Thứ tư, 08/01/2025 16:24 (GMT+7)
Thứ bảy, 28/12/2024 10:11 (GMT+7)

Vì sao người dân không chuộng sử dụng xăng sinh học?

Theo dõi KTMT trên

Xăng sinh học được coi là một giải pháp thay thế xăng truyền thống nhằm giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, tại Việt Nam, xăng sinh học vẫn chưa thực sự được người dân tin dùng rộng rãi.

Xăng sinh học trong tiếng Anh được gọi là gasohol hoặc biogasoline để phân biệt với gasoline (xăng thông thường), được tạo ra bằng cách phối trộn cồn sinh học ethanol khan (anhydrous ethanol) với xăng thông thường theo một tỉ lệ nhất định, trong đó xăng E5 gồm 5% ethanol và 95% xăng thông thường, còn xăng E10 có 10% ethanol. Xăng sinh học từ E5 đến E25 được gọi là hỗn hợp ethanol thấp, từ E30 đến E85 là hỗn hợp ethanol cao. E100 là Ethanol nguyên chất sau khi sản xuất.

Xăng sinh học là loại nhiên liệu thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ môi trường. Không những thế nó giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch cũng như giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Với những nước phải nhập khẩu dầu mỏ thì xăng sinh học giúp giảm phụ thuộc nguồn dầu mỏ nước ngoài.

Theo Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ tại Việt Nam (U.S Grains), thực tế chỉ riêng năm 2023, việc pha trộn ethanol vào xăng đã giúp giảm 56,5 triệu tấn khí thải nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải. Con số này tương đương với việc loại bỏ 12 triệu xe ô tô khỏi đường phố mỗi năm; lượng khí thải hàng năm của 15 nhà máy điện than; hoặc thậm chí tương đương với lượng khí thải từ 325.000 chuyến bay khứ hồi từ Los Angeles đến Thành phố New York.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ 1/1/2018, xăng RON 92 bị “khai tử” và được thay thế hoàn toàn bằng xăng sinh học E5. Thế nhưng, đến thời điểm này thực tế thị trường cho thấy cả người tiêu dùng và bán lẻ đều không “mặn” với mặt hàng này.

Vì sao người dân không chuộng sử dụng xăng sinh học? - Ảnh 1
Xăng sinh học được coi là một giải pháp thay thế xăng truyền thống nhằm giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. 

Theo thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM đăng tải ngày 12/8/2024, thời điểm mới bắt đầu áp dụng, các cửa hàng xăng dầu bán lẻ thuộc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, PV Oil, Saigon Petro… tiên phong triển khai bán loại xăng này. Tuy nhiên đến nay qua 6 năm áp dụng, ghi nhận thực tế tại nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP.HCM cho thấy, xăng sinh học E5 dần "vắng bóng".

Trao đổi với báo Pháp luật TP.HCM một số chủ cửa hàng xăng dầu thừa nhận đã ngừng kinh doanh loại nguyên liệu này. Nguyên nhân, là do mức chiết khấu nhận được của mặt hàng xăng E5 tương đương như xăng A95, chứ không có ưu đãi. Mặt khác, đa số khách hàng ghé vào cửa hàng mua xăng A95 chứ không đổ xăng sinh học E5 nên họ dừng bán loại xăng trên.

Theo chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính khiến người Việt Nam không chuộng sử dụng xăng sinh học là do thiếu thông tin và nhận thức về lợi ích của loại nhiên liệu này. Nhiều người dân chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về xăng sinh học, cũng như những lợi ích mà nó mang lại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Ngoài ra, sự thiếu hiểu biết về cách sử dụng xăng sinh học cũng là một rào cản. Nhiều người lo ngại rằng việc sử dụng xăng sinh học có thể gây hại cho động cơ xe của họ, mặc dù các nghiên cứu đã chứng minh rằng xăng sinh học an toàn và không gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất động cơ.

Tâm lý tiêu dùng và sự bảo thủ cũng là một yếu tố quan trọng khiến xăng sinh học không được ưa chuộng tại Việt Nam. Người dân thường có xu hướng bảo thủ và ít thay đổi thói quen tiêu dùng, đặc biệt là đối với các sản phẩm mới và chưa được phổ biến rộng rãi.

Ngoài ra, nhiều người vẫn tin rằng xăng truyền thống là lựa chọn an toàn và tin cậy hơn so với xăng sinh học. Sự lo ngại về chất lượng và hiệu suất của xăng sinh học khiến người tiêu dùng e ngại và không muốn thử nghiệm loại nhiên liệu này.

Cũng theo chuyên gia, để thúc đẩy sử dụng xăng sinh học tại Việt Nam, cần có những biện pháp cụ thể và hiệu quả từ cả phía chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng.

Cần tổ chức các chương trình tuyên truyền và giáo dục về lợi ích của xăng sinh học cần được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức của người dân. Các tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan chức năng cần phối hợp tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, hội thảo và khóa đào tạo để thay đổi thói quen và hành vi của người tiêu dùng.

Chính phủ cần ban hành các chính sách hỗ trợ tài chính mạnh mẽ hơn để thúc đẩy sử dụng xăng sinh học. Các biện pháp này bao gồm trợ giá, giảm thuế và cung cấp các gói vay ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất và phân phối xăng sinh học.

Việc phát triển hệ thống cung ứng xăng sinh học cần được đầu tư và phát triển đồng bộ. Số lượng trạm xăng cung cấp xăng sinh học cần được tăng cường, đặc biệt tại các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào quy trình sản xuất và đảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng.

Cuối cùng, việc thay đổi tâm lý tiêu dùng và sự bảo thủ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sử dụng xăng sinh học. Các chương trình giáo dục và tuyên truyền cần tập trung vào việc thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng, giúp họ hiểu rõ hơn về lợi ích của xăng sinh học và tạo động lực để thử nghiệm và sử dụng loại nhiên liệu này.

Với hơn 100 triệu dân và khoảng 79 triệu phương tiện (73 triệu xe máy và hơn 6 triệu ô tô), việc chuyển sang các nguồn nhiên liệu bền vững như xăng sinh học là cần thiết để phát triển hệ thống giao thông xanh giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tại Chỉ thị số 16/CT-BCT ban hành ngày 26/12/2024 về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nhiên liệu sinh học tại Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã rất quyết tâm, đã và đang triển khai nhiều giải pháp để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, tuy nhiên, xu hướng sử dụng nhiên liệu này chưa đạt được như mong muốn.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Vụ thị trường trong nước tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường, theo dõi, đôn đốc các địa phương, các thương nhân kinh doanh xăng dầu đẩy mạnh kinh doanh xăng nhiên liệu sinh học (E5 RON92, E100) cung cấp cho thị trường.

Đồng thời, chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo Bộ Công Thương định kỳ 3 tháng/lần về việc triển khai kinh doanh xăng E5 RON 92 để nắm bắt những khó khăn trong quá trình thực hiện.

Vụ Thị trường trong nước được giao phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát các văn bản, nghiên cứu xây dựng cơ chế về giá để đảm bảo mức hấp dẫn sử dụng nhiên liệu sinh học E5 RON92.

Phối hợp chặt chẽ với Vụ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện lộ trình phối trộn nhiên liệu sinh học theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để thông tin thường xuyên, đầy đủ về nguồn cung xăng dầu, công tác điều hành thị trường xăng dầu của Liên Bộ Công Thương - Tài chính và các Bộ, ngành liên quan, tạo tâm lý ổn định và đồng thuận trong dư luận xã hội. Tăng cường thông tin truyền thông, khuyến khích cộng đồng sử dụng nhiên liệu sinh học.

Việc sử dụng xăng sinh học tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, từ thiếu thông tin và nhận thức, giá cả, sự hạn chế về cung ứng, cho đến tâm lý tiêu dùng và sự bảo thủ. Tuy nhiên, với các giải pháp cụ thể và hiệu quả từ cả phía chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng, xăng sinh học có thể trở thành một lựa chọn thân thiện với môi trường và bền vững hơn cho người dân Việt Nam.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Vì sao người dân không chuộng sử dụng xăng sinh học?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đề xuất cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn. Theo đó, Bộ đề xuất 4 lĩnh vực được phép thử nghiệm tại cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.

Tin mới