Chủ nhật, 24/11/2024 06:24 (GMT+7)
Thứ hai, 18/10/2021 06:15 (GMT+7)

VIASEE: Góp phần xây dựng nền kinh tế xanh phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Trước đây, chúng ta chuyển từ kinh tế nâu - tiêu tốn năng lượng, sang kinh tế xanh - sử dụng năng lượng tái tạo, hài hòa phát triển kinh tế xã hội với bảo vệ môi trường và không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.

Tài nguyên thiên nhiên là một dạng của cải đặc biệt

Những phân tích và đánh giá từ các chuyên gia môi trường đều chỉ ra rằng, để hiện hữu và tồn tại trong cả cuộc đời, mỗi chúng ta đều được nuôi sống bằng rất nhiều sản vật của Trái Đất: Khí trời, nước sạch, thảo vật, thịt các loài thú nuôi. Dù vậy, không phải ai cũng có thể nhắc nhớ với mình để biết ơn, tri ân, cám ơn vì những phúc lộc mà thiên nhiên ban tặng con người. Có thể nói, chính nhờ Mẹ Thiên nhiên mà con người mới có được cuộc sống, được nuôi dưỡng từ những nhu cầu cấp thiết của cuộc sống đến việc phát triển kinh tế để đạt được những tinh hoa rực rỡ.

VIASEE: Góp phần xây dựng nền kinh tế xanh phát triển bền vững - Ảnh 1
Chính nhờ Mẹ Thiên nhiên mà con người mới có được cuộc sống, được nuôi dưỡng.

Cũng theo giới phân tích, tài nguyên thiên nhiên là một dạng của cải đặc biệt, là những giá trị hữu ích của môi trường tự nhiên có thể thỏa mãn các nhu cầu khác nhau của con người bằng sự tham gia trực tiếp của chúng vào các quá trình kinh tế và đời sống nhân loại.

Ở Việt Nam có Luật Bảo vệ và phát triển rừng được Quốc hội thông qua năm 1994. Để đạt mục tiêu đưa tỉ lệ che phủ rừng của Việt Nam đạt 43% (tỉ lệ của năm 1943), Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định đóng cửa rừng tự nhiên, chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng. Điều này khẳng định rõ nỗ lực của Việt Nam trong việc tiếp cận phát triển bền vững.

Hiện nay tài nguyên đất đang bị chuyển đổi cơ cấu rất mạnh mẽ, đất nông nghiệp đang ngày một bị chuyển qua phục vụ cho công nghiệp và xây dựng. Đất bị nhiễm phèn, bị nhiễm mặn, bị sa mạc hóa ngày càng tăng thêm. Quản lý nhà nước về đất đai là nhu cầu khách quan là công cụ bảo vệ và điều tiết các lợi ích gắn liền với đất đai, và quan trọng nhất là bảo vệ chế độ sở hữu về đất đai. Nhiệm vụ này cần được đổi mới một cách cụ thể và phù hợp để đáp ứng các yêu cầu quản lý và tương xứng với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước trong từng giai đoạn.

Ngày 17/11/2020, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội chính thức thông qua Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi. Đây là nền tảng, cơ sở để công tác quản lý vấn đề tài nguyên môi trường càng được củng cố, vững chắc.

Luật BVMT sửa đổi gồm 16 chương, 171 Điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Trước khi thông qua toàn bộ dự thảo Luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 28 quy định “Các tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư”; Điều 35 quy định “Thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường” và Điều 40 quy định “Nội dung giấy phép môi trường”.

VIASEE: Góp phần xây dựng nền kinh tế xanh phát triển bền vững - Ảnh 2
Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng. (Ảnh thác bản Giốc, báo Nhân dân)

Trong đó, Điều 28 của Luật quy định, căn cứ tiêu chí về môi trường, dự án đầu tư được phân thành các nhóm I, II, III và IV. Cụ thể, dự án đầu tư nhóm I là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; dự án đầu tư nhóm II là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường; dự án đầu tư nhóm III là dự án ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường và dự án đầu tư nhóm IV là dự án không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, Điều 35 của Luật quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư nhóm I và dự án đầu tư nhóm II thuộc thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; Dự án đầu tư nằm trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên; Dự án nằm trên vùng biển chưa giao trách nhiệm quản lý hành chính của UBND cấp tỉnh; Dự án đầu tư thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản, cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cấp giấy phép nhận chìm vật chất ở biển của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) .

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư thuộc bí mật quốc phòng, an ninh. UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư trên địa bàn, trừ đối tượng quy định phân cấp cho Bộ TN&MT. Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh nơi có dự án thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình.

Rừng là nơi thiêng liêng

Nêu vai trò của rừng đối với con người, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng từng có phiên trả lời chất vấn làm “nóng” nghị trường. Người đứng đầu Bộ TN&MT nhấn mạnh: "Tôi thở không khí đã được rừng lọc CO2. Rừng là nơi cung cấp 70% các tài nguyên cho cuộc sống con người. Rừng là hết sức thiêng liêng và trong chiến tranh rừng che bộ đội”.

VIASEE: Góp phần xây dựng nền kinh tế xanh phát triển bền vững - Ảnh 3
Một góc rừng tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình.

Nói về vấn đề thủy điện có là nguyên nhân của các vụ sạt lở rừng, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hệ lụy đó là hậu quả do những việc chúng ta khai thác tài nguyên thiên nhiên mà không dựa vào quy luật tự nhiên. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, mất rừng không có nghĩa là nghĩ đến thủy điện. Mất rừng còn do tư duy sai trái khi trong nhà dùng toàn đồ gỗ. Thuỷ điện không phải là nguyên chính gây mất rừng, mà còn do việc thay thế rừng tự nhiên bằng những cánh rừng cây sản xuất bình thường như cây cà phê không phù hợp hệ sinh thái. Như vậy, rừng nông nghiệp hoặc lâm nghiệp này sẽ không có giá trị.

Với tư cách là người làm quản lý môi trường, Bộ trưởng Bộ TN&MT khẳng định sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, cùng Quốc hội rà soát từng mét vuông đất chuyển đổi từ rừng tự nhiên và rừng phòng hộ đặc dụng.

"Mất rừng còn nhiều nguyên nhân khác. Đối với rừng phòng hộ đặc dụng, những nơi không còn rừng phòng hộ, bảo vệ con người, chúng ta phải phục hồi lại rừng, phục hồi rừng nguyên sinh đúng với bản chất rừng tự nhiên", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, năm 1993, Luật BVMT được thông qua lần đầu tiên và có hiệu lực từ năm 1994. Sau đó, Luật BVMT được sửa đổi hai lần (năm 2005, năm 2014) và giờ là lần thứ 4 sửa đổi Luật này. Hiện nay, trong lĩnh vực BVMT các điều khoản thi hành trên thực tế nằm rải rác ở các luật khác nhau như Luật Xây dựng, Tài nguyên nước, Y tế…

Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế bằng mọi giá

PGS.TS Trương Mạnh Tiến cho biết, Luật BVMT sửa đổi đã xem xét một cách tổng thể theo hướng tập trung bao quát đầy đủ các điều khoản ở các luật chuyên ngành khác, để tránh được sự chồng chéo, thiếu hụt và bỏ lọt những điều mà chúng ta chưa nhìn thấy hết hay mới nảy sinh.

VIASEE: Góp phần xây dựng nền kinh tế xanh phát triển bền vững - Ảnh 4
PGS.TS Trương Mạnh Tiến.

Ngoài ra, các vấn đề như thuế môi trường, lệ phí, tạo nguồn tài chính cho hoạt động BVMT rất cần thiết đã được quy định cụ thể. Đặc biệt là nguồn lực tài chính mà ở các Luật trước đây quy định rất mờ nhạt và thậm chí là thiếu đã được bổ sung, điều chỉnh.

Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường nhấn mạnh, trước đây, chúng ta nói là chuyển từ kinh tế nâu - tiêu tốn năng lượng sang kinh tế xanh - sử dụng năng lượng tái tạo, hài hòa phát triển kinh tế xã hội với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, ở thời điểm này cần phải nhấn mạnh bằng mọi giá không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.

Một vấn đề cần lưu ý nữa là sau nhiều năm kể từ khi Luật BVMT năm 2014 đi vào cuộc sống, đến nay chất lượng môi trường nhiều nơi vẫn tiếp tục xấu đi. Thực tế, tình trạng ô nhiễm nguồn nước và không khí diễn biến phức tạp với nhiều điểm nóng, đặc biệt là tại các khu vực tập trung nhiều khu - cụm công nghiệp, làng nghề, nhà máy xi măng…

Hiện nay, vấn đề giữ gìn, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đang đặt ra nhiều thách thức trước quá tình phát triển kinh tế quá “nóng”. Tăng trưởng kinh tế với việc xây dựng nhiều công trình xây dựng như thủy điện, điện gió, điện năng lượng đã để lại những hệ lụy cho môi trường. Do đó đã đến lúc không thể hi sinh môi trường cho tăng trưởng kinh tế, cũng không thể để thiên nhiên “oằn mình” chịu đựng những hoạt động phát triển thiếu bền vững. Nêu quan điểm về vấn đề này, theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, thực tế ở Việt Nam đang cho thấy sức chịu tải của môi trường đã vượt quá ngưỡng.

Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, trên cả nước đã xảy ra hàng loạt sự cố môi trường nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Điển hình như sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, cháy nổ ở nhà máy Rạng Đông, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt do đổ bùn thải trái phép tại Hòa Bình…

Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường, PGS.TS Trương Mạnh Tiến cho biết, những sự cố môi trường xảy ra thời gian qua đòi hỏi một cái nhìn hết sức tổng thể, thiên tai chỉ là một phần, mà nguyên nhân còn đến từ con người. Rõ ràng, vấn đề BVMT của chúng ta không còn ở mức cảnh báo mà đã đến ngưỡng báo động đỏ, rất cấp thiết, đòi hỏi các cơ quan quản lý cũng như các nhà hoạch định chính sách cần có giải pháp thay đổi để hướng tới phát triển kinh tế bền vững.

Đặc biệt, theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, những sự cố môi trường mới chỉ là một phần nổi của “tảng băng chìm” về bức tranh ô nhiễm hiện nay. Bởi với 878 khu đô thị, 280 khu công nghiệp, 683 cụm công nghiệp, hơn 500.000 cơ sở sản xuất, hơn 13.000 cơ sở y tế, hơn 5.400 làng nghề… đang hoạt động, phát sinh hơn 9 triệu m3 nước thải sinh hoạt (tỉ lệ thu gom chỉ khoảng 12%), 650.000 m3 nước thải công nghiệp, 125.000 m3 nước thải y tế, đã khiến nhiều sông, hồ trên cả nước không còn khả năng tự làm sạch, trở thành nơi chứa nước thải.

Triều Châu

Bạn đang đọc bài viết VIASEE: Góp phần xây dựng nền kinh tế xanh phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới