Chủ nhật, 24/11/2024 07:58 (GMT+7)
Chủ nhật, 16/01/2022 07:26 (GMT+7)

Vì sao Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an điều tra trốn thuế chuyển nhượng bất động sản?

Theo dõi KTMT trên

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an, Bộ Tư pháp và UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước hợp tác chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Theo văn bản số 438/BTC-VP của Bộ Tài chính, để chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kê khai đúng giá chuyển nhượng và nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an, Bộ Tư pháp và UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước hợp tác trong việc quản lý tình trạng này.

Cụ thể, Bộ Công an được đề nghị chỉ đạo cơ quan công an các địa phương phối hợp với các cục thuế để điều tra, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu trốn thuế nhằm răn đe, ngăn chặn và truy thu thuế cho ngân sách Nhà nước.

Vì sao Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an điều tra trốn thuế chuyển nhượng bất động sản? - Ảnh 1
Cơn sốt bất động sản đang xảy ra trên toàn quốc. Ảnh internet. 

Bộ Tư pháp và UBND các tỉnh, TP được đề nghị chỉ đạo các Sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các cục thuế tại địa phương để yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản kê khai dựa trên hợp đông công chức theo thực tế giá mua bán, để làm căn cứ tính thuê theo quy định của pháp luật, tránh thất thu ngân sách.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu Tổng cục Thuế chỉ đạo các cục thuế địa phương chủ động phối hợp với cơ quan Công an, Sở Tư pháp để đấu tranh xử lý có hiệu quả hành vi trốn thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Theo quy định hiện hành đối với hoạt động kinh doanh mua bán, chuyển nhượng bất động sản, cá nhân phải nộp thuế thu nhập bằng 2% giá trị chuyển nhượng, doanh nghiệp nộp 20% trên thu nhập. Giá tính thuế là giá ghi trên hợp đồng và dựa theo khung giá đất do Nhà nước quy định nếu hợp đồng không ghi rõ hoặc giá ghi trên hợp đồng thấp hơn khung quy định.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp giá khai để tính thuế thấp hơn giá giao dịch thực tế, nhằm giảm đi số thuế phải nộp, gây thất thu thuế cho Nhà nước và tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý. 

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã có công văn đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để quản lý chặt chẽ đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. 

Trả lời về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) nhận định: “Việc mua bán có tiền chênh ngoài hợp đồng bằng hình thức kê khai 2 giá khi bán hàng là hành vi vi phạm pháp luật về thuế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, người mua nhà chấp nhận điều đó để đỡ phải chịu thuế, làm như vậy là đã tiếp tay cho chủ đầu tư trốn thuế.Cả khách hàng và doanh nghiệp đang thấy lợi trước mắt mà không nhìn thấy cái hại lâu dài, bởi thực trạng này góp phần khiến cho thị trường bất động sản thiếu minh bạch”.

Dưới góc nhìn pháp lý, trả lời trên báo Công Thương, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp - Giám đốc Công ty Luật HPVN, đó chính là lỗ hổng pháp lý để các cá nhân, tổ chức có thể lợi dụng để trốn thuế trong thực hiện giao dịch chuyển nhượng bất động sản.

Ông Hiệp dẫn chứng, bảng khung giá đất do Nhà nước ban hành thường thấp hơn giá thị trường, thậm chí thấp hơn từ 50 - 70% tùy theo từng khu vực, vị trí... Luật pháp cũng cho phép giao dịch bất động sản người mua và người bán được quyền thỏa thuận giá cả, chỉ cần bằng hoặc cao hơn mức Nhà nước quy định. Thực tế khá phổ biến cho thấy, hiện nay trong các giao dịch mua bán chuyển nhượng bất động sản, người nộp thuế thường tìm cách trốn tránh phải nộp khoản thuế cao theo đúng qui định. Khi làm thủ tục công chứng chuyển nhượng bất động sản, bên bán và bên mua thường thỏa thuận khai giá trong hợp đồng công chứng thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế, khiến nguồn thu thuế từ các giao dịch này nộp vào ngân sách Nhà nước bị thất thoát.

Trao đổi với báo chí, bà Lê Thu Hiền - Hiệp hội Kế toán hành nghề Việt Nam cho rằng, lỗ hổng luật pháp và chế tài xử phạt chưa mạnh cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các cá nhân, doanh nghiệp có hành vi trốn thuế giao dịch bất động sản. Ngoài việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương tăng cường kiểm soát chống thất thu thuế giao dịch bất động sản, cần phải sửa đổi các quy định cho chặt chẽ, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong thực thi.

Theo bà Hiền, biện pháp hiệu quả để ngăn chặn trốn thuế giao dịch bất động sản, đó là Nhà nước cần xác định giá của bảng khung giá đất ngang bằng với giá thị trường hoặc thấp hơn nhưng không quá 20%. Yêu cầu tất cả các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản khi đủ điều kiện công chứng phải giao dịch qua kênh ngân hàng kèm theo tất cả chứng từ giao dịch.

Mạnh An

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an điều tra trốn thuế chuyển nhượng bất động sản?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới