Chủ nhật, 24/11/2024 07:05 (GMT+7)
Thứ năm, 06/07/2023 14:10 (GMT+7)

Vì sao cổ phiếu của Vietnam Airlines bị hạn chế giao dịch?

Theo dõi KTMT trên

Từ ngày 12/7/2023 cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận.

Hơn 2,2 tỷ cổ phiếu

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa công bố quyết định đưa hơn 2,2 tỷ cổ phiếu cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (trị giá khoảng 1,3 tỷ USD) từ diện kiểm soát sang diện bị hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch phiên chiều do tiếp tục chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2022.

Cụ thể, lý do HOSE đưa ra quyết định này là do Vietnam Airlines chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Trước đó, HVN đã vào diện kiểm soát từ đầu tháng 5 do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 30 ngày.

Vì sao cổ phiếu của Vietnam Airlines bị hạn chế giao dịch? - Ảnh 1
Từ ngày 12/7/2023 cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung.

HOSE cũng vừa đưa cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vào diện cảnh báo kể từ ngày 11/7 do chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thương niên trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2022.

Theo quy định, báo cáo tài chính kiểm toán của một doanh nghiệp niêm yết phải nộp trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tức chậm nhất vào ngày 31/3/2023. Tuy nhiên, vào gần sát thời hạn công bố (tức cuối tháng 3), Vietnam Airlines đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và HOSE xin tạm hoãn công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.

Vietnam Airlines nói gì?

Trước  thông  tin này, trưa ngày 6/7, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết: Hãng đang tích cực triển khai các biện pháp để sớm đưa cổ phiếu HVN trở lại tình trạng giao dịch bình thường,

Hiện tại, các nhà đầu tư vẫn có thể giao dịch cổ phiếu HVN trong phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận. Việc hạn chế giao dịch cổ phiếu không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng.

Để sớm đưa cổ phiếu trở lại tình trạng giao dịch bình thường, hãng tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc toàn diện và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Vietnam Airlines cho biết đang phối hợp chặt chẽ với công ty kiểm toán để sớm hoàn thành và thực hiện công bố thông tin.

Hiện tại, hoạt động khai thác của hãng diễn ra ổn định với gần 400 chuyến bay mỗi ngày và sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa trong giai đoạn cao điểm hè. Để chuẩn bị cho thời gian cao điểm, hãng đã chuẩn bị nguồn lực tốt nhất, gồm máy bay, phi công, tiếp viên và lực lượng mặt đất để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Quý I/2023, Vietnam Airlines đạt doanh thu thuần hợp nhất vượt 23.494 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là mức cao nhất đạt được trong một quý từ khi dịch bệnh bùng phát. Với lãi trước thuế 19 tỷ đồng, hãng chính thức có lãi trở lại kể từ đầu năm 2020 - thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát và hàng loạt đường bay phải tạm dừng khai thác.

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và biến động của thị trường nhưng đến cuối năm 2022, Vietnam Airlines đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa và khai thác 70% số đường bay quốc tế so với trước đại dịch.

Các chỉ tiêu sản lượng vận chuyển đều vượt 7 - 8% kế hoạch năm. Hết Quý I/2023, toàn bộ mạng bay quốc tế của hãng đã khôi phục gần như hoàn toàn so với giai đoạn trước đại dịch.

Đại diện Vietnam Airlines khẳng định hãng sẽ hoàn thành các mục tiêu trong kế hoạch phục hồi hậu đại dịch, trong bối cảnh thị trường phục hồi và nỗ lực quyết liệt nhằm tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp, nâng cao năng lực tài chính và phát triển bền vững. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi để đảm bảo quyền lợi của các cổ đông.

Song song với đó, Vietnam Airlines tiếp tục thực hiện cắt giảm chi phí, tổng chi hãng cắt giảm trong năm 2022 hơn 7.200 tỷ đồng, nhờ đàm phán giảm giá đầu vào (chi phí thuê máy bay, sửa chữa, bảo dưỡng, tiết kiệm chi…).

Vietnam Airlines tự tin, trong nửa cuối năm nay kết quả kinh doanh sẽ tiếp tục được cải thiện.

Trước đó, HoSE đã đưa cổ phiếu HVN vào diện kiểm soát đặc biệt, do kết quả kinh doanh thua lỗ kéo dài từ năm 2020. Trước khó khăn đó của Vietnam Airlines, Quốc hội, Chính phủ đã cho phép áp dụng một số cơ chế để hỗ trợ, như phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, cho vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Vì sao cổ phiếu của Vietnam Airlines bị hạn chế giao dịch?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới