loạt công ty bị phạt nặng

Theo dõi KTMT trên

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra quyết định xử phạt hàng loạt các doanh nghiệp do vi phạm quy định trong lĩnh vực chứng khoán. Trong đó có hai doanh nghệp liên quan đến việc chào bán trái phiếu riêng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Ngày 16/9, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 691/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (Địa chỉ: Tầng 4, tầng 7, Toà nhà Doji, số 81-83-85 Hàm Nghi, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh).

Theo quyết định xử phạt, Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong sẽ phải nộp 125 triệu đồng do vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ tư vấn. Cụ thể, trong các hồ sơ tư vấn phát hành trái phiếu riêng lẻ của một số Công ty Cổ phần chưa đại chúng năm 2022, nội dung hợp đồng tư vấn và đại lý phát hành trái phiếu giữa công ty và khách hàng không có thỏa thuận về đối tượng được bán trái phiếu.

Như vậy, công ty chưa tuân thủ đầy đủ trách nhiệm của tổ chức tư vấn khi cung cấp dịch vụ tư vấn trong việc rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện chào bán và hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong còn bị phạt tiền 125 triệu đồng do vi phạm quy định cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua hiện có trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng. Theo đó, công ty đã cho các khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng. Tổng số tiền Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong bị phạt là 250 triệu đồng.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, hàng loạt công ty bị phạt nặng - Ảnh 1
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, hàng loạt công ty bị phạt nặng.

Cũng trong ngày 16/9, UBCKNN đã ra quyết định xử phạt với 2 công ty chứng khoán vì có những vi phạm liên quan tới các đợt phát hành trái phiếu của Công ty Cổ phần Cung Điện Mùa Đông và Công ty Cổ phần đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Cụ thể, Công ty chứng khoán Everest (EVS) là tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán cho Công ty Cổ phần Cung Điện Mùa Đông thực hiện đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ mã trái phiếu WTPCH2125003. Tuy nhiên, EVS chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu riêng lẻ theo quy định. Chẳng hạn, tại mục III.B Bản Công bố thông tin của Cung Điện Mùa Đông về việc đáp ứng các điều kiện chào bán trái phiếu ghi nhận công ty thực hiện thanh toán đủ cả gốc, lãi của trái phiếu đã phát hành.

Tuy nhiên, tại mục II.4 Bản Công bố thông tin nêu nội dung về tình hình thanh toán gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp trước đợt phát hành với tổng trị giá 450 tỷ đồng nhưng tính đến ngày 30/11/2021 chưa kết thúc các đợt phát hành này và chưa phát sinh nợ gốc, lãi trái phiếu. Hay đối với dự án sắp triển khai là Dự án Khu Du lịch phức hợp Hoàng Hải (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), tại EVS không có hồ sơ, tài liệu thể hiện vai trò của Cung Điện Mùa Đông liên quan đến Dự án này.

Bên cạnh đó, EVS cũng báo cáo sai lệch các thông tin liên quan về khối lượng trái phiếu làm đại lý phát hành. Tổng cộng Công ty chứng khoán Everest bị phạt tiền 400 triệu đồng và buộc cải chính thông tin.

Tương tự, Công ty chứng khoán An Bình bị phạt 250 triệu đồng do không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, có thể kiểm chứng được. Công ty Cổ phần chứng khoán An Bình là tổ chức tư vấn cho Công ty Cổ phần đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil (SOLEIL) thực hiện đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ mã trái phiếu SOLCH2123001, giá trị 800 tỷ đồng. Đó là phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2011 đính kèm chưa thể hiện đầy đủ thông tin về trái phiếu dự kiến phát hành. Hay Bản Công bố thông tin nêu công ty SOLEIL chưa thực hiện phát hành trái phiếu và cũng không tồn đọng khoản nợ đến hạn nào chưa được thanh toán tại thời điểm chào bán trái phiếu trong khi ở Báo cáo tài chính năm 2020 của SOLEIL, công ty có vay và nợ thuê tài chính bằng trái phiếu nhưng trong năm có biến động giảm và số dư bằng 0. Song song đó, chứng khoán An Bình còn bị phạt 60 triệu đồng do báo cáo không đúng kỳ hạn về số lượng nhà đầu tư sở hữu trái phiếu doanh nghiệp trên từng tổ chức lưu ký; Báo cáo tình hình thanh toán gốc/lãi trái phiếu trong kỳ...

Trước đó, UBCKNN vừa thông báo xử phạt Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS 185 triệu đồng vì nhiều lỗi vi phạm hành chính.

Cụ thể, VPS phải nộp phạt 125 triệu đồng vì cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua hiện có trên tài khoản ký quỹ của khách hàng tại một số thời điểm.

Ngoài ra, VPS còn bị phạt 60 triệu đồng vì bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán thực hiện ký hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng. Theo quy định, nghiệp vụ này yêu cầu nhân viên phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán.

Tăng cường thanh, kiểm tra để đảm bảo tinh minh bạch của thị trường

Thông tin về Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 65), ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho hay: Nghị định mới không thắt chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp mà bổ sung một số yêu cầu đối với doanh nghiệp phát hành để tăng tính minh bạch cho thị trường.

Cụ thể, Nghị định yêu cầu trong hồ sơ phát hành trái phiếu riêng lẻ (TPRL) của một số doanh nghiệp phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm và lộ trình phát hành, sử dụng vốn... như chào bán trái phiếu ra công chúng.

“Nghị định căn cứ trong Khoản 2 Điều 19 Luật Chứng khoán có quy định trường hợp cụ thể trường hợp doanh nghiệp phải xếp hạng tín nhiệm như sau: Có tổng giá trị trái phiếu phát hành tính theo mệnh giá mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính kỳ gần nhất; Có tổng dư nợ trái phiếu tính theo mệnh giá lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu theo báo cáo kỳ gần nhất”, ông Dương nói. Quy định này sẽ thực hiện từ 1/1/2023.

Ông Dương cũng thông tin, trường hợp doanh nghiệp chào bán TPRL cho nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân thì phải có hợp đồng ký với đại diện người chủ sở hữu trái phiếu.

Ngoài ra, doanh nghiệp phát hành TPRL phải có xác nhận của ngân hàng thương mại chứng minh có mở tài khoản tại ngân hàng để nhận tiền mua trái phiếu từ nhà đầu tư.

Liên quan đến tài sản bảo đảm của trái phiếu, ông Dương cho biết, tài sản bảo đảm phải được định giá và đăng ký biện pháp đảm bảo.

Cũng theo ông Dương, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo phải tăng cường thanh, kiểm tra để đảm bảo tinh minh bạch của thị trường.

“Việc giám sát sẽ thực hiện chủ yếu qua tổ chức tư vấn phát hành. Kiểm tra tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, nếu phát hiện vấn đề thì sau đó sẽ kiểm tra doanh nghiệp phát hành. Chúng tôi sẽ kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt nghiêm minh, qua đó đảm bảo tính minh bạch và răn đe với doanh nghiệp còn có ý định lách quy định phát hành”, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) nói.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, hàng loạt công ty bị phạt nặng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới