Chủ nhật, 24/11/2024 08:43 (GMT+7)
Chủ nhật, 13/03/2022 10:00 (GMT+7)

Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của gần 400 dự án “ôm” đất để hoang ra sao?

Theo dõi KTMT trên

Hiện trên địa bàn Hà Nội có gần 400 dự án chậm triển khai đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý, vậy những dự án này đã thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất của dự án với tổng số tiền đã nộp ra sao, hệ lụy của việc ôm đất?

Nhiều dự án nợ đọng tiền sử dụng đất

Như Tạp chí Kinh tế Môi trường từng đưa tin vụ việc Gần 400 dự án “ôm” đất để hoang, Hà Nội lập đoàn kiểm tra, xử lý, về thực hiện nghĩa vụ tài chính, lãnh đạo Thành phố thông tin, có 20 dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án với tổng số tiền đã nộp khoảng 678 tỷ đồng, 8 dự án đã hoàn thành một phần nghĩa vụ tài chính với tổng số tiền khoảng 252 tỷ đồng (còn nợ khoảng 367 tỷ đồng); 23 dự án chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính (do chưa có cơ sở quản lý thu).

Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của gần 400 dự án “ôm” đất để hoang ra sao? - Ảnh 1
La liệt các dự án KĐT ở Mê Linh (Hà Nội) bị bỏ hoang, chậm triển khai gây bức xúc cho người dân.

Thời điểm cuối năm 2021, việc triển khai thực hiện dự án của các nhà đầu tư vẫn chậm, đều đang hoàn chỉnh các thủ tục, trong đó có một dự án đã cơ bản hoàn thành (Khu nhà ở, biệt thự tại xã Tiền Phong của Công ty CP Xây dựng Phương Huy).

Theo tìm hiểu của PV báo Kinh tế Môi trường, trong Báo cáo số 20/BC-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội ban hành ngày 28/7/2021 chỉ rõ: Sau hơn 02 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2018/NQ-HĐND của HĐND thành phố về kết quả giám sát các dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai và gần 3 năm thực hiện kiến nghị giám sát của HĐND thành phố. Kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố, đến nay, nhiều dự án vi phạm Luật Đất đai không những tồn tại từ thời điểm trước giám sát năm 2018 chưa được xử lý mà còn phát sinh thêm từ năm 2018 đến nay.

Cụ thể, nhóm 63 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt. Trong số đó, có 18 dự án cần thanh tra, kiểm tra để báo cáo UBND thành phố chấm dứt dự án theo quy định; 31 dự án chậm, tạm dừng cần điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cơ chế thực hiện do vướng mắc giữa các luật; 8 dự án chậm nhưng đề xuất tiếp tục triển khai và đề nghị đẩy nhanh tiến độ; 6 dự án thành phố đã có chỉ đạo giao các sở chuyên ngành kiểm tra, thanh tra, chờ thực hiện theo kết luận.

Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của gần 400 dự án “ôm” đất để hoang ra sao? - Ảnh 2
Sau nhiều năm triển khai, hạ tầng giao thông KĐT The Diamond (Mê Linh, TP.Hà Nội) vẫn dang dở, chưa hoàn thiện. (Ảnh: Nguyễn Cường)

Đối với nhóm 287 dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai đến thời điểm tháng 5/2021, có 60 dự án chậm đưa đất vào sử dụng đề nghị gia hạn 24 tháng; 59 dự án chậm giải phóng mặt bằng; 20 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính; 76 dự án có các vi phạm khác; 39 dự án dừng thanh tra (do các cơ quan khác thanh tra hoặc dự án chưa được phê duyệt, chưa được giao đất...); 17 dự án kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo quy định của pháp luật; 16 dự án phát sinh sau thời điểm giám sát của HĐND thành phố năm 2018 đến tháng 3/2021, hiện đang triển khai nhưng chậm tiến độ so với tiến độ được duyệt.

Đáng chú ý, trong số 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính từ năm 2018, đến nay vẫn còn 38 dự án nợ đọng tiền sử dụng đất lên tới gần 3.800 tỷ đồng. Trong số hơn 300 dự án chậm triển khai theo báo cáo giám sát của HĐND thành phố, có 30 dự án kiến nghị thu hồi, hiện mới thu hồi 10 dự án…

“Ôm đất” hàng chục năm không triển khai

Trong gần 400 dự án “ôm” đất để hoang, không ít dự án dù đã được chỉ rõ sai phạm đất đai, chậm tiến độ nhưng vẫn tiếp tục nằm im, không có dấu hiệu triển khai như  4 dự án khu đô thị ở Mê Linh do các nhà đầu tư 10 năm không triển khai thực hiện hoặc có văn bản đề nghị trả lại, xin dừng thực hiện dự án (gồm: Khu đô thị mới Prime Group - CTCP Prime Group; Khu đô thị mới Vinalines - CTCP Bất động sản Vinalines Vĩnh Phúc; Khu đô thị mới BMC - Công ty Vật liệu xây dựng và Lắp ráp thương mại; Khu đô thị mới Việt Á - CTCP Tập đoàn Đầu tư Thương mại Công nghiệp Việt Á); Riêng đối với dự án khu đô thị mới Vinalines, UBND Thành phố đã có chỉ đạo tạm dừng việc thực hiện quyết định thu hồi 12 tháng do có khiếu nại, kiến nghị của nhà đầu tư.

Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của gần 400 dự án “ôm” đất để hoang ra sao? - Ảnh 3
Các khu đất được quy hoạch phân lô bên trong một KĐT tại Mê Linh được người dân để tận dụng.

Hay như dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai). Dự án có quy mô 35ha, do Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi, thuộc Tổng công ty Xây dựng và Phát triển Hạ tầng (Tổng công ty Licogi) làm chủ đầu tư. Theo phê duyệt, thời gian thực hiện dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt được chia thành 2 giai đoạn từ năm 2004 - 2011. Đến nay, đã 17 năm, dự án này vẫn chỉ là bãi cỏ hoang hóa đầy rác và không ít diện tích sử dụng sai mục đích. Hàng chục hộ dân sống trong vùng quy hoạch dự án rơi vào cảnh bấp bênh khi không được sửa chữa, xây dựng nhà cửa.

Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của gần 400 dự án “ôm” đất để hoang ra sao? - Ảnh 4
Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) bỏ hoang, hơn 17 năm không triển khai. (Ảnh: Báo Lao động)

Cơ quan chức năng xác định, dự án được phê duyệt từ năm 2004 nhưng tiến độ giải phóng mặt bằng quá chậm, nguyên nhân chính là nhà đầu tư - Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi chưa chủ động trong triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, TP. Hà Nội sau đó vẫn để nhà đầu tư này tiếp tục thực hiện dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, trong điều kiện chủ đầu tư phải quyết liệt giải phóng mặt bằng và sớm đầu tư xây dựng dự án. Và đến thời điểm này, chủ đầu tư dự án vẫn tiếp tục “ôm đất” không triển khai.

Tình trạng chủ đầu tư ôm đất, chây ì triển khai cũng diễn ra tương tự tại dự án Khu đô thị và dịch vụ phía Tây Quốc Oai (Hà Nội Westgate). Dự án có quy mô diện tích khoảng 52,5ha thuộc thị trấn Quốc Oai và xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai, Hà Nội). Tại Quyết định số 2006/QĐ-UBND ngày 3/7/2008, UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) giao CTCP Tài chính và Phát triển doanh nghiệp, thành viên của GamiLand, làm chủ đầu tư dự án. Hơn một thập kỷ trôi qua, mặc dù dự án đã nhiều lần được điều chỉnh, gia hạn thời gian để thực hiện nhưng đến nay, dự án vẫn chỉ là một bãi đất hoang để chăn thả trâu, bò.

Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của gần 400 dự án “ôm” đất để hoang ra sao? - Ảnh 5
Dự án Khu đô thị và dịch vụ phía Tây Quốc Oai (Hà Nội Westgate) nhiều năm vẫn là bãi chăn thả bò.

Một dự án “ôm đất” khác vừa được HĐND TP. Hà Nội đề nghị UBND TP chỉ đạo rà soát, xem xét thu hồi dự là Khu nhà ở Văn La - Văn Khê của Sudico.

Theo phản ánh của báo chí, dự án được UBND tỉnh Hà Tây cũ giao cho Sudico làm chủ đầu tư từ năm 2006 và được giao 10,61ha đất tại quyết định ngày 21/11/2007. Đến tháng 11/2015, dự án lại được UBND TP. Hà Nội phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, quy mô 12 ha.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án hoàn thành năm 2009 với tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng. Thế nhưng, sau hơn thập kỷ, khu nhà ở của Sudico vẫn là bãi đất trống. Hiện chủ đầu tư mới chỉ san nền, triển khai một số hạng mục giao thông, thoát nước và ép cọc công trình nhà ở thấp tầng. Phía Sudico đang xin điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Hệ lụy của những dự án “ôm đất” rồi bỏ hoang nhiều năm

Một trong những hệ lụy là tiền bị đọng trong đất đai và không được sử dụng, không phát huy hiệu quả kinh tế từ đất đai. Bên cạnh đó, nếu để dự án chậm quá lâu thì việc thực thi quy hoạch lúc đó đã không còn hiệu quả. Vì quy hoạch có tầm nhìn 10 năm chẳng hạn, nhưng 10 năm sau doanh nghiệp vẫn chưa triển khai, thì lúc đó, bắt buộc phải điều chỉnh quy hoạch, gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung của đô thị, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định.

Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của gần 400 dự án “ôm” đất để hoang ra sao? - Ảnh 6
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Võ cho hay: “Các dự án này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, mà khi bị treo nhiều năm thì trong khoảng thời gian đó hiệu quả sử dụng đất cũng hoàn toàn tê liệt. Việc để hoang phí đất đai sẽ gây thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước”.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích: “Việc chủ đầu tư “ôm đất” trong nhiều năm, khiến tiền vốn bị đọng lại, doanh nghiệp không thu được gì thì đến khi dự án được hình thành, chủ đầu tư sẽ tính vào chi phí giá thành, dẫn đến giá bất động sản bị đẩy lên cao, người mua nhà bị thiệt hại”. 

Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của gần 400 dự án “ôm” đất để hoang ra sao? - Ảnh 7
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

Ông thịnh nhấn mạnh: “Đối với các doanh nghiệp “ôm đất” mà không sử dụng, nếu chỉ phạt hành chính thì không đáng là bao. Cho nên các doanh nghiệp này không chịu tác động nào ngoài tác động không có lãi suất. Sau này nếu thực hiện dự án, họ trừ vào khoản lợi có được từ việc đất lên giá hoặc tính vào giá thành sản phẩm bất động sản. Chính vì vậy, nếu 'ôm' được thì các doanh nghiệp cứ 'ôm đất' mãi thôi”.

Thực trạng “ôm đất” không triển khai là một trong những lãng phí tài nguyên xã hội nhất, trong khi các doanh nghiệp khác thiếu đất, thiếu dự án trầm trọng. Những chủ đầu tư “ôm đất”, xí phần này đã tước đi cơ hội phát triển dự án của nhiều nhà đầu tư có năng lực, tước đi cơ hội được sở hữu nhà ở chất lượng, giá cả phải chăng của người dân, ông Thịnh phân tích thêm.

Việc “ôm đất”, đầu cơ đất còn gây ra rủi ro trên thị trường bất động sản nếu chủ đầu tư bán nhà ở hình thành trong tương lai cho khách hàng nhưng chây ì thực hiện dự án theo quy hoạch. Điều này dẫn đến khiếu kiện kéo dài, việc xử lý sai phạm sau này lại càng khó khăn. Mặt khác, khi các dự án chậm trễ hoặc không triển khai nhiều năm, cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch cũng bị “treo” theo dự án, tạo ra bức tranh nham nhở trong quá trình phát triển đô thị của thành phố.

Các chuyên gia cho rằng, thêm một ngày đất đai bị bỏ hoang là thêm một ngày nguồn lực phát triển bị “giam lỏng”, đằng sau đó là nhiều hệ lụy mà càng để lâu càng khó tháo gỡ. Do đó, việc có những động thái quyết liệt trong rà soát, xem xét và đưa ra hướng xử lý phù hợp, đẩy nhanh tiến độ các dự án được đánh giá là giải pháp cứu cánh cho tương lai của đô thị.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của gần 400 dự án “ôm” đất để hoang ra sao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới